Mổ nang niệu rốn ở trẻ: Khi nào nên thực hiện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ em mắc các bệnh lý do tồn tại ống niệu rốn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý viêm nhiễm, thương tổn phát triển thành ác tính nếu không được điều trị từ sớm.

1. Bệnh lý tồn tại ống niệu rốn ở trẻ sơ sinh

Ống niệu rốn có nguồn gốc từ xoang niệu sinh dục, là cấu trúc ống đường giữa kéo dài lên phía trên từ vòm trước bàng quang tới rốn, được hình thành trong thời kỳ bào thai. Ống niệu rốn thường được đóng kín và xơ hóa thành dây chằng rốn-bàng quang trước khi sinh. Nếu không thoái triển sau sinh, sự tồn tại của ống niệu rốn sẽ gây nên một số bệnh lý như:


Ống niệu rốn kéo dài từ vòm trước bàng quang lên tới rốn
Ống niệu rốn kéo dài từ vòm trước bàng quang lên tới rốn
  • Ống niệu rốn mở (patent urachus, một số tài liệu có tên khác là “dò rốn-bàng quang): chiếm khoảng 50% các trường hợp bệnh tồn tại ống niệu rốn. Bệnh xảy ra khi có sự tồn tại hoàn toàn hoặc một phần ống niệu rốn tạo sự thông thương giữa rốn và bàng quang. Trẻ có nước tiểu chảy ra từ rốn, khi dùng tay ấn nhẹ lên hạ vị, trẻ khóc hoặc ho thì nước tiểu chảy ra nhiều hơn. Khi bơm dung dịch xanh methylen vào bàng quang thì dịch ở rốn sẽ có màu xanh. Ngược lại, nếu bơm dung dịch xanh methylen vào lỗ rò ở rốn thì nước tiểu trẻ có màu xanh. Thực hiện các xét nghiệm dịch ở rốn cho thấy bản chất của dịch là nước tiểu.
  • Nang niệu rốn (urachal cyst): Xảy ra do ống niệu rốn bị bít cả hai đầu, dịch bị ứ ở đoạn giữa và tạo thành nang. Nang niệu rốn chiếm 30% các trường hợp bệnh lý tồn tại ống niệu rốn. Nang thường không có biểu hiện cơ năng rõ ràng, khi sờ nắn bụng có thể phát hiện một u dạng nang, căng, mềm, nằm ngay dưới rốn. Tuy nhiên thăm khám thông thường không thể phân biệt được nang niệu rốn với một nang ruột dưới rốn.
  • Xoang ống niệu rốn (umbilical-urachal sinus): Ống niệu rốn tồn tại một phần về phía thành bụng, thông thương với rốn. Xoang ống niệu rốn chiếm 15% các trường hợp bệnh lý ống niệu rốn.
  • Túi thừa bàng quang niệu rốn (vesica urachal diverticulum, chiếm 5%): xảy ra khi ống niệu rốn bị bít phần dưới rốn nhưng vẫn còn thông ở phía bàng quang. Trẻ mắc bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng, một số ít trẻ có thể bị nhiễm trùng do ứ đọng nước tiểu. Trước kia khi các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chưa phát triển, bệnh lý túi thừa bàng quang niệu rốn rất ít khi được phát hiện.

Video đề xuất:

Hướng dẫn vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

2. Mổ nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh: khi nào nên thực hiện?

Trong các bệnh lý tồn tại ống niệu rốn ở trẻ, chỉ có bệnh ống niệu rốn mở (dò rốn-bàng quang) là có chảy nước tiểu ở rốn và được phát hiện trong giai đoạn mới sinh. Các bệnh lý còn lại có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, chẩn đoán phải dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Các bệnh lý không có triệu chứng thường được phát hiện ở tuổi trưởng thành, khi các bệnh lý này có tình trạng nhiễm khuẩn lan dọc đường giữa quanh vùng bụng dưới, nhiễm trùng tiểu khung,...gây các triệu chứng đau vùng bụng dưới rốn, sốt cao, ớn lạnh,... Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán xác định sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT,...


Xác định bệnh ở trẻ sơ sinh bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
Xác định bệnh ở trẻ sơ sinh bằng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Các bệnh lý tồn tại ống niệu rốn ở trẻ nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, đường nhiễm khuẩn có thể là đường máu, đường bạch mạch hoặc bàng quang. Nếu không được điều trị trong thời gian dài, các thương tổn có nguy cơ thoái triển thành u ác tính khi trưởng thành. Ngoài những trẻ được chẩn đoán bệnh ống niệu rốn mở khi mới sinh. Những trẻ khác nếu thường xuyên có triệu chứng bất thường vùng rốn và dưới rốn, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để thăm khám kỹ, thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh, điều trị kịp thời.

Nang niệu rốn ở trẻ sơ sinh và các bệnh lý khác do tồn tại ống niệu rốn sau khi được chẩn đoán xác định cần được phẫu thuật sớm. Việc điều trị sớm khi trẻ còn nhỏ thường đơn giản, hiệu quả cao, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Tuy nhiên, các bệnh lý tồn tại ống niệu rốn không phải là bệnh cần phẫu thuật cấp cứu, do đó, khi trẻ sơ sinh con quá nhỏ, quá yếu hay đang mắc một bệnh lý khác cấp tính, việc phẫu thuật có thể trì hoãn. Việc mổ chậm một khoảng thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ. Trong bệnh ống niệu rốn mở, rốn thường xuyên bị rò nước tiểu, cha mẹ phải thường xuyên lau rốn cho trẻ để tránh viêm nhiễm.

Mổ nang niệu rốn ở trẻ được thực hiện như sau:

  • Trước phẫu thuật trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh nếu có nhiễm trùng rốn.
  • Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê.
  • Bác sĩ tiến hành rạch da đường vòng cung dưới rốn, bóc tách da và tổ chức để bộc lộ ống niệu-rốn, cắt bỏ các thương tổn của ống niệu rốn, khâu lại đáy bàng quang.
  • Cầm máu, đóng vết mổ, băng vết mổ.

Thời gian nằm viện thường từ 1-3 ngày. Trong thời gian nằm viện,trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột sau mổ,...

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe