Melatonin và cách sử dụng melatonin

Melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng ở não giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Melatonin trong cơ thể được tổng hợp và tiết ra theo nhịp điệu ngày đêm. Chúng có vai trò trong điều chỉnh giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ do đảo lộn thời gian và tái đồng bộ chu kỳ giấc ngủ.

1. Melatonin là gì?

Melatonin là một loại hormone trong cơ thể có vai trò trong giấc ngủ. Quá trình sản xuất và giải phóng melatonin ở não được kết nối với thời gian trong ngày, tăng khi trời tối và giảm khi trời sáng. Sản xuất melatonin trong cơ thể giảm dần theo tuổi.

Melatonin cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng bổ sung, thường ở dạng viên uống hoặc viên nang. Hầu hết các chất bổ sung melatonin đều được sản xuất trong phòng thí nghiệm.

Melatonin thường được sử dụng cho điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ hay mệt mỏi do hội chứng rối loạn cơ thể khi thay đổi múi giờ một cách nhanh chóng


Melatonin giúp cải thiện giấc ngủ ngon, sâu giấc
Melatonin giúp cải thiện giấc ngủ ngon, sâu giấc

2. Chứng cứ về vai trò của melatonin

Nghiên cứu về việc sử dụng melatonin cho thấy vai trò trong các rối loạn như:

  • Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học. Melatonin có thể giúp cải thiện những rối loạn nhịp sinh học ở cả trẻ em và người lớn.
  • Giai đoạn ngủ muộn (rối loạn giấc ngủ giai đoạn ngủ-thức muộn). Trong chứng rối loạn này, giấc ngủ bị trễ hai giờ hoặc nhiều hơn so với giấc ngủ thông thường, khiến bạn đi vào giấc ngủ muộn hơn và thức dậy muộn hơn. Nghiên cứu cho thấy melatonin làm giảm thời gian cần thiết để đi vào giấc ngủ và thúc đẩy giấc ngủ bắt đầu ở người lớn và trẻ em mắc chứng này
  • Mất ngủ. Nghiên cứu cho thấy melatonin có thể làm giảm một chút thời gian đi vào giấc ngủ, nhưng tác động của nó đối với chất lượng giấc ngủ và tổng thời gian ngủ không rõ ràng. Melatonin có thể có lợi hơn cho người lớn tuổi bị thiếu melatonin.
  • Hội chứng rối loạn cơ thể do thay đổi múi giờ. Bằng chứng cho thấy melatonin có thể cải thiện các triệu chứng mệt mỏi khi thay đổi múi giờ, chẳng hạn như tỉnh táo và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Rối loạn giấc ngủ ở người làm việc theo ca. Không rõ liệu melatonin có thể cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ ban ngày ở những người có công việc yêu cầu phải làm việc ngoài thời gian biểu truyền thống từ sáng đến tối.
  • Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em. Các nghiên cứu nhỏ đã gợi ý melatonin có thể giúp điều trị chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em bị một số khuyết tật. Tuy nhiên, tạo thói quen tốt trước khi đi ngủ thường được khuyến khích như một phương pháp điều trị ban đầu.
  • Nghiên cứu cho thấy melatonin có thể làm giảm sự nhầm lẫn và bồn chồn vào buổi tối ở những người mắc bệnh Alzheimer, nhưng dường như không cải thiện nhận thức.

3. Sử dụng melatonin như thế nào?

Cơ thể có thể sản xuất đủ melatonin cho nhu cầu. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy chất bổ sung melatonin thúc đẩy giấc ngủ và an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn. Melatonin có thể được sử dụng để điều trị giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học và giúp giảm chứng mất ngủ. Sử dụng melatonin một cách thận trọng như với bất kỳ loại thuốc ngủ nào.


Sử dụng Melatonin bằng đường uống
Sử dụng Melatonin bằng đường uống

4. Tác dụng phụ của melatonin

Melatonin dùng đường uống với liều lượng phù hợp thường an toàn. Melatonin có thể gây ra đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn của melatonin có thể bao gồm cảm giác trầm cảm kéo dài trong thời gian ngắn, run nhẹ, khó chịu, lo lắng nhẹ, chuột rút cơ bụng, giảm tỉnh táo, lú lẫn hoặc mất phương hướng.

melatonin có thể gây buồn ngủ ban ngày do đó không được lái xe hoặc sử dụng máy móc trong vòng năm giờ sau khi uống. Không sử dụng melatonin nếu mắc bệnh tự miễn.

5. Tương tác thuốc

Các tương tác thuốc có thể xảy ra với melatonin bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu, thảo dược và thực phẩm chức năng. Những loại thuốc thảo dược và thực phẩm chức năng làm giảm đông máu. Kết hợp sử dụng melatonin với các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Thuốc chống co giật. Melatonin có thể ức chế tác dụng của thuốc chống co giật và làm tăng tần suất co giật, đặc biệt là ở trẻ em bị khiếm khuyết thần kinh.
  • Thuốc huyết áp. Melatonin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp ở những người dùng thuốc huyết áp.
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương. Sử dụng melatonin với những loại thuốc này có thể gây tăng tác dụng an thần.
  • Thuốc điều trị đái tháo đường. Melatonin có thể ảnh hưởng đến đường huyết.
  • Thuốc tránh thai. Sử dụng thuốc tránh thai với melatonin có thể gây ra tác dụng an thần và làm tăng tác dụng phụ có thể có của melatonin.
  • Chất chuyển hóa qua cytochrom P450 1A2 (CYP1A2) và cytochrome P450 2C19 (CPY2C19). Sử dụng melatonin một cách thận trọng nếu dùng kèm các loại thuốc như diazepam và những thuốc khác bị ảnh hưởng bởi các enzym này.
  • Fluvoxamine (Luvox). Thuốc này được sử dụng để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể làm tăng nồng độ melatonin trong cơ thể, gây buồn ngủ quá mức không mong muốn.
  • Thuốc ức chế miễn dịch. Melatonin có thể kích thích chức năng miễn dịch và ảnh hưởng đến liệu pháp ức chế miễn dịch.
  • Thuốc hạ ngưỡng co giật. Những loại thuốc này nếu dùng kèm với melatonin có thể làm tăng nguy cơ co giật.

Melatonin là một loại hormone trong cơ thể có vai trò trong giấc ngủ. Bạn có thể bổ sung qua thực phẩm chức năng để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe