(SKDS) - Trong thời buổi nhịp sống sôi động và căng thẳng hiện nay, mất ngủ là một trong những chứng bệnh thường gặp. Và đương nhiên, các loại tân dược có tác dụng an thần trấn tĩnh cũng trở thành “người bạn” bất đắc dĩ của nhiều người. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng chúng là thứ không nên dùng quá dài và dùng với liều quá cao. Vả lại, nhiều khi ngay cả những loại có công hiệu khá mạnh cũng không đem lại cho người bệnh một giấc ngủ ngon lành theo ý nguyện.
Bởi vậy, ngoài việc dùng thuốc, một trong những vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm là tìm hiểu, lựa chọn và vận dụng các biện pháp hết sức dung dị và mang đậm tính tự nhiên của Y Học Cổ Truyền, trong đó có việc chế biến và sử dụng các món ăn - bài thuốc có công dụng vừa bổ dưỡng vừa an thần. Bài viết này xin được giới thiệu với độc giả hai ví dụ khá điển hình
Bài 1:
Tim lợn 1 quả, hạt sen 30g, long nhãn 15g, bạch hợp 30g, gia vị vừa đủ. Tim lợn loại bỏ phần mỡ, rửa sạch, thái mỏng; hạt sen bỏ tâm, bách hợp và long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ vừa nước, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 1 giờ. Khi chín, chế đủ gia vị, ăn trong ngày. Nếu dùng hạt sen và bách hợp tươi thì càng tốt nhưng với lượng nhiều hơn một chút. Công dụng: bổ tỳ dưỡng tâm, an thần, dùng thích hợp với những người suy nhược thần kinh, ngủ kém hay quên, giấc ngủ không sâu, nhiều mộng mị. Ngoài ra, bài này còn có tác dụng bổ phế, làm giảm ho, dùng để bồi bổ cho người mắc các chứng bệnh đường hô hấp.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, tim lợn (trư tâm) vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, chống co giật và cầm mồ hôi, thường được dùng để chữa chứng mất ngủ (thất miên) do tâm khí suy nhược biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, đầu choáng mắt hoa, dễ vã mồ hôi, dễ kinh sợ. Dân gian thường hấp cách thủy tim lợn với một chút thần sa để chữa chứng tâm quý bất miên (hồi hộp mất ngủ).
Y Học Cổ Truyền cho rằng, có thể dùng tạng phủ của động vật (thường là lợn, dê, trâu, bò...) để chữa các bệnh lý của tạng phủ tương ứng ở người. Đây chính là nội dung của học thuyết “dĩ tạng bổ tạng” (lấy tạng phủ bổ tạng phủ) của các y gia đời xưa. Hơn nữa, Đông y cũng quan niệm rằng : “Tâm chủ thần minh”, tâm có vai trò cực kỳ to lớn trong việc duy trì hoạt động tâm thần kinhcủa nhân thể. Bởi vậy, việc dùng tim lợn làm chủ trong món ăn-bài thuốc an thần này là điều rất dễ hiểu.
Ngoài ra, trong bài còn có hai vị hạt sen và long nhãn cũng có tác dụng an thần. Hạt sen vị ngọt, tính bình, ngoài công năng kiện tỳ có lợi cho tiêu hóa còn dưỡng tâm an thần, đặc biệt tốt với những trường hợp mất ngủ kèm theo cảm giác bứt rứt, bồn chồn không yên, miệng khô họng khát, nóng trong ngực. Long nhãn vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tâm an thần, dưỡng huyết ích tủy, dùng rất tốt cho những trường hợp mất ngủ có kèm theo thiếu máu.
Bài 2: Khiếm thực 30g, ý dĩ 30g, mạch môn 30g, hạt sen 30g và đường phèn lượng vừa đủ. Hạt sen bỏ tâm, mạch môn không bỏ lõi, khiếm thực và ý dĩ rửa sạch, tất cả đem ngâm với nước sạch trong 20 phút. Sau đó, cho khiếm thực và ý dĩ và nồi, đổ đủ nước, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm nhừ chừng 30 phút.
Tiếp theo, cho hạt sen và mạch môn vào, đun tiếp khoảng 20 phút nữa là được, chế thêm đường phèn, ăn trong ngày. Công dụng: thanh tâm an thần, cố thận sáp tinh, dùng thích hợp cho những người mất ngủ có kèm theo các triệu chứng như bồn chồn, bứt rứt không yên, tinh thần suy sụp, trẻ em đái dầm, người già hay đi tiểu đêm, di mộng tinh, cao huyết áp, nhịp tim không đều...
Trong bài, mạch môn vị ngọt, tính mát, có công dụng dưỡng tâm nhuận phế, thanh tâm trừ phiền, làm hết cảm giác bứt rứt, bồn chồn. Theo dược lý học hiện đại, mạch môn có tác dụng trấn tĩnh, chống co giật, bảo hộ và tăng khả năng chống đỡ của cơ trơn trong điều kiện thiếu dưỡng khí, tăng sức co bóp cơ tim và chống loạn nhịp. Ý dĩ vị ngọt, tính mát, có công năng kiện tỳ lợi thủy, cũng có khả năng trấn tĩnh và giảm đau theo nghiên cứu của Y Học Hiện Đại. Hai vị hạt sen và khiếm thực cùng phối hợp tạo nên tác dụng liễm khí, làm hết cảm giác bồn chồn lo lắng và phòng chống di tinh, di niệu.
Hai món ăn - bài thuốc trên đây, một có thể dùng làm canh trong bữa ăn, một có thể dùng làm đồ tráng miệng. Cả hai đều đơn giản về cấu trúc, dễ dàng trong chế biến và thuận tiện khi sử dụng, có thể dùng phối hợp để làm tăng hiệu quả bổ dưỡng và an thần.
Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn