Sự ra đời của khớp háng nhân tạo đã giúp cho hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm. Tính tới nay, khớp háng nhân tạo cũng có một khoảng thời gian phát triển không nhỏ, giúp cho khớp ngày càng đem lại hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, mọi người vẫn thắc mắc về tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là bao nhiêu năm?
1. Khớp háng nhân tạo là gì?
Sử dụng các vật liệu như hợp kim, nhựa cao cấp, gốm, polymer,... các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã tạo ra khớp háng nhân tạo giúp người bệnh thoát khỏi đau đớn, lấy lại chức năng chi.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có nhiều tiến bộ trong việc thiết kế về cấu tạo và tăng tính năng gắn kết của khớp háng nhân tạo, tỷ lệ thành công của phương pháp mổ thay khớp háng nhân tạo ngày càng tăng cao.
1. 1. Thiết kế của khớp háng nhân tạo
Khớp háng là khớp lồi cầu trong đó chỏm xương đùi chuyển động bên trong ổ cối (thuộc xương chậu). Để đảm bảo kiểu hoạt động này, một khớp háng nhân tạo cần phải có 3 phần:
- Phần chuôi (stem) để gắn vào ống tủy xương đùi.
- Phần chỏm (Head) để thay thế chỏm xương đùi đã bị thoái hóa hoặc tổn thương không phục hồi được.
- Và phần Cup thay thế ổ cối của xương chậu.
Mỗi một phần này được sản xuất với nhiều kích cỡ khác nhau, nhằm đảm bảo phù hợp với từng kích cỡ của người bệnh.
Có vài kiểu thiết kế chỏm dính liền chuôi, nhưng chủ yếu chỏm và chuôi được chế tạo thành hai phần riêng biệt, giúp tùy biến về độ dài cổ cho phù hợp với từng bệnh nhân.
Hiện nay có nhiều hãng khác nhau sản xuất khớp háng nhân tạo. Việc lựa chọn thương hiệu nào sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như nhu cầu người bệnh, kinh nghiệm và thói quen sử dụng loại thiết bị của bác sĩ phẫu thuật, giá thành của khớp... Đây là những vấn đề mà bạn sẽ cần thảo luận cùng bác sĩ trước khi quyết định mổ thay khớp háng nhân tạo.
1. 2. Cấu trúc của khớp háng nhân tạo
Khớp háng nhân tạo đầu tiên trên thế giới là sản phẩm được kết hợp giữa phần chuôi và phần chỏm bằng kim loại và còn phần Cup được làm từ nhựa, sử dụng xi măng để giữ các thành phần của khớp.
Ngày nay, phần chuôi thường được làm bằng hợp kim titan hoặc cobalt/crom, với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Bề mặt phần chuôi nhẵn nếu khớp có xi măng và bề mặt thô ráp nếu khớp không xi măng.
Phần chỏm được làm bằng cobalt/crom hoặc chất liệu gốm (oxit nhôm), bề mặt phần chỏm sẽ được đánh bóng giúp giảm tối đa lực ma sát khi cử động, hạn chế mài mòn khớp háng nhân tạo khi chuyển động.
Phần Cup gắn vào ổ cối được làm bằng kim loại. Lớp lót mặt trong phần Cup là hợp chất cao phân tử polyethylene hoặc gốm.
Một khớp háng nhân tạo thường có tổng trọng lượng từ 400-510 gram tùy thuộc kích cỡ của từng loại.
Các loại vật liệu được sử dụng để chế tạo nên khớp háng có 4 đặc điểm chung sau:
- Tương thích sinh học: Các vật liệu này có thể tồn tại trong cơ thể mà không gây ra bất kỳ một phản ứng toàn thân nào.
- Có khả năng chống mài mòn và suy thoái: Đặc điểm này giúp cho khớp háng nhân tạo có độ bền theo thời gian. Tính chất chống mài mòn của vật liệu đặc biệt quan trọng trong việc duy trì chức năng của khớp háng, cũng như ngăn ngừa sự phá hủy của xương gây ra bởi các mảnh vỡ từ sự mài mòn của khớp nhân tạo.
- Chịu được những tác động cơ học: Trong quá trình hoạt động của chúng ta sẽ gây ra như lực tải trọng, lực nén, lực vặn xoắn lên phần khớp háng.
- Đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất trong quá trình chế tạo và kiểm soát chất lượng, đồng thời cần có chi phí hợp lý.
1. 3. Một số loại khớp háng nhân tạo
- Khớp toàn phần lai (hybrid): Gồm có hai phần đó là phần Cup gắn vào ổ cối thường không xi măng và phần chuôi gắn vào thân xương đùi thường có xi măng.
- Khớp bán phần: Khớp háng có hai phần chính đó là phần chỏm thuộc xương đùi và phần ổ cối thuộc xương chậu. Nếu tổn thương một trong hai phần này thì chỉ cần thay phần tổn thương, khi đó được gọi là thay khớp háng bán phần. Trong phần lớn các trường hợp thay khớp háng bán phần thì phần ổ cối được giữ nguyên, còn chỏm xương đùi được thay thế. Thay khớp háng bán phần thường được chỉ định trong trường hợp tổn thương cổ, chỏm xương đùi ở người cao tuổi, cần rút ngắn thời gian phẫu thuật.
- Khớp tái tạo bề mặt (Resurfacing): Trong kỹ thuật này, việc thay thế phần ổ cối được thực hiện tương tự như trong thay khớp háng toàn phần. Tuy nhiên, phần chỏm xương đùi bị tổn thương sẽ được phủ một chén hình bán cầu có kích thước bằng kích thước chỏm thật, nhằm bảo tồn xương thuộc phần cổ xương đùi. Phần chén hình bán cầu này sẽ được gắn chặt vào cổ xương đùi bằng xi măng và một phần cán ngắn đóng vào cổ xương đùi.
- Khớp có cán vặn: Trong vài năm gần đây. một kỹ thuật mới được giới thiệu đó là thay khớp toàn phần không xi măng, trong đó phần xương đùi chỉ thay chỏm, còn phần cổ xương đùi được giữ nguyên. Phần chỏm kim loại sẽ được gắn chặt vào cổ xương đùi bằng một cán vặn (có ren).
Hai loại khớp tái tạo bề mặt và khớp có cán vặn thường được sử dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi, bị tổn thương khớp háng nhưng phần cổ xương đùi còn nguyên.
2. Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo là bao nhiêu năm?
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo đã mang lại nhiều thành công to lớn, giúp nhiều người cải thiện tình trạng đau, phục hồi khả năng vận động của khớp háng. Tuy nhiên vẫn có những vấn đề đang diễn ra như sự mòn khớp khớp háng nhân tạo, sự tiêu xương do phản ứng sinh học từ các mảnh vỡ của sự mài mòn khớp đang là vấn đề lớn, quyết định giới hạn về tuổi thọ của khớp nhân tạo. Theo kết quả nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 80% khớp háng nhân tạo có thể kéo dài sử dụng được 20 năm.
Khi mổ thay khớp háng nhân tạo, do bất cứ nguyên nhân gì như thoái hóa khớp, gãy cổ xương đùi, hoại tử chỏm xương đùi,... và ở bất cứ độ tuổi nào, thì người bệnh cũng như người nhà bao giờ cũng băn khoăn về tuổi thọ của khớp háng nhân tạo.
Về cơ bản, tuổi thọ khớp háng nhân tạo được hiểu là thời gian từ lúc thay khớp cho đến lúc phải thay lại. Các lý do chính khiến người bệnh phải thay lại khớp háng thường là do các ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt vận động của bệnh nhân như đau hay hạn chế vận động.
Các yếu tố khiến bạn phải thay lại khớp nhân tạo thường gặp là:
- Sự hỏng tiếp tục của khớp háng bệnh nhân: Tình trạng này xảy ra ở các khớp háng nhân tạo bán phần hoặc các loại chỏm xương đùi kinh điển như chỏm Moore. Ở những loại khớp này, do việc tiếp xúc trực tiếp giữa chỏm khớp nhân tạo với phần xương và sụn ở phần ổ chảo sẽ làm tổn thương xương sụn khớp tiến triển và gây ra các triệu chứng đau hoặc ngắn chân (do mòn ổ khớp).
Chỏm kim loại gây mòn nhanh hơn nên tuổi thọ của các loại chỏm kinh điển thường ngắn, không quá 5 đến 10 năm và đó là lý do mà hiện nay các loại chỏm này ít được sử dụng.
Các loại khớp nhân tạo bán phần với phần chỏm được làm từ nhựa sẽ giúp giảm các tổn thương trực tiếp do tiếp xúc cơ học nên tuổi thọ của những loại này sẽ dài hơn. Tuy nhiên việc hỏng xương sụn do tiếp xúc trực tiếp với phần khớp nhân tạo là nguyên nhân gây đau và phải thay lại khớp nhân tạo. Sự thay lại khớp lúc này thường là thay lại khớp háng toàn bộ.
- Sự lỏng khớp nhân tạo: Mối liên kết giữa khớp nhân tạo và phần xương bệnh nhân đóng vai trò quan trọng với tuổi thọ của khớp nhân tạo. Nếu liên kết này lỏng lẻo do nhiễm trùng, chất lượng xương hay do phản ứng của cơ thể bệnh nhân sẽ làm lỏng khớp nhân tạo gây đau, ảnh hưởng đi lại và do đó phải thay lại khớp nhân tạo.
Sự liên kết giữa khớp nhân tạo và xương hiện tại có hai loại đó là bằng xi măng sinh học và loại không dùng xi măng sinh học. Giữa hai loại liên kết này quan điểm cũng khác nhau và vẫn chưa xác định loại nào tốt hơn loại nào.
Tuy nhiên về cơ bản cả hai loại liên kết đều có nguy cơ lỏng khớp vì đó là phản ứng của cơ thể bệnh nhân, nhưng có mức độ phản ứng khác nhau. Các tiến bộ về công nghệ vật liệu đã giúp cho vật liệu xi măng sinh học và khớp nhân tạo có độ tương thích về mặt sinh học ngày càng tốt hơn nhưng cũng không thể triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ lỏng khớp do phản ứng của cơ thể người bệnh với vật thể lạ.
- Sự mòn khớp háng nhân tạo: Với các loại khớp háng nhân tạo phổ thông, sự tiếp xúc của khớp là giữa kim loại và nhựa. Theo thời gian, lớp nhựa thường sẽ bị mài mòn, mặc dù hiện nay đã có những cải tiến về mặt vật liệu nhưng nguy cơ này vẫn có. Với các loại khớp hiện đại hơn như khớp ceramic thì có độ bền cao hơn, ít bị mài mòn hơn và do đó tuổi thọ khớp ngày càng cao.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân chính trên, còn một số nguyên nhân khác cũng làm giảm tuổi thọ của khớp nhưng đó là những nguyên nhân khách quan, do các yếu tố từ bên ngoài như:
- Kỹ thuật phẫu thuật
- Gãy xương quanh khớp nhân tạo
- Nhiễm trùng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.