Máu cuống rốn được lấy vào thời điểm nào sau khi sinh?

Lấy máu cuống rốn không chỉ là một thủ tục an toàn sau sinh mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong lĩnh vực y học hiện đại. Máu cuống rốn chứa tế bào gốc có khả năng phục hồi và tái tạo các mô bị tổn thương, mở ra hy vọng trong điều trị các bệnh liên quan đến máu và miễn dịch. Vậy máu cuống rốn được lấy vào thời điểm nào sau khi sinh? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên cũng như liệt kê những lợi ích của lấy máu cuống rốn.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Ngô Anh Tiến - Ngân hàng Sinh học, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

1. Tế bào gốc máu cuống rốn là gì?

Tế bào gốc máu cuống rốn - một loại tế bào có khả năng tăng sinh cao, được thu thập từ máu trong cuống rốn và bánh nhau ngay sau khi em bé được sinh ra. Tế bào gốc từ máu cuống rốn có tỷ lệ bị đào thải thấp hơn nhiều so với tế bào gốc trưởng thành sau khi được ghép vào cơ thể, đồng thời cũng có tỷ lệ nhiễm virus thấp hơn, làm chúng trở thành liệu pháp tiềm năng trong y học.

Trong suốt thai kỳ, máu cuống rốn lưu thông trong hệ tuần hoàn của thai nhi, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bào thai. Trước đây, bánh nhau và dây rốn được coi là chất thải y tế sau khi cắt rời khỏi em bé. Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương pháp điều trị bằng tế bào gốc, máu cuống rốn ngày nay được thu thập, xử lý và bảo quản cẩn thận để sử dụng trong điều trị y tế, không chỉ cho chính em bé mà còn cho các thành viên khác trong gia đình khi cần.

Từ những năm 1980, máu cuống rốn đã được biết đến là nguồn tế bào gốc tạo máu dồi dào, có thể thay thế cho tế bào gốc từ tủy xương trong điều trị các bệnh liên quan đến hệ tạo máu. Nghiên cứu sau này cũng đã phát hiện và phân lập được các tế bào gốc biểu mô và trung mô, dù chúng chiếm một tỷ lệ thấp trong máu cuống rốn, mở ra nhiều hứa hẹn mới trong lĩnh vực y học tái tạo.  

2. Lợi ích của việc lưu trữ máu cuống rốn

Máu cuống rốn, còn được gọi là máu bánh nhau hay máu dây rốn từng được xem như là rác thải y tế, tuy nhiên, những nghiên cứu và phát triển y học gần đây đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách sử dụng tế bào này. Máu cuống rốn được coi là một nguồn tài nguyên y tế quý giá nhờ vào khả năng cung cấp tế bào gốc có tiềm năng điều trị cao.

Tế bào gốc máu cuống rốn (TBGMC) đóng vai trò quan trọng trong y học hiện đại, mang đến tiềm năng chữa trị cho hơn 80 bệnh lý khác nhau
Tế bào gốc máu cuống rốn (TBGMC) đóng vai trò quan trọng trong y học hiện đại, mang đến tiềm năng chữa trị cho hơn 80 bệnh lý khác nhau

Tế bào gốc trong máu cuống rốn đã được sử dụng trong việc điều trị hơn 80 bệnh khác nhau, bao gồm cả các bệnh lý liên quan đến hệ tạo máu và rối loạn miễn dịch di truyền. Các bệnh phổ biến có thể được điều trị bao gồm ung thư máu, các loại u tủy, suy tủy, u lympho, và huyết tán - Thalassemia. Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống rốn cũng đang được nghiên cứu để điều trị các bệnh như tự kỷ, đái tháo đường tuýp 1, AlzheimerParkinson.

2.1 Nguồn cung cấp sẵn có các tế bào gốc tạo máu

Trong điều trị y tế, đặc biệt là trong các ca ghép tế bào gốc tạo máu, việc tìm kiếm mẫu tế bào phù hợp với bệnh nhân luôn là một thách thức lớn. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ có ngân hàng máu cuống rốn, vấn đề này đã dần được giải quyết. Máu cuống rốn được lưu trữ trong các ngân hàng này trở thành nguồn cung cấp quý giá. Việc sử dụng tế bào gốc từ máu cuống rốn không chỉ giúp rút ngắn đáng kể thời gian điều trị mà còn giảm thiểu chi phí điều trị.

2.2 Lấy máu cuống rốn giúp chữa trị nhiều bệnh, ngay cả các bệnh hiểm nghèo

Tế bào gốc máu cuống rốn được biết đến với khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào trong máu, bao gồm tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu và tế bào tiểu cầu. Nhờ vào tính đa năng này, máu cuống rốn đã trở thành một phương pháp điều trị quan trọng trong việc chữa trị các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư máu, suy tủy và u lympho…

2.3 Giảm nguy cơ đào thải với mảnh ghép

Biến chứng thải loại mảnh ghép chống lại vật chủ là một trong những thách thức lớn trong các ca ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, việc sử dụng máu cuống rốn được lưu trữ từ chính bản thân trẻ sơ sinh đã đem lại một giải pháp hiệu quả, giảm thiểu đáng kể nguy cơ này. Đặc biệt, tế bào gốc từ máu cuống rốn có khả năng tương thích cao với các thành viên trong gia đình.

2.4 Quá trình lấy máu cuống rốn nhanh chóng, dễ dàng và vô cùng an toàn đối với cả mẹ lẫn bé

Quá trình lấy máu cuống rốn diễn ra nhanh chóng và an toàn, chỉ mất khoảng 2-3 phút để hoàn thành. Đặc biệt, quá trình này không gây đau đớn cho người mẹ và không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, bất kể là sinh thường hay sinh mổ.

3. Ưu điểm của tế bào máu cuống rốn  

Tế bào gốc máu cuống rốn có nhiều lợi thế so với các loại tế bào gốc khác như tế bào gốc tủy xương. Dưới đây là một số ưu điểm nổi bật:

  • Tế bào gốc máu cuống rốn không phụ thuộc nhiều vào các tế bào của cơ thể người nhận như các loại tế bào gốc khác từ tủy xương hay máu ngoại vi.
  • Tế bào gốc máu cuống rốn có DNA telomere dài hơn so với tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu ngoại vi. Điều này có nghĩa là chúng có khả năng bảo tồn cao hơn sau mỗi lần phân chia, dẫn đến việc tạo ra nhiều tế bào con hơn và do đó, sản xuất được lượng máu lớn hơn.
  • Tế bào gốc máu cuống rốn ở trạng thái "sơ sinh" tức chưa chịu ảnh hưởng của tuổi tác hay các yếu tố môi trường. Đặc biệt, nguồn tế bào này thường không chứa virus hoặc vi khuẩn, từ đó tăng cường tính an toàn khi sử dụng trong điều trị lâm sàng.

4. Thời điểm và quy trình lấy máu cuống rốn

Máu cuống rốn được thu thập từ dây rốn qua tĩnh mạch dây rốn và cho vào túi dẻo có chất chống đông ngay sau khi sinh. Quy trình lấy máu cuống rốn chỉ mất từ 2-3 phút và đây là các bước thực hiện:

Tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng điều trị trên 80 bệnh
Tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng điều trị trên 80 bệnh
  • Ngay sau khi em bé chào đời, nhân viên y tế sẽ kẹp một đoạn của cuống rốn, đảm bảo rằng đoạn này dài ít nhất 10 cm. Đoạn cuống rốn này có thể được cắt ngay lập tức để thu thập máu hoặc có thể chờ đợi cho đến khi nhau thai được sổ ra hoàn toàn.
  • Bề mặt dây rốn được sát trùng cẩn thận bằng dung dịch Povidone – Iodine để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đồng thời, kim chuyên dụng sẽ được gắn vào túi thu thập, nhân viên y tế sẽ chọc vào tĩnh mạch dây rốn để lấy máu cuống rốn.
  • Sau khi đã lấy đủ lượng máu cần thiết, dây của túi thu thập sẽ được kẹp lại và kim sẽ được rút ra. Cuối cùng, túi lấy máu cuống rốn sẽ được lắc nhẹ để máu được trộn đều với chất chống đông, đảm bảo bảo quản máu tốt hơn.

5. Có thể lưu trữ máu cuống rốn ở đâu?  

Lấy máu cuống rốn là một quá trình an toàn không gây rủi ro cho mẹ và bé. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị các căn bệnh khó khăn đang ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn như một biện pháp phòng ngừa, tạo nguồn tế bào gốc sẵn có trong trường hợp cần thiết để điều trị cho đứa trẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình trong tương lai.

Tại Việt Nam, hiện có 6 ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn, trong đó, ngân hàng máu cuống rốn Vinmec nổi bật với hệ thống trang thiết bị hiện đại BioArchive của hãng Thermogenesis, cho phép các mẫu tế bào gốc được bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C trong môi trường nitơ lỏng. Đây là điều kiện lưu trữ chuẩn mực, tương đương với các ngân hàng máu cuống rốn hàng đầu thế giới. Vinmec cũng là hệ thống y tế đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và áp dụng thành công tế bào gốc trong điều trị các bệnh như liệt do chấn thương cột sống, bại não, xơ gan, và teo đường mật bẩm sinh, góp phần vào sự tiến bộ của ngành y tế trong nước

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe