Thuốc Carbinom chứa thành phần Carbimazole 5mg, được bào chế dưới dạng viên nén, là 1 loại thuốc kháng giáp tổng hợp.
1. Carbinom là thuốc gì?
Carbinom là thuốc kê đơn chứa hoạt chất Carbimazole - 1loại kháng giáp tổng hợp, được chỉ định khi có tình trạng cường giáp.
Tuyến giáp kiểm soát nhịp tim và nhiệt độ của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức tạo ra nhiều hormone (cường giáp), cơ thể xuất hiện các triệu chứng như sụt cân, đổ nhiều mồ hôi, mệt mỏi, khó chịu, run rẩy, tiêu chảy, thay đổi tâm trạng và hay cáu gắt.
Carbimazole chứa trong thuốc Carbinom giúp giảm bớt các triệu chứng này bằng cách giảm lượng hormone tuyến giáp mà cơ thể sản xuất. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự chuyển hóa của iot thành các dạng khác. Ngoài ra, Carbimazole cũng ngăn chặn sự kết hợp của iot với các thành phần khác để tạo thành Thyroxin.
Carbinom được chỉ định điều trị trong các bệnh lý như Basedow, nhiễm độc tuyến giáp và cường giáp. Trong một số trường hợp, Carbimazole có thể được chỉ định cùng với các phương pháp điều trị khác (ví dụ như kết hợp với thuốc chẹn beta) nhằm giảm triệu chứng cường giáp như: Nhịp tim nhanh hay cảm giác bồn chồn và lo lắng. Ngoài ra, Carbimazole có thể được chỉ định ở bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật tuyến giáp hay điều trị iod phóng xạ.
2. Liều lượng, cách dùng thuốc Carbinom
2.1. Cách dùng
Thuốc Carbinom được dùng theo đường uống, có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Nên dùng thuốc vào những thời điểm nhất định trong ngày để tránh tình trạng quên thuốc và đạt hiệu quả điều trị.
2.2. Liều lượng
Cần nhấn mạnh một lần nữa, thuốc Carbimazole là thuốc kê đơn, nghĩa là thuốc chỉ được dùng khi có sự chỉ định, kê đơn của bác sĩ với liều lượng nhất định. Tự ý dùng thuốc không những không kiểm soát được bệnh mà có thể làm trầm trọng hơn. Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định dùng thuốc Carbimazole với liều lượng cụ thể tùy thuộc vào các triệu chứng, nồng độ hormone tuyến giáp cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Đối với người lớn: Liều khởi đầu thông thường cho người lớn từ 20mg đến 60mg Carbimazole mỗi ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần.
- Đối với trẻ em: Liều khởi đầu của trẻ em thường là 15mg Carbimazole mỗi ngày, có thể uống một lần, hoặc chia làm 2 hoặc 3 lần trong ngày.
Thông tin về liều dùng ở trẻ em dưới 2 tuổi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, do đó thuốc Carbimazole không được khuyến khích dùng cho trẻ em trong độ tuổi này.
2.3. Chỉnh liều dùng
Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu trước khi bắt đầu dùng Carbimazole và trong quá trình điều trị, điều này rất quan trọng để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể bệnh nhân. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc (tăng hoặc giảm), nhằm đưa nồng độ hormone tuyến giáp về mức bình thường. Khi nồng độ này ổn định, bác sĩ có thể chuyển sang liều thấp hơn.
Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân thường được xét nghiệm máu 6 tuần một lần. Khi nồng độ hormone tuyến giáp ổn định, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu 3 tháng một lần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang mang thai hoặc gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình điều trị thì cần xét nghiệm máu thường xuyên hơn.
3. Chống chỉ định dùng Carbinom
Chống chỉ định dùng Carbinom đối với các trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc.
4. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Carbinom
4.1. Các tác dụng phụ thường gặp
Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Carbimazole bao gồm:
- Mệt mỏi, buồn nôn;
- Nôn mửa, tiêu chảy;
- Chóng mặt;
- Đau đầu;
- Đau khớp, đau cơ;
- Ngứa, phát ban;
- Rụng tóc.
Các tác dụng phụ này thường cải thiện sau 1 thời gian dùng Carbimazole. Báo với bác sĩ nếu những tác dụng phụ này không biến mất hoặc khiến bệnh nhân khó chịu.
4.2. Các tác dụng phụ nghiêm trọng ít gặp
Carbimazole có thể gây ra một tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, tuy nhiên hiếm gặp. Ngừng dùng Carbimazole và báo ngay cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng sau đây:
- Sốt, đau họng, loét miệng, đau răng, hay các triệu chứng tương tự cúm - đây có thể là dấu hiệu của giảm bạch cầu do dùng Carbimazole.
- Đột ngột đau bụng dữ dội - đây có thể là dấu hiệu của viêm tụy cấp.
- Vàng kết mạc mắt, nước tiểu vàng sẫm - đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan.
- Sưng hạch - đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Mệt mỏi, ngất xỉu, đổ mồ hôi - đây có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết.
- Phản ứng phản vệ nghiêm trọng.
Ngoài ra, bệnh nhân sử dụng Carbimazole có thể gặp một số tác dụng phụ khác không được đề cập ở đây. Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào bất thường, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được xử trí kịp thời và cân nhắc về việc tiếp tục dùng thuốc.
4.3. Xử trí khi gặp tác dụng phụ của thuốc
- Buồn nôn: Khi gặp tác dụng phụ này thì người bệnh không nên ăn thức ăn nhiều gia vị. Có thể uống Carbimazole cùng với thức ăn hoặc uống thuốc ngay sau ăn.
- Nôn mửa, tiêu chảy: Nên uống nhiều nước để tránh mất nước, uống từng ngụm nhỏ và nhiều lần. Báo với bác sĩ tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày, hoặc nôn nhiều, tiêu chảy trầm trọng.
- Chóng mặt: Nằm nghỉ cho đến khi cơn chóng mặt qua đi, sau đó từ từ đứng dậy, di chuyển chậm và cẩn thận. Tránh cà phê, thuốc lá, rượu và chất kích thích. Không lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi cảm thấy ổn định trở lại. Nếu cơn chóng mặt không thuyên giảm hoặc vẫn tiếp tục xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ.
- Nhức đầu: Cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, không uống rượu. Có thể sử dụng thuốc giảm đau. Báo với bác sĩ nếu nhức đầu nhiều hoặc kéo dài trên một tuần.
- Đau khớp: Chườm lạnh có thể giúp giảm đau khớp. Thử chườm túi nước đá được bọc trong một lớp vải lên khớp trong khoảng 15 phút và lặp lại vài lần mỗi ngày. Vận động khớp nhẹ nhàng để khớp không bị cứng khớp. Thuốc giảm đau giúp làm giảm triệu chứng đau khớp. Nếu tình trạng đau khớp không giảm, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
- Ngứa, phát ban: Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, cắt ngắn móng tay, nếu ngứa có thể vỗ nhẹ vào da thay vì gãi. Có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm triệu chứng dị ứng.
- Rụng tóc: Chưa rõ nguyên nhân rụng tóc xuất phát từ việc sử dụng Carbimazole hay do sự thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp. Tóc thường mọc trở lại nhưng quá trình này có thể mất thời gian vì chu kỳ phát triển tự nhiên của tóc mất vài tháng.
5. Thận trọng khi dùng thuốc Carbinom
Trước khi bắt đầu dùng Carbimazole, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang mang thai, hoặc có khả năng đang mang thai;
- Bệnh nhân dự định mang thai;
- Bệnh nhân đang cho con bú;
- Người có tiền sử bệnh lý về máu hoặc bệnh lý liên quan tủy xương;
- Người bị rối loạn chức năng gan;
- Bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc thực phẩm chức năng,...
- Người có tiền sử dị ứng với Carbimazole hoặc bất kỳ loại thuốc khác. Tiền sử viêm tụy cấp sau dùng Carbimazole;
- Người có tiền sử bướu giáp;
- Người không có điều kiện xét nghiệm máu thường xuyên.
6. Sử dụng thuốc Carbinom trong thai kỳ hay cho con bú
6.1. Vấn đề sử dụng thuốc Carbinom trong thai kỳ
Nồng độ hormone tuyến giáp quá cao trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai với sự hoạt động quá mức của tuyến giáp cần được điều trị.
Tuy nhiên, Carbimazole thường không được khuyến cáo trong thai kỳ, bởi có một tỷ lệ nhỏ Carbimazole ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thay vào đó, phụ nữ mang thai có thể được chỉ định một loại thuốc khác là propylthiouracil (PTU). Bác sĩ chuyên khoa Sản và bác sĩ chuyên khoa Nội tiết sẽ hội chẩn và phối hợp điều trị để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho sản phụ cũng như thai nhi.
6.2. Vấn đề sử dụng thuốc Carbinom ở phụ nữ cho con bú
Carbimazole có thể đi vào sữa mẹ nhưng chỉ với một lượng nhỏ. Thông thường, phụ nữ cho con bú có thể dùng Carbimazole. Tuy nhiên, việc theo dõi và giám sát trong quá trình dùng thuốc phải chặt chẽ hơn. Sau một thời gian dùng thuốc, việc tiến hành xét nghiệm máu cho trẻ là cần thiết để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp của trẻ.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Carbinom, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Carbinom là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.