Mềm sụn thanh quản bẩm sinh có nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mềm sụn thanh quản bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khiến cho vùng thượng thanh môn sẽ bị hẹp lại trong thì hít vào, dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn tại đường hô hấp.

1. Nguyên nhân của mềm sụn thanh quản

Mềm sụn thanh quản thông thường là bẩm sinh nhưng có thể không phải do di truyền. Nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Nó có thể bị gây ra do trương lực cơ yếu và cơ chưa trưởng thành ở đường hô hấp trên.

Trong mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh, nắp thanh môn hoặc sụn phễu bị mềm. Những mô mềm này bị đẩy vào đường dẫn khí gây nên tình trạng tắc nghẽn tạm thời một phần đường dẫn khí khi hít vào. Các mô này bị đẩy ra lại khi trẻ thở ra và mở lại đường thở.

2. Chẩn đoán mềm sụn thanh quản


Bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu bé tím tái hoặc ngưng thở hoặc tạm dừng thở
Bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu bé tím tái hoặc ngưng thở hoặc tạm dừng thở

Phát hiện mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh bằng cách nội soi với ống mềm, lúc này bác sĩ sẽ thấy các bất thường đặc trưng của mềm sụn thanh quản.

Nội soi huỳnh quang đường thở có thể thấy đường thở và những cấu trúc khác ở cổ và ngực khi trẻ đang thở.

Uống chất cản quang barium là một xét nghiệm dùng để nhìn thấy cấu trúc xung quanh đường dẫn khí, thực quản và dạ dày khi trẻ đang nuốt chất lỏng đặc biệt này. Với kỹ thuật và phương pháp thăm dò ngày càng tiến bộ thì phương pháp này ít được sử dụng.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang khi cần để xác định các vấn đề có thể đi kèm bệnh. Chụp chiếu X-quang tại vùng cổ và vùng ngực sẽ giúp bác sĩ thấy được cấu trúc đường hô hấp dẫn khí dưới nắp sụn thanh môn.

Cần đưa trẻ đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu nếu:

  • Tím tái hoặc ngưng thở trên 15 giây
  • Trẻ bị co rút hoặc hõm các cơ ngực, cơ cổ liên tục trong khoảng thời gian dài
  • Ăn khó khăn, nghẹn với thức ăn, không đủ lượng thông thường, hoặc giảm lượng phân trong tã
  • Khó tăng cân hoặc giảm cân.

3. Điều trị mềm sụn thanh quản

Mềm sụn thanh quản bẩm sinh có nguy hiểm không? còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Thường thì không cần thiết phải điều trị tích cực khi các triệu chứng của trẻ đều nhẹ và trẻ ăn mà không gặp khó khăn, tăng cân, và đạt được những cột mốc phát triển. Khi đến 18-24 tháng tuổi trẻ sẽ hết bị mềm sụn.

Tuy nhiên, một số trường hợp mềm sụn thanh quản diễn tiến nặng hơn như: Gây trào ngược dạ dày thực quản, gây khó thở thậm chí ngưng thở và tím tái. Lúc này cần can thiệp điều trị kịp thời.

Có hai phương pháp điều trị mềm sụn thanh quản là điều trị nội khoa (tức dùng thuốc mà không phẫu thuật) và điều trị ngoại khoa (tức can thiệp phẫu thuật).

3.1 Điều trị nội khoa

  • Trên 99% sẽ dần dần tự khỏi mà không cần điều trị, hầu như đa số sẽ hết khò khè khi được 2 tuổi. Tiếng khò khè sẽ tăng trong 6 tháng đầu sau sinh vì lượng khí trẻ hít thở sẽ tăng theo tuổi.
  • Bệnh này không có loại thuốc đặc hiệu điều trị, chỉ có thể tăng cường bổ sung vitamin D cùng canxi. Thường điều trị khi có trào ngược dạ dày thực quản và các nhiễm trùng hô hấp đi kèm.
  • Nếu trẻ vẫn bú được, chơi được, tăng cân bình thường, chỉ có thở khò khè trong 2 tháng đầu sau sinh thì không cần xử trí gì thêm.

Mềm sụn thanh quản bẩm sinh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể tăng cường bổ sung vitamain D và canxi
Mềm sụn thanh quản bẩm sinh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể tăng cường bổ sung vitamain D và canxi

3.2 Điều trị ngoại khoa

  • Đối với những trường hợp bệnh nặng gây trẻ khó bú, kém tăng cân và phát triển, có thể dùng phẫu thuật.
  • Phẫu thuật chỉ đơn giản chủ yếu là tạo hình các cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, lấy đi những phần mô thừa gây tắc khí đạo.
  • Rất hiếm khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị mềm sụn thanh quản. Nếu trẻ đã được phẫu thuật rồi thì vẫn nên tiếp tục điều trị trào ngược dạ dày thực quản và các bậc cha mẹ vẫn rất cần theo dõi các dấu hiệu chuyển biến xấu để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Cũng như các bất thường bất thường bẩm sinh khác, để phòng tránh mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh, tất cả các sản phụ cần được chăm sóc tiền sản thật tốt, dinh dưỡng đầy đủ, chủng ngừa theo lịch nhằm tránh sanh non, nhẹ cân. Đặc biệt thai phụ cần tránh xa khói thuốc lá vì thuốc lá làm tăng nguy cơ các bất thường bẩm sinh ở trẻ em tăng gấp 2-3 lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Bí kíp để con đi tiêm phòng không đau, không khóc nhè

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe