Thuốc Mekocetin là một thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, được sử dụng trong các trường hợp có phản ứng viêm và những rối loạn đáp ứng với liệu pháp corticoid. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc đúng cách có thể mang lại hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ, còn sai cách có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
1. Thuốc Mekocetin là thuốc gì?
Thành phần chính của thuốc Betamethasone 0,5mg. Được bào chế dưới dạng viên nén có màu xanh. Betamethasone là một loại thuốc có tác dụng kháng viêm mạnh, có tác dụng chống viêm khớp và kháng dị ứng, được dùng trong điều trị những rối loạn có đáp ứng với corticoid. Đây là một glucocorticoid, có những hoạt tính mạnh của glucocorticoid và hoạt tính mineralocorticoid thấp.
2. Thuốc Mekocetin có tác dụng gì?
Nhờ tác dụng chống viêm mạnh và giảm miễn dịch mà thuốc Mekocetin được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Trong viêm đường hô hấp: Có thể được dùng trong bệnh viêm họng cấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa...
- Trong bệnh lý do dị ứng: Viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thời tiết...
- Bệnh viêm khớp, bệnh thấp khớp, bệnh viêm da tiếp xúc...
- Ung thư
- Bệnh collagen, bệnh ở mắt...
Tác dụng của Mekocetin rất rộng rãi và được chỉ định linh hoạt phụ thuộc vào từng trường hợp và liều betamethasone cần dùng.
3. Chống chỉ định của thuốc Mekocetin
Thuốc Mekocetin không dùng trong các trường hợp sau:
- Người từng có phản ứng quá mẫn với Betamethasone hay với các corticoid khác hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc Mekocetin
- Không dùng Betamethason cho những người tâm thần, đang bị loét dạ dày và hành tá tràng tiến triển.
- Không dùng trong nhiễm khuẩn, nhiễm virus và trong nhiễm nấm toàn thân.
- Thận trọng khi dùng ở người bệnh tiểu đường vì nó có thể gây tăng đường huyết vfa khó kiểm soát mức đường huyết.
4. Cách dùng và liều dùng thuốc Mekocetin
Thuốc Mekocetin được dùng với nước và nên dùng thuốc vào buổi sáng khoảng 8-9 giờ sáng, sau ăn. Liều thông thường có thể uống từ 1-10 viên/ngày.
Liều dùng được điều chỉnh tùy theo từng bệnh cần điều trị, mức độ nặng của bệnh và đáp ứng của bệnh nhân. Khi có cải thiện, giảm dần liều thuốc cho đến mức độ duy trì tối thiểu và ngưng thuốc ngay khi có thể.
Với những bệnh cấp tính thường không dùng quá 5 ngày, bệnh mạn tính hay phụ thuộc vào thuốc thì sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Mekocetin
Những tác dụng phụ có thể gặp của Mekocetin cũng giống như đối với các loại corticoid khác, thường có liên quan chủ yếu đến liều lượng và thời gian điều trị.
- Rối loạn nước và điện giải: Khi dùng thuốc corticoid gây ra giữ muối và nước, có nguy cơ gây suy tim sung huyết, giảm kali trong máu, tăng huyết áp.
- Trên hệ cơ xương: Gây ra yếu cơ, bệnh lý cơ do corticoid, suy giảm khối lượng cơ, làm nặng thêm các triệu chứng nhược cơ, nguy cơ mắc bệnh loãng xương, gãy lún cột sống, hoại tử vô trùng đầu xương đùi và hoại tử vô khuẩn đầu xương cánh tay, gãy xương dài có bệnh lý, đứt dây chằng.
- Trên đường tiêu hóa: Gây ra viêm loét dạ dày biến chứng với thủng dạ dày hoặc xuất huyết đường tiêu hoá, viêm tụy, chướng bụng, viêm loét thực quản.
- Bệnh về da: chậm lành vết thương, da mỏng, giãn mao mạch; có đốm xuất huyết và xuất hiện mảng bầm tím trên da; hồng ban ở mặt; tăng tiết mồ hôi; dị ứng như viêm da dị ứng, nổi mề đay; phù mạch thần kinh.
- Có thể gây ra co giật, gây tăng áp lực nội sọ với phù gai thị (gây ra một loại bướu giả ở não) sau khi điều trị; chóng mặt; nhức đầu.
- Nội tiết: rối loạn kinh nguyệt; hội chứng Cushing; mất đáp ứng với tuyến yên và thượng thận thứ phát, đặc biệt trong thời gian người dùng thuốc bị stress; làm giảm dung nạp carbohydrate; gây tăng nhu cầu về insulin hoặc việc sử dụng các thuốc hạ đường huyết trong điều trị bệnh đái tháo đường.
- Mắt: Nguy cơ gây đục thủy tinh thể dưới bao, tăng nhãn áp, chứng lồi mắt. Nguy cơ này hay gặp ở trẻ em nên cần hết sức lưu ý ở trẻ em khi phải dùng kéo dài.
- Tâm thần: gây cảm giác sảng khoái, cảm giác lâng lâng khi dùng thuốc; các biểu hiện suy giảm tâm lý trầm trọng; thay đổi tính cách thất thường; mất ngủ.
- Các tác dụng khác: Có thể xảy ra phản ứng sốc phản vệ hoặc phản ứng tăng mẫn cảm mặc dù những tác dụng phụ này rất hiếm gắp.
Tác dụng phụ của thuốc có thể không giống nhau ở mỗi người. Khi dùng đúng và thời gian ngắn mang lại hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn. Bạn cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn mà bản thân gặp phải khi dùng thuốc.
6. Lưu ý khi dùng thuốc Mekocetin
Bạn cần lưu ý những điều sau khi dùng thuốc Mekocetin:
- Phải bắt đầu dùng từ liều thấp nhất mà có thể đạt được kiểm soát bệnh đang điều trị; khi dùng kéo dài hay liều cao muốn ngừng thuốc phải giảm liều và phải giảm dần từng bước. Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, nếu đang dùng trong thời gian dài thì không được tự ý ngưng sử dụng đột ngột.
- Khi dùng corticosteroid toàn thân, thì cần phải rất thận trọng trong những trường hợp suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới, tăng huyết áp, động kinh, lao tiến triển, thiểu năng tuyến giáp, glocom, bệnh nhân bị suy gan, loãng xương, suy thận.
- Người bệnh đang dùng liệu pháp corticosteroid dễ bị nhiễm khuẩn hơn do tác dụng gây suy giảm miễn dịch. Mặt khác, triệu chứng của những bệnh nhiễm khuẩn này có thể bị che lấp do thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, cho mãi đến giai đoạn muộn của bệnh
- Rất thận trọng khi sử dụng thuốc này cho đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú. Thường thì những người này được khuyến cáo không dùng, chỉ dùng khi thực sự cần thiết.
- Không được tiêm phòng một số loại vắc xin trong quá trình bạn điều trị bằng corticoid. Vì nó có thể gây ra phản ứng bất lợi tác động của vi sinh vật, nhất là các loại vắc xin sống giảm động lực.
- Không nên dùng các liệu pháp giảm miễn dịch khác trong liệu pháp corticoid, đặc biệt ở liều cao vì có khả năng gây các rối loạn thần kinh và mất khả năng đáp ứng của kháng thể. Nhưng ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng corticoid như một liệu pháp thay thế hormon chẳng hạn trong bệnh Addison, thì dùng liệu pháp miễn dịch vẫn được.
- Dùng Betamethasone kéo dài có nguy cơ gây ra đục thể thủy tinh, điều này hay gặp hơn ở trẻ em, glaucom gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Nên hết sức lưu ý và cần kiểm tra thường xuyên cho trẻ.
- Bệnh nhân dùng những liều corticoid gây giảm đáp ứng miễn dịch với tác nhân gây bệnh cho nên cần lưu ý tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh truyền nhiễm. Ðiều này đặc biệt rất quan trọng ở trẻ em.
- Các rối loạn tâm thần cũng có thể xảy ra trong khi sử dụng liệu pháp corticoid, có thể làm nặng thêm các vấn đề tâm lý và có khuynh hướng bị bệnh tâm thần.
7. Tương tác thuốc
Tình trạng tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng chung thuốc Mekocetin với các thuốc khác. Cho nên cần hết sức lưu ý khi dùng chung với một số thuốc khác. Một số tương tác thuốc có thể xảy ra gồm:
- Glucocorticoid làm tăng nguy tình trạng độc gan khi dùng với Paracetamol liều cao hay dùng dài ngày.
- Thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông của các thuốc chống đông như coumarin, làm tăng khả năng gây ra loạn nhịp tim hoặc độc tính của glycosid tim.
- Glucocorticoid sẽ làm tăng nồng độ của Glucose trong máu nên trong một số trường hợp có thể cần thiết phải điều chỉnh liều của thuốc điều trị đái tháo đường uống hoặc liều insulin.
- Các thuốc như Phenobarbitone, Phenytoin, Rifampicin, Ephedrin có thể giảm tác dụng điều trị của corticosteroid.
- Hormon Estrogen ngoại sinh có thể làm tăng tác dụng điều trị và tăng cả độc tính của glucocorticoid.
- Khi phối hợp với thuốc kháng viêm không steroid hoặc rượu có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện loét đường tiêu hóa hay ở mức độ nặng.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 độ C trong bao bì kín. Tránh ánh sáng và không để thuốc ở trong tủ đông. Tránh xa tầm tay của trẻ em.
Công dụng chủ yếu của Mekocetin là chống viêm, giảm miễn dịch. Nó có thể mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh, nhưng cần dùng hết sức lưu ý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.