Mổ nội soi lồng ngực kẹp ống động mạch

Trẻ mắc bệnh còn ống động mạch dễ bị viêm phế quản, viêm phổi, chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng. Phẫu thuật nội soi lồng ngực kẹp ống động mạch là phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị bệnh còn ống động mạch.

1. Bệnh còn ống động mạch gây ra vấn đề gì cho trẻ?

Trong quá trình phát triển của bào thai, tồn tại ống động mạch để có sự thông thương của động mạch chủ và động mạch phổi.

Sau khi trẻ sinh ra đời, ống động mạch sẽ phải đóng lại. Tuy nhiên ở một số trẻ, ống động mạch này vẫn còn tồn tại gây luồng thông trái-phải khiến quá tải tuần hoàn phổi, nhĩ trái và thất trái dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, các triệu chứng về hô hấp như: Mệt, khó thở, giãn động mạch phổi, giãn nhĩ trái, thất trái, giảm huyết áp tâm trương.

Trong những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để đóng ống động mạch và phòng ngừa, điều trị biến chứng.


Ống động mạch không đóng gây ra nhiều biến chứng xấu cho trẻ
Ống động mạch không đóng gây ra nhiều biến chứng xấu cho trẻ

2. Phẫu thuật nội soi lồng ngực kẹp ống động mạch

2.1. Chỉ định

  • Người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh còn ống động mạch và kèm theo một hoặc các triệu chứng: ống lớn ( trên 4mm), khó thở, viêm phổi, chậm lớn, biến đổi cấu trúc của các buồng tim, van tim, viêm nội tâm mạc.
  • Đường kính của ống động mạch không vượt quá đường kính của clip (8-9mm).

2.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định tương đối với những trường hợp.

  • Tăng áp lực phổi cố định
  • Suy tim, suy gan thận nặng
  • Bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp
  • Nhiễm khuẩn tiến triển
  • Dị dạng lồng ngực, dày dính màng phổi trái do chấn thương hoặc bệnh lý.

Phẫu thuật chống chỉ định với đối tượng mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp
Phẫu thuật chống chỉ định với đối tượng mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp

2.3 Quy trình tiến hành

  • Tư thế: Người bệnh nằm nghiêng phải hơi sấp từ 20-30 độ so với mặt bàn. Để trẻ nhỏ nằm theo chiều ngang và trẻ lớn nằm theo chiều dọc của bàn. Phẫu thuật viên đứng phía chân người bệnh và phụ mổ đứng bên trái phẫu thuật viên, màn hình đặt phía đầu người bệnh.
  • Gây mê thông khí 1 phổi
  • Đặt 4 Trocar
  • Áp lực bơm hơi 6-8mmHg, lưu lượng 1 lít/phút.
  • Gạt thuỳ trên phổi vào trong bộc vùng ống động mạch.
  • Mở phế mạc theo bờ trước động mạch chủ từ phía dưới ống cho đến nơi xuất phát động mạch dưới đòn.
  • Kéo vạt phế mạc cùng dây thần kinh X và dây quặt ngược vào trong, phẫu tích để nhìn rõ dây thần kinh quặt ngược.
  • Bộc lộ ống động mạch, bóc tách khe trên và dưới giữa động mạch chủ và ống động mạch; bóc tách mặt sau ống động mạch cho đến khi luồn được kim phẫu tích qua mặt sau ống động mạch lên góc giữa ống động mạch và động mạch chủ phía trên ống.
  • Tiếp theo, luồn 1 đoạn chỉ vicryl 2.0 kéo qua mặt sau xuống khe dưới của ống động mạch với động mạch chủ; nâng sợi chỉ lên để kéo ống động mạch ra trước.
  • Sau đó, đưa kìm mang clip vào trong lồng ngực, đưa qua ống động mạch và clip ống động mạch bằng 1 hoặc 2 clip
  • Rút 3 Trocart cho dụng cụ, khâu lại vết rạch da
  • Bóp bóng làm phồng phổi
  • Rút Trocart cho ống soi , khâu lại vết rạch da

Tiến hành mổ nội soi lồng ngực kẹp ống động mạch
Tiến hành mổ nội soi lồng ngực kẹp ống động mạch

2.4.Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở.
  • Khi người bệnh về phòng hồi sức: Chụp phổi.
  • Theo dõi dấu hiệu tràn máu, tràn khí màng phổi.
  • Theo dõi vết mổ
  • Kiểm tra siêu âm tim trước khi ra viện
  • Sau 6 tháng, siêu âm 1 lần đánh giá phục hồi chức năng tim sau phẫu thuật

2.5. Xử trí tai biến

Tràn máu-tràn khí màng phổi: điều trị nội khoa, dẫn lưu màng phổi hoặc mổ lại tuỳ theo mức độ.

  • Xẹp phổi: Nội soi khí phế quản hút đờm, mổ lại.
  • Suy tim: Điều trị trợ tim, hồi sức.
  • Nhiễm trùng: Thay băng, cấy vi sinh sau đó điều trị theo kháng sinh đồ.
  • Tồn lưu ống: Điều trị nội khoa hoặc mổ lại.
  • Tổn thương thần kinh: Điều trị nội khoa.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe