"Hắt xì hơi nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không" thì bạn hãy yên tâm rằng tình trạng này không gây hại cho mẹ và bé. Tuy nhiên, việc có bầu hắt xì đau bụng dưới kéo dài trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe nào đó.
1. Nguyên nhân mang bầu hắt xì hơi nhiều
Có một số mẹ bầu bị hắt xì hơi nhiều hơn bình thường trong quá trình mang thai và bác sĩ gọi tình trạng này là viêm mũi thai kỳ. Viêm mũi khi mang thai là tình trạng nghẹt mũi bắt đầu tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và hết trong vòng 2 tuần sau khi sinh.
Các triệu chứng viêm mũi khi mang thai bao gồm:
- Sổ mũi;
- Nghẹt mũi;
- Hắt xì...
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa được biết, bác sĩ cho rằng nó có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể của mẹ bầu.
Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể bị hắt xì hơi nhiều có thể do một số nguyên do sau đây:
- Dị ứng: Nếu trước đây từng bị dị ứng với tác nhân nào đó thì khi mang thai bạn vẫn có nguy cơ đối mặt với tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng khi mang thai không làm tăng nguy cơ sinh non hay trẻ nhẹ cân.
- Cảm lạnh hay cảm cúm: Mang thai bị cảm cúm hay cảm lạnh có thể khiến mẹ bầu bị hắt xì hơi nhiều lần trong ngày.
2. Hắt xì hơi nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi?
Hắt xì hơi nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi không là nỗi băn khoăn và lo lắng của mẹ bầu khi gặp phải tình trạng này. Nếu tình trạng hắt xì hơi xuất hiện với tần suất ít và không kèm theo các dấu hiệu như ho, đau họng hay sốt... thì hầu như sẽ không ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu hắt xì nhiều có thể gây ra một số tác động như:
- Hắt xì hơi nhiều trong thời gian dài khi mang thai gây ra những cơn co thắt dẫn đến dọa sảy, đẻ non...;
- Hắt xì nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi vì gây tăng áp lực ổ bụng mạnh.
Do đó, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay nếu hắt xì hơi nhiều kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở;
- Sốt trên 38°C;
- Mất nước;
- Không có khả năng ăn hoặc ngủ;
- Mẹ bầu hắt xì đau bụng dưới dữ dội;
- Đau, tức ngực;
- Thở khò khè;
- Ho ra dịch đờm nhầy có màu xanh lá cây hoặc vàng...
3. Cách giảm thiểu tình trạng hắt xì hơi nhiều khi mang thai
Vì mẹ bầu hắt xì có ảnh hưởng đến thai nhi nên bạn cần phải tìm cách hạn chế xảy ra tình trạng này. Để giảm thiểu việc hắt xì hơi nhiều khi mang thai, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Xịt và rửa mũi mỗi ngày: Bạn có thể dùng bình xịt mũi hoặc dụng cụ rửa mũi nhằm làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước cất.
- Súc miệng bằng nước muối hàng ngày: Vì muối có tác dụng kháng khuẩn nên sẽ giúp bạn ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm mũi tấn công xuống họng;
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước sẽ giúp bạn làm lỏng dịch đặc ở mũi và cải thiện tình trạng hắt xì hơi nhiều khi mang thai. Bạn nên uống nước ấm hoặc nước ấm pha với mật ong và chanh thì sẽ tốt hơn so với nước lọc thông thường;
- Trà gừng: Vì gừng có tác dụng chống viêm rất tốt nên khi bà bầu bị hắt xì hơi hay nghẹt mũi khi mang thai thì có thể pha nước nóng với vài lát gừng tươi và thêm một thìa mật ong, để ấm rồi uống. Trà gừng mật ong sẽ giúp làm ấm các cơ quan của hệ hô hấp, cải thiện tình trạng hắt xì hơi khi mang thai;
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Thiết bị này sẽ tạo độ ẩm cho không khí, giúp đường hô hấp của mẹ bầu không bị khô;
- Máy lọc không khí: Vì mẹ bầu có thể bị dị ứng với một tác nhân nào đó trong nhà hoặc văn phòng làm việc như nấm mốc, bụi hay khói... Nên việc dùng máy lọc không khí để làm sạch không gian sống và làm việc sẽ giúp bạn thoải mái hơn;
- Tránh tác nhân gây kích ứng: Nếu mẹ bầu bị kích thích bởi các yếu tố như phấn hoa, cỏ khô hoặc lông, vảy da thú cưng... thì hãy hạn chế tối đa nguy cơ hít phải những thứ này bằng cách đeo khẩu trang, mắt kính khi đi ở bên ngoài, không đến gần thú nuôi hoặc không cho thú nuôi tiếp xúc với không gian sinh hoạt của bạn... Mỗi khi ra ngoài về, mẹ bầu nên thay quần áo và đi tắm;
- Tránh đồ cay nóng: Đồ ăn và gia vị cay như tiêu, ớt, mù tạt sẽ khiến mẹ bầu có thể bị hắt xì hơi và không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Vì thế, hãy tránh xa những đồ ăn này để cảm thấy dễ chịu và đảm bảo an toàn;
- Sử dụng thuốc điều trị: Trong thời kỳ mang thai, bất cứ thứ gì bạn tiêu thụ đều có thể truyền sang cho em bé Do đó, bạn nên cẩn thận về những gì đang sử dụng, đặc biệt là thuốc. Có một số loại thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine và thuốc chống dị ứng an toàn để sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào, mẹ bầu nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa;
- Tiêm phòng cúm trước khi mang thai: Bạn nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai. Nếu chưa tiêm, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để được tiêm vắc-xin ngừa cúm khi mang thai;
- Kiểm soát tình trạng hen suyễn: Nếu bị hen suyễn, ngoài việc theo dõi sức khỏe thật cẩn thận, mẹ bầu cần phải trao đổi cụ thể với bác sĩ để có phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong thai kỳ;
- Tập thể dục: Việc tập thể dục thường xuyên khi mang thai sẽ giúp bạn khỏe mạnh và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, phòng tránh các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu;
- Dùng băng vệ sinh hằng ngày: Nếu hắt hơi nhiều khiến bạn bị són tiểu, hãy dùng băng vệ sinh hằng ngày để ngăn nước tiểu làm vấy bẩn đồ lót.
- Thử tư thế thai nhi: Nếu mẹ bầu hắt xì đau bụng dưới, hãy thử ôm bụng hoặc nằm nghiêng trong tư thế của thai nhi để giảm cảm giác đau;
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C: Trong thời gian mang thai, bạn nên ăn nhiều thực phẩm dồi dào vitamin C như cam, bưởi, ổi, sơ ri, rau ngót... nhằm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Có thể nói, tình trạng hắt xì hơi nhiều ở bà bầu rất phổ biến và không quá nguy hiểm nhưng mẹ cũng đừng vì thế mà chủ quan. Thay vào đó, mẹ bầu hãy chú ý đến từng thay đổi của cơ thể và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.