Lo lắng là một phản ứng bình thường khi bạn căng thẳng hoặc gặp tình huống đáng sợ. Nhưng nếu lo lắng kéo dài hoặc nghiêm trọng, bạn có thể bị rối loạn lo âu. Tình trạng này có thể gây ra một loạt các triệu chứng cả về tâm lý và thể chất, bao gồm khô miệng.
1. Nguyên nhân gây ra chứng khô miệng khi lo lắng, căng thẳng
Có một số lý do khiến bạn bị khô miệng khi lo lắng và căng thẳng, phổ biến nhất là:
1.1. Thở bằng miệng
Thở bằng mũi là cách thở lành mạnh và hiệu quả nhất. Nhưng nếu cảm thấy lo lắng, nhiều khả năng bạn sẽ thở bằng miệng và thở không sâu. Mở miệng để thở có thể khiến không khí đi vào làm khô miệng. Khi rất lo lắng và căng thẳng, bạn cũng có thể bị tăng thông khí - một kiểu thở nhanh bằng miệng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây khô miệng.
1.2. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
GERD là tình trạng axit dạ dày trào lên thực quản, có thể gây khô miệng, đặc biệt là ở trẻ em. Trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở những người mắc hội chứng rối loạn lo âu. Mặt khác, lo lắng cũng có thể khiến bạn dễ bị GERD.
1.3. Thuốc chống lo âu
Đối với người mắc hội chứng rối loạn lo âu, nếu tình trạng bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc có mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm. Trong khi đó, khô miệng là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc nhóm này.
2. Các triệu chứng khác khi lo lắng, căng thẳng
Biết một số triệu chứng phổ biến khác khi lo lắng và căng thẳng có thể giúp bạn tìm hiểu xem đó có phải là nguyên nhân gây ra chứng khô miệng hay không. Các triệu chứng này thường bao gồm:
- Bồn chồn, kích động, cáu kỉnh
- Nhịp tim nhanh
- Tăng thông khí hoặc thở nhanh
- Tăng tiết mồ hôi
- Khó tập trung
- Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc đau dạ dày
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Khó ngủ.
3. Các biện pháp khắc phục chứng khô miệng tại nhà
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể giảm bớt triệu chứng khô miệng bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Sau đây là một số lời khuyên khi miệng bị khô:
- Uống nước lọc hoặc đồ uống không đường
- Ngậm đá viên
- Nhai kẹo cao su không đường (có thể làm tăng sản xuất nước bọt)
- Tập trung vào thở bằng mũi thay vì bằng miệng
- Bật máy phun sương tạo độ ẩm trong nhà
- Tránh đồ uống có chứa cafein hoặc cồn
- Cắt giảm hút thuốc hoặc cố gắng bỏ thuốc lá
- Tránh sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn (OTC) hoặc thuốc thông mũi nếu không thực sự cần thiết.
- Thử dùng chất thay thế nước bọt OTC có thành phần xylitol (sản phẩm này có bán ở hầu hết các hiệu thuốc).
4. Mẹo để giảm bớt lo lắng và căng thẳng
Giảm bớt lo âu có thể cải thiện tình trạng khô miệng cũng như các triệu chứng khác. Nếu bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng, hãy thử một số mẹo sau để bình tĩnh hơn:
- Tập thể dục: Đối với một số người, tập thể dục tĩnh tâm như yoga có thể hữu ích. Những người khác lại thấy tập cardio (làm tăng nhịp tim) giúp họ thư giãn. Thậm chí bạn chỉ cần đi bộ nhanh cũng có thể giảm bớt lo lắng và căng thẳng.
- Thiền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền định có thể giúp giảm căng thẳng và kiểm soát cảm giác lo lắng. Liệu pháp thiền cũng có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn lo âu, như hốt hoảng, e ngại xã hội và ám ảnh, sợ hãi.
- Thử viết nhật ký: Viết ra điều khiến bạn lo lắng có thể giúp bạn gạt những suy nghĩ này ra khỏi đầu, nhờ đó tập trung vào các việc khác.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Các bữa ăn có chứa protein, carbohydrate phức hợp và chất béo lành mạnh có thể hạn chế tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu, nguyên nhân khiến các triệu chứng lo lắng diễn tiến xấu hơn. Carbs phức cũng có thể làm tăng mức độ serotonin - một hóa chất trong não có tác dụng làm dịu.
- Uống nước: Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và cảm giác hạnh phúc của bạn. Vì vậy hãy luôn giữ cho cơ thể đủ nước, bổ sung nước ngay cả khi chưa khát.
- Xác định các nguyên nhân gây căng thẳng, lo lắng: Cố gắng chú ý đến các sự kiện và tình huống khiến bạn cảm thấy lo lắng. Từ đó bạn có thể tìm cách tránh hoặc giảm bớt các tác nhân này.
Nếu mức độ lo lắng và căng thẳng của bạn quá nghiêm trọng, khiến bạn cảm thấy như không thể chịu đựng được nữa, lựa chọn tốt nhất là đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bạn có thể được đề xuất một hình thức trị liệu tâm lý hoặc kê đơn thuốc để giảm bớt các triệu chứng.
Chuyên khoa tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chức năng khám, tư vấn và điều trị ngoại trú các vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm lý. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại cùng với việc kết hợp triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị, Vinmec sẽ mang lại hiệu quả khám chữa bệnh cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com