Mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ là chủ đề được nhiều người quan tâm. Chuột rút chân vào ban đêm không chỉ gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bài viết này sẽ chia sẻ những mẹo đơn giản và hiệu quả giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chuột rút. Hãy cùng tìm hiểu để có được giấc ngủ trọn vẹn và thoải mái hơn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Chuột rút bắp chân là tình trạng rất phổ biến
Chuột rút nói chung là tình trạng cơ bị co rút đột ngột, gây đau và khó cử động. Phổ biến nhất là chuột rút ở phần bắp chân, có thể xảy ra trong lúc đang tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc thậm chí là khi đang ngủ.
Mặc dù việc bị chuột rút ở bắp chân (hay chuột rút chân) không nguy hiểm nhưng nếu bị thường xuyên và không thuyên giảm thì cần đến gặp bác sĩ để có những lựa chọn điều trị thích hợp. Ngoài ra, nắm những mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ để có thể xử lý các tình huống bất ngờ hiệu quả.
2. Những lý do dẫn đến chuột rút chân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút bắp chân, một số có thể là dấu hiệu của vấn đề bệnh lý cần quan tâm.
2.1. Thiếu khoáng chất
Chế độ ăn uống thiếu kali, canxi hoặc magie có thể gây chuột rút bắp chân. Thuốc lợi tiểu kê đơn cho bệnh nhân cao huyết áp cũng có thể làm thiếu khoáng chất.
2.2. Bị chèn dây thần kinh
Dây thần kinh cột sống bị chèn ép có thể gây đau chân giống như chuột rút và sẽ trở nên tệ hơn khi đi bộ lâu.
2.3. Giữ một tư thế quá lâu
Nghe có vẻ khó tin nhưng việc ngồi hoặc đứng yên một tư thế trong một khoảng thời gian dài cũng có thể khiến bị chuột rút. Ngồi hoặc đứng yên một tư thế lâu có thể khiến cơ căng, di chuyển đột ngột làm cơ co lại gây chuột rút.
2.4. Cơ thể bị mất nước
Khi vận động mạnh hoặc tập thể thao cường độ cao rất dễ dẫn đến tình trạng mất nước, qua đó làm tăng nguy cơ bị chuột rút bắp chân đột ngột.
2.5. Thiếu canxi khi mang thai
Phụ nữ mang thai có những sự thay đổi Hormone trong cơ thể và nhu cầu các chất cao hơn, do đó cũng có thể xảy ra tình trạng chuột rút, phổ biến trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Đây cũng là nhóm đối tượng cần biết những mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ vì tình trạng này xảy ra khá nhiều vào ban đêm.
2.6. Rối loạn tuần hoàn máu
Tập thể dục có thể gặp tình trạng xơ cứng động mạch chi dưới, gây đau như chuột rút ở bắp chân và bàn chân. Các cơn đau này thường biến mất sau khi nghỉ ngơi một lúc.
3. Mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ nhanh và hiệu quả
Một số biện pháp sau đây sẽ giúp giảm đau do chuột rút ở bắp chân, đặc biệt khi cơn đau khiến chúng ta tỉnh giấc đột ngột khi đang ngủ.
3.1. Xoa bóp cơ bắp
Khi bị chuột rút, hãy nhanh chóng xoa bóp vùng bắp chân để giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó giảm cơn đau nhanh chóng.
3.2. Căng cơ
Đây cũng là một mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ. Hãy kéo căng bàn chân về phía mu chân để làm căng cơ bắp chân. Cách này có thể nhanh chóng giảm cơn đau do chuột rút bắp chân gây ra.
3.3. Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Việc sử dụng những miếng giữ nhiệt đặt vào vùng bị chuột rút cũng có tác dụng giúp máu lưu thông tốt hơn để hết bị chuột rút khi đang ngủ. Ngoài ra cũng có thể dùng túi chườm lạnh để giảm đau. Tuy vậy cách này nên thận trọng với những trường hợp bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý bị tê chân tay do giảm cảm giác dẫn đến không cảm nhận được nhiều độ, có nguy cơ bị bỏng nhiệt hoặc lạnh do chườm
3.4. Di chuyển các ngón chân
Nếu bị chuột rút khi đang nằm, hãy nâng chân lên với góc khoảng 60 độ để các ngón chân được nâng cao. Lặp lại nhiều lần có thể giúp giảm đau.
3.6. Uống thuốc
Có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc giãn cơ, vitamin E,... Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có sự chuẩn bị thuốc thích hợp.
4. Những biện pháp khắc phục tình trạng chuột rút chân
Bên cạnh các mẹo chữa chuột rút chân khi ngủ, chúng ta cũng nên biết thêm về những cách để khắc phục tình trạng bị chuột rút, hạn chế nguy cơ tái phát trong tương lai.
4.1. Uống nhiều nước
Bị chuột rút do thiếu nước là chủ yếu, do đó việc uống nhiều nước mỗi ngày rất quan trọng. Đặc biệt trong lúc tập luyện thể dục thể thao nên thường xuyên bổ sung nước.
4.2. Bổ sung khoáng chất
Việc bị thiếu khoáng chất như Canxi, Natri, Magie, Kali, … sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phần cơ bắp ở chân và tay, tăng nguy cơ chuột rút bắp chân. Do đó tốt nhất là bổ sung các khoáng chất thông qua những bữa ăn hàng ngày.
4.3. Vận động nhẹ nhiều hơn
Việc đi lại thường xuyên có thể giúp các cơ bắp tay và chân được giãn ra, do đó hạn chế khả năng bị chuột rút. Điều này khá thích hợp với giới văn phòng và đặc biệt là phụ nữ mang thai.
4.4. Bài tập căng bắp chân
Đầu tiên, đứng lên bậc thang bằng một nửa bàn chân, rồi từ từ nâng gót chân lên và giữ im trong khoảng 15 giây. Lặp đi lặp lại từ 4 đến 6 lần để căng cơ phần bắp chân, giúp giảm đau nhanh hơn.
4.5. Giãn cơ sau khi tập
Ngoài việc giãn cơ trước khi tập thể dục, giãn cơ sau khi tập xong cũng rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ bị chuột rút ở bắp chân. Điều này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn và tăng cường khả năng hồi phục nhanh hơn.
4.6. Tắm nước nóng với muối biển
Muối biển có khả năng cung cấp Magie cho cơ thể, nên việc tắm nước nóng pha muối biển sẽ tăng cường hấp thu Magie, giảm nguy cơ bị chuột rút bắp chân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.