Mọi thứ bạn cần biết về bệnh Alzheimer

Theo nghiên cứu bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở những người từ 65 tuổi trở lên. Bệnh đang có xu hướng gia tăng vào những năm tiếp theo, việc hiểu biết về căn bệnh này có thể giúp bạn quản lý và đưa ra các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

1. Bệnh Alzheimer là gì?

Bệnh Alzheimer là một dạng bệnh suy giảm trí nhớ tiến triển. Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng hơn để chỉ các tình trạng ảnh hưởng xấu đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi, những ảnh hưởng này gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày. Bệnh Alzheimer là một loại hay gặp nhất gây ra tình trạng sa sút trí tuệ. Theo Hiệp hội Alzheimer, căn bệnh này có thể chiếm từ 60 đến 80% các trường hợp sa sút trí tuệ.

Alzheimer là một căn bệnh phức tạp và các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể hiểu hơn về nó. Hầu hết những người mắc bệnh Alzheimer được chẩn đoán sau tuổi 65. Nếu được chẩn đoán trước 65 tuổi thì thường được gọi là bệnh Alzheimer khởi phát sớm. Hiện nay, vẫn không có cách nào chữa bệnh Alzheimer khỏi hoàn toàn, nhưng có những phương pháp điều trị giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Khi nhắc tới bệnh Alzheimer, với một số người có thể khá quen thuộc, nhưng cũng có một số người sẽ cảm thấy xa lạ. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về căn bệnh này:

  • Bệnh Alzheimer là một bệnh mãn tính, tiến triển liên tục. Nó không phải là một dấu hiệu điển hình của sự lão hóa tại não.
  • Bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ không phải là một bệnh. Tuy nhiên, bệnh Alzheimer là một loại bệnh mất trí nhớ (sa sút trí tuệ) thường gặp nhất.
  • Các triệu chứng của bệnh Alzheimer xuất hiện dần dần và ảnh hưởng đến não gây ra sự suy giảm chức năng não dần dần.
  • Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh Alzheimer, nhưng ở một số người thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này bao gồm những người trên 65 tuổi và những người đã biết có tiền sử gia đình về tình trạng này.
  • Không có kết quả nào đó duy nhất cho những người mắc bệnh Alzheimer. Một số người sống lâu với tổn thương nhận thức nhẹ, trong khi những người khác phải trải qua các triệu chứng khởi phát nhanh hơn và bệnh tiến triển nhanh hơn làm giảm thời gian sống.
  • Hiện tại, chưa có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, nhưng các biện pháp điều trị có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc áp dụng điều trị và quá trình tiến triển bệnh của mỗi người với bệnh Alzheimer là khác nhau.
  • Bệnh Alzheimer khởi phát sớm: Bệnh Alzheimer thường ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra ở những người trong độ tuổi 30, 40 hoặc 50, đây được gọi là khởi phát sớm. Bởi vì các bác sĩ không phải lúc nào cũng tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh Alzheimer ở ​​người trẻ tuổi, việc chẩn đoán thường mất nhiều thời gian. Ngoài các biểu hiện tương tự như bệnh Alzheimer thông thường, các biểu hiện về việc thị lực và mắt có thể được chỉ ra bệnh Alzheimer giai đoạn đầu đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh trẻ hoặc có gen bất thường xuất hiện bệnh sớm hơn.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được một nguyên nhân chính xác nào có thể gây ra bệnh Alzheimer, nhưng họ đã xác định được các yếu tố nguy cơ nhất định có thể gây bệnh, bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi bạn già đi thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hầu hết những người bệnh thường phát triển bệnh Alzheimer đều từ 65 tuổi trở lên .
  • Tiền sử gia đình: Nếu có một người thân trong gia đình của bạn đã mắc phải tình trạng này, bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn so với những người khác
  • Di truyền: Một số gen có liên quan đến bệnh Alzheimer. Mặc dù không có một nguyên nhân xác định nào gây ra bệnh Alzheimer, nhưng yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò quan trọng. Một gen đặc biệt được các nhà nghiên cứu quan tâm và phát hiện có liên quan tới tình trạng bệnh này. Apolipoprotein E (APOE) là một gen có liên quan đến việc khởi phát các triệu chứng Alzheimer ở ​​người lớn tuổi. Bạn có thể thực hiện việc xác định xem bạn có gen này hay không, vì điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer trong tương lai. Lưu ý, ngay cả khi bạn có gen này thì cũng có thể không mắc bệnh Alzheimer. Ngược lại, mắc bệnh này cũng có thể xảy ra ngay cả khi họ không có gen này. Các gen khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các gen hiếm có liên quan đến một số trường hợp khởi phát bệnh sớm hơn.

Ngoài ra, còn do một số yếu tố nguy cơ khác như: Thường xuyên lo lắng, phiền muộn, hút thuốc, bệnh tim mạch, chấn thương sọ não trước đó.....

Khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không có nghĩa là bạn sẽ phát triển bệnh Alzheimer. Nó chỉ đơn giản là làm tăng mức độ rủi ro mắc bệnh cao hơn.

3. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer

Mỗi người mắc bệnh đều có những dấu hiệu bệnh tùy theo từng giai đoạn hay theo thời gian khác nhau. Tuy nhiên, những người bị bệnh Alzheimer có thể biểu hiện một số hành vi và các triệu chứng bao gồm:

  • Tình trạng mất trí nhớ và có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như nhớ các cuộc hẹn.
  • Gặp rắc rối với các công việc quen thuộc, công việc hàng ngày phải làm, chẳng hạn như sử dụng lò vi sóng.
  • Gặp khó khăn với việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
  • Khó khăn khi tìm lời nói hoặc nhận biết các chữ viết.
  • Họ trở nên mất phương hướng về thời gian hoặc địa điểm, giảm khả năng phán đoán.
  • Khó khăn khi vệ sinh cá nhân, chăm sóc bản thân.
  • Họ có thể thay đổi tâm trạng và tính cách.
  • Sống khép kín, tránh khỏi nhiều mối quan hệ như bạn bè, gia đình và cộng đồng

Những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng đồng nghĩa là một người mắc bệnh Alzheimer. Các triệu chứng này cũng thay đổi theo giai đoạn của bệnh. Trong những giai đoạn sau, người mắc bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn nhiều hơn trong việc nói chuyện, di chuyển hoặc khả năng phản ứng với những gì đang xảy ra xung quanh họ.

4. Các giai đoạn của bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh tiến triển, có các triệu chứng tăng dần theo thời gian. Theo đó, người ta chia bệnh thành bảy giai đoạn chính:

Giai đoạn 1–3: Tiền sa sút trí tuệ và có sự suy giảm nhận thức nhẹ

  • Giai đoạn 1. Thường không có triệu chứng ở giai đoạn này. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer và không có triệu chứng, bạn có thể nên nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược để có thể giảm tiến triển bệnh.
  • Giai đoạn 2. Các triệu chứng sớm nhất bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như hay quên.
  • Giai đoạn 3. Xuất hiện các suy giảm về thể chất và nhận thức nhẹ, chẳng hạn như giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung. Học các kỹ năng mới có thể trở nên khó hơn với họ. Những thay đổi nhỏ này chỉ có thể được nhận thấy bởi một người rất gần với người mắc bệnh.

Giai đoạn 4–7: Có sự xuất hiện mất trí nhớ

  • Giai đoạn 4: Bệnh Alzheimer thường được chẩn đoán ở giai đoạn này, nhưng nó vẫn được coi là mắc bệnh nhẹ. Người ta thường thấy nhất là triệu chứng mất trí nhớ và gặp khó khăn trong việc quản lý các công việc hàng ngày.
  • Giai đoạn 5: Các triệu chứng của bệnh từ trung bình đến nặng sẽ xuất hiện và rất cần sự giúp đỡ của những người thân hoặc những người chăm sóc như ăn uống và quản lý nhà cửa.
  • Giai đoạn 6. Ở giai đoạn này, một người bị bệnh Alzheimer sẽ cần được nhận được sự giúp đỡ với các công việc cơ bản, chẳng hạn như việc ăn uống, mặc quần áo và đi vệ sinh.
  • Giai đoạn 7. Đây là giai đoạn nặng nhất và là giai đoạn cuối cùng của bệnh Alzheimer. Thường mất dần khả năng nói chuyện và biểu hiện trên khuôn mặt. Chuyển động cũng có thể bị hạn chế.

5. Chẩn đoán bệnh Alzheimer như thế nào?

Cách xác định duy nhất để có thể chẩn đoán chính xác nhất ai đó mắc bệnh Alzheimer là kiểm tra mô não của họ sau khi họ chết. Tuy nhiên, hiện nay bác sĩ có thể sử dụng các bài kiểm tra và các xét nghiệm khác để đánh giá khả năng tâm thần, để chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ và loại trừ các bệnh lý khác.

5.1 Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu bằng đưa ra những câu hỏi để xác định các vấn đề như: Các triệu chứng, tiền sử gia đình, tình trạng sức khỏe hiện tại hoặc tiền sử bệnh, các loại thuốc đang và đã dùng, chế độ ăn uống, uống rượu và các thói quen khác.

Sau khi đã nhận được thống kê những câu hỏi đó bác sĩ có thể sẽ yêu cầu một số xét nghiệm để giúp xác định xem bạn có mắc bệnh Alzheimer hay không?

5.2 Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh Alzheimer

Không có xét nghiệm nào có thể giúp xác định cho bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, các xét nghiệm về tinh thần, thể chất, thần kinh và phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán.

  • Kiểm tra tinh thần về trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, những định hướng địa điểm và thời gian...
  • Kiểm tra sức khỏe: Xét nghiệm máu, đo huyết áp, nhịp tim, đánh giá trương lực cơ, phản xạ gân xương...Để có thể loại trừ những bệnh lý khác như nhiễm trùng hoặc đột quỵ...
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có thể giúp xác định các dấu hiệu chính, chẳng hạn như viêm, chảy máu và các vấn đề về cấu trúc của não. Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể giúp bác sĩ tìm kiếm các đặc điểm bất thường trong não của bạn. Các xét nghiệm khác có thể làm bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra các gen xem bạn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.

Tổng hợp lại các biện pháp thăm khám để loại trừ nguyên nhân khác, bác sĩ đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh Alzheimer.

6. Các biện pháp chữa bệnh Alzheimer

Không có cách nào để chữa khỏi bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, có thể dùng các loại thuốc và phương pháp điều trị khác để giúp giảm bớt các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh càng lâu càng tốt.

6.1 Thuốc chữa bệnh Alzheimer

  • Giai đoạn sớm:

Đối với bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu đến trung bình, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như donepezil (Aricept) hoặc rivastigmine (Exelon). Những loại thuốc này có thể giúp duy trì chất acetylcholine ở mức cao ở trong não của bạn. Điều này có thể giúp các tế bào thần kinh trong não phát đi và nhận tín hiệu tốt hơn. Từ đó có thể làm giảm một số triệu chứng của bệnh Alzheimer .

Một loại thuốc mới hơn được gọi là aducanumab (Aduhelm) có thể được khuyến nghị cho những người mắc bệnh Alzheimer sớm. Thuốc này có thể làm giảm các mảng protein tích tụ trong não bị bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, có một số lo ngại của các chuyên gia về việc lợi ích tiềm năng của thuốc có lớn hơn rủi ro của nó hay không.

  • Giai đoạn muộn:

Để điều trị bệnh Alzheimer ở giai đoạn trung bình đến giai đoạn cuối, bác sĩ có thể kê đơn thuốc donepezil (Aricept) hoặc memantine (Namenda). Memantine có thể giúp ngăn chặn tác động của glutamate dư thừa (Glutamate là một chất hóa học ở não được giải phóng với số lượng cao hơn trong bệnh Alzheimer và làm tổn thương các tế bào não).

  • Các thuốc điều trị khác:

Ngoài ra, một số thuốc khác có thể được chỉ định để điều trị triệu chứng bệnh như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống loạn thần. Các triệu chứng này khác nhau tùy theo sự tiến triển của bệnh, có thể bao gồm dấu hiệu như cảm thấy buồn phiền, khó ngủ vào ban đêm, kích động, ảo giác.

6.2 Các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer khác

Ngoài thuốc, thay đổi lối sống có thể giúp cho bạn có thể kiểm soát tình trạng của mình. Ví dụ như thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hơn để hạn chế nhầm lẫn, nghỉ ngơi đầy đủ, áp dụng kỹ thuật thư giãn...

  • Chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng giúp giảm thiểu triệu chứng. Một vài người cho rằng việc sử dụng vitamin E có thể giúp làm chậm quá trình mất chức năng của bệnh Alzheimer, đặc biệt là khi dùng chung với các loại thuốc như donepezil làm tăng acetylcholine trong não.
  • Người chăm sóc: Ở những người ở giai đoạn sau có thể cần sự chăm sóc của người nhà hay một người chuyên chăm sóc.
  • Ngoài việc thay đổi lối sống, còn có một số liệu pháp thay thế và bổ sung mà người bệnh có thể hỏi bác sĩ.

7. Cách chăm sóc người bệnh Alzheimer

Khi bệnh Alzheimer tiến triển, các công việc trong cuộc sống hàng ngày đòi hỏi cần được nhiều sự hỗ trợ hơn. Nếu có người thân mắc bệnh Alzheimer thì bạn phải bắt đầu tìm hiểu về những điều sẽ xảy ra và vai trò của bạn trong việc chăm sóc người thân ở tương lai.

Nếu người thân của bạn bị bệnh Alzheimer, dưới đây là một số cách để bạn có thể chuẩn bị cho việc chăm sóc hiệu quả:

  • Tự giáo dục bản thân biết rõ về bệnh Alzheimer, các giai đoạn của bệnh và các triệu chứng điển hình có thể gặp phải.
  • Kết nối với các thành viên trong gia đình có thể tham gia trợ giúp.
  • Cân nhắc việc tham gia nhóm hỗ trợ để chăm sóc những người bệnh sa sút trí tuệ.
  • Tra cứu các chương trình chăm sóc người bệnh tại nhà một cách chuyên nghiệp, chăm sóc thay thế và chăm sóc ban ngày dành cho người lớn trong khu vực.

Việc chăm sóc người bệnh Alzheimer sẽ có những thời điểm gặp khó khăn và gánh nặng trách nhiệm liên tục, điều đó có thể bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn cũng cần lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho mình.

8. Các biện pháp phòng bệnh Alzheimer

Thực hiện thói quen sống lành mạnh là biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả. Đây cũng là công cụ tốt nhất mà chúng ta có để sử dụng để ngăn chặn sự suy giảm nhận thức, bao gồm:

  • Cố gắng bỏ thuốc lá nếu hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá có lợi cho sức khỏe tổng thể về lâu dài. Nó giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp và cả rối loạn liên quan tới suy giảm nhận thức.
  • Tập luyện đêu đặn: Vận động đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc nhiều căn bệnh, chẳng hạn như bệnh tim mạch và tiểu đường. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất còn giúp cơ thể dẻo dai, hạn chế mắc một số bệnh lây truyền giảm thiểu sự lão hoá.
  • Giữ cho não hoạt động liên tục: Bạn hãy thử một số bài tập để giúp rèn luyện nhận thức .
  • Chế độ ăn uống: Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả. Giảm thức ăn nhanh và chiên rán.
  • Duy trì một cuộc sống xã hội năng động: Thường xuyên kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động tình nguyện và sở thích sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn .
  • Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong lối sống của bạn và những vấn đề về sức khỏe.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh Alzheimer. Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc bào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe