Bài viết bởi Bác sĩ Ngô Văn Trung - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hormon Tuyến cận giáp (PTH) là một hormone sinh mạng của cơ thể, đóng vai trò trong điều hòa nồng độ ion Ca2+ và ion phosphate (PO43-) trong huyết tương. Dưới tác dụng của hormone, nồng độ ion canxi huyết tương tăng lên nhưng ngược lại nồng độ ion phosphate lại giảm đi.
1. Đặc điểm giải phẫu học
- Vị trí: nằm ngay sau tuyến giáp (2 tuyến ở cực trên và 2 tuyến ở cực dưới)
- Kích thước: rất nhỏ, chỉ khoảng 6x3x2 mm.
- Số lượng: 4 tuyến cho 2 thùy tuyến giáp
Do tuyến cận giáp rất nhỏ, màu sắc tuyến lại rất giống màu sắc của tuyến giáp nên rất khó phân biệt bằng mắt thường, vì thế rất dễ cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến cận giáp trong những phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Thế nhưng chỉ cần một phần nhỏ của tuyến cận giáp còn lại thì phần này sẽ tăng sinh tế bào để đảm bảo chức năng của toàn bộ tuyến.
Cấu tạo: tuyến cận giáp ở người trưởng thành gồm hai loại tế bào: tế bào chính và tế bào ưa oxy. Trong đó tế bào chính là thành phần cấu tạo chủ yếu của tuyến cận giáp, tế bào ưa oxy chỉ có ở người trưởng thành mà không có ở nhiều loài động vật.
Chức năng: tế bào chính bài tiết ra parahormon, còn chức năng của tế bào ưa oxy đến nay còn chưa biết rõ.
2. Hormon của tuyến cận giáp (Parahormon - PTH)
Hormon Tuyến cận giáp (PTH) là 1 loại nội tiết tố được tiết ra bởi 4 tuyến nhỏ nằm ở 2 cực mỗi thùy giáp, được lưu trữ ở các hạt bài tiết nằm trong bào tương của tế bào chính cận giáp để chờ giải phóng vào máu.
Tác dụng của hormone: Đây là một hormone sinh mạng của cơ thể, đóng vai trò trong điều hòa nồng độ ion Ca2+ và ion phosphate (PO43-) trong huyết tương. Dưới tác dụng của hormone, nồng độ ion canxi huyết tương tăng lên nhưng ngược lại nồng độ ion phosphate lại giảm đi.
PTH thực hiện chức năng này bằng những tác dụng trên xương, thận và ruột.
Nồng độ PTH bình thường trong máu là vào khoảng dưới 50 pg/ml. Hormon được bài tiết nhiều hay ít tùy thuộc vào nồng độ ion calci và phosphate trong máu đặc biệt là ion calci. Chỉ cần giảm nhẹ nồng độ ion calci thì tuyến sẽ tăng tiết hormone ngay, và tình trạng giảm calci kéo dài có thể làm tuyến sẽ nở to ra còn nồng độ ion calci trong máu tăng thì hoạt động và kích thước của tuyến sẽ giảm.
3. Xét nghiệm hormon của tuyến cận giáp (Parahormon – PTH) cần thực hiện khi nào?
- Xét nghiệm được chỉ định để đánh giá các bệnh nhân có nồng độ canxi máu bất thường và để theo dõi các tình trạng bệnh lý có thể có tác động tới nồng độ canxi máu (Ví dụ: suy thận mạn).
- Giúp cho chẩn đoán tình trạng rối loạn chức năng tuyến cận giáp (cường chức năng và suy chức năng).
4. Cách lấy bệnh phẩm xét nghiệm hormon cận giáp (PTH) và ý nghĩa của kết quả xét nghiệm
Cách thức lấy mẫu bệnh phẩm:
- Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn 8 – 10h trước khi lấy máu xét nghiệm. Nồng độ PTH thay đổi trong ngày (nồng độ đỉnh xảy ra vào khoảng 2h sáng). Mẫu bệnh phẩm thường được lấy vào khoảng 8h sáng.
Giá trị hormon cận giáp (PTH) bình thường và một số trường hợp bệnh lý
- Giá trị hormon cận giáp (PTH) bình thường: 10 – 60 pg/ml hay 10 – 60 ng/L.
Tăng nồng độ hormon cận giáp (PTH): Các nguyên nhân chính thường gặp
- Giảm hấp thu canxi;
- Suy thận mạn;
- Sản xuất PTH lạc chỗ;
- Giảm canxi máu;
- Phụ nữ đang trong thời gian cho con bú;
- Có thai;
- Cường cận giáp tiên phát và thứ phát;
- Tăng thải canxi trong nước tiểu do thận (renal hypercalciuria);
- Còi xương;
- Ung thư biểu mô tế bào vẩy (squamous cell carcirtoma) của phổi;
- Thiếu hụt vitamin D.
Giảm nồng độ hormon cận giáp (PTH): Các nguyên nhân chính thường gặp:
- Bệnh tự miễn;
- Bệnh nhiễm độc giáp (bệnh Basedow);
- Tăng canxi máu;
- Suy chức năng cận giáp;
- Hội chứng nhiễm kiềm do uống sữa (mllk-alkaSi syndrome);
- Sau cắt tuyến cận giáp;
- Bệnh sarcoidose (sarcoidosis);
- Ngộ độc vitamin A và D.
5. Ý nghĩa lâm sàng chỉ số xét nghiệm hormon cận giáp (PTH)
Xét nghiệm rất hữu ích để chẩn đoán các tình trạng cường chức năng và suy chức năng tuyến cận giáp, nhất là khi tiến hành đồng thời các xét nghiệm đánh giá chuyển hóa phospho-canxi và chức năng thận (creatinin máu).
Khi có tăng nồng độ PTH và canxi huyết thanh, bệnh nhân có nguy cơ bị các tình trạng bệnh lý như:
- Sỏi thận do tăng canxi niệu;
- Loãng xương do mất canxi của xương;
- Suy thận;
- Tăng huyết áp.
Nguồn: Nội khoa Việt Nam