Béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh vảy nến, đồng thời nó có thể làm cho bệnh vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do các chất trung gian gây viêm và hệ vi sinh vật trong cơ thể. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu cũng như thử nghiệm lâm sàng để có thể giải thích rõ hơn về mối liên quan này.
1. Bệnh vảy nến là gì
Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính phổ biến. Nó ảnh hưởng đến khoảng 2 -4 % dân số nói chung, người bệnh thường xuất hiện ban đỏ, mảng có vảy, và mảng bám với da đầu, lưng, khuỷu tay, đầu gối...Bệnh vảy nến có tỷ lệ tử vong rất thấp (có thể là hiếm) nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa, bệnh còn có liên quan đến một số bệnh kèm theo như: viêm khớp vảy nến (đây là một tình trạng viêm khớp có khả năng làm suy yếu và ảnh hưởng tới khoảng 34% bệnh nhân mắc bệnh vảy nến), tăng nguy cơ ung thư da, ung thư hạch, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, huyết khối tĩnh mạch, đột quỵ, và nhồi máu cơ tim.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến được cho là kết quả của sự tương tác giữa thành phần di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và các yếu tố môi trường. Phản ứng miễn dịch trong bệnh vảy nến được đặc trưng bởi sự tăng sinh của các tế bào Th1, Th17 và Th22 dẫn đến việc sản xuất các chất trung gian gây viêm, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α, interleukin (IL) -6 và IL -22.
2. Mối liên quan giữa bệnh vảy nến và béo phì
Tỷ lệ bệnh vảy nến ở người trưởng thành ngày càng tăng cao. Có thể nguyên nhân là do di truyền, tuy nhiên nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Ngoài ra, nó còn do các yếu tố môi trường bao gồm lối sống, thói quen ăn uống, luyện tập... cũng rất quan trọng. Ngày nay, thói quen ăn ở các quốc gia đang phát triển thường có nhiều chất béo đặc biệt là chất béo bão hòa, nhiều muối và nhiều đường tạo ra lượng calo dư thừa dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh về hội chứng chuyển hóa.
2.1. Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa bệnh vảy nến và béo phì
Trong một nghiên cứu ở Na Uy với 35.000 đối tượng tham gia đã cho kết quả về mối liên quan của hội chứng chuyển hóa và nguy cơ phát triển bệnh vảy nến. Khi phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng béo phì là yếu tố ảnh hưởng đặc biệt đến bệnh vảy nến. Tương tự với kết quả nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu dịch tễ học cũng nghiên cứu và cung cấp bằng chứng tin cậy rằng béo phì là nguyên nhân gây bệnh vảy nến và phát triển bệnh.
Thêm vào đó, nghiên cứu của Setty và đồng nghiệp ở 78.626 phụ nữ (trong đó có 892 người báo cáo mắc bệnh vảy nến) cho kết quả rằng mỡ và tăng cân là yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của bệnh vảy nến. Những bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 35 trở lên có nguy cơ phát triển bệnh vảy nến cao gấp 2.69 lần so với những người bình thường.
Hay một nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng béo phì và mỡ bụng cao sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh vảy nến. Nghiên cứu này còn đưa ra khuyến cáo rằng ngăn ngừa tăng cân hay duy trì cân nặng ở mức độ bình thường có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh vảy nến.
Các nghiên cứu đều cho thấy tác động tích cực của việc giảm cân đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến. Vì vậy, giảm cân bằng chế độ ăn kiêng được khuyến nghị ở những bệnh nhân thừa cân và béo phì bị mắc bệnh vảy nến.
2.2. Các giải thích cho mối liên quan này
Một câu hỏi được đặt ra là liệu sự khác biệt trong chế độ ăn (chế độ ăn ít carbohydrate, ketogen, hay ăn chay) có ảnh hưởng đến cải thiện bệnh vảy nến hay không. Do đó, việc hiểu được mối quan hệ dịch tễ học giữa béo phì/hay chế độ dinh dưỡng và bệnh vảy nến là rất quan trọng trong đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi trong xuất hiện và phát triển bệnh vảy nến.
Như đã được biết, mô mỡ là cơ quan nội tiết quan trọng tiết ra các yếu tố hòa tan liên quan đến viêm và miễn dịch. Cho nên sự mở rộng mô mỡ và tiết các chất trung gian gây viêm có thể làm cho bệnh vảy nến trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, béo phì làm thay đổi thành phần tế bào và hoạt động của các tế bào viêm trong da. Nakamizo và cộng sự của ông đã mô tả sự tích tụ của tế bào γδ T sản sinh IL-17A trong các tổn thương da vảy nến của chế độ ăn nhiều chất béo (HFD) và dẫn đến tình trạng viêm da vảy nến. Hơn nữa, khi nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường biến đổi gen (db/db) cho thấy tình trạng viêm da vảy nến tăng lên với sự tăng của IL-17A và IL-22.
Một khía cạnh quan trọng khác là thực tế béo phì và chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của cơ thể. Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng microbiome - đại diện cho toàn bộ vi sinh vật trên bề mặt bên ngoài và bên trong cơ thể người. Nó có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các bệnh tự miễn. Đồng thời, đã có một số bằng chứng cho thấy đây cũng có thể là các trường hợp trong bệnh vảy nến. Vì vậy, vai trò của microbiome được nhấn mạnh trong các nghiên cứu thực nghiệm gần đây.
Bệnh vảy nến là bệnh viêm da mãn tính với sự tác động phức tạp giữa tế bào miễn dịch và tế bào mô. Yếu tố di truyền và yếu tố môi trường góp phần gây bệnh vảy nến. Một trong các yếu tố môi trường đó là béo phì và dinh dưỡng có tác động quan trọng đến khởi phát và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Và các nghiên cứu đã cho thấy chất béo bão hòa trong chế độ ăn dường như là yếu tố khuếch đại viêm vảy nến.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM