Mất ngủ và nội tiết tố

Khi nói đến động cơ để có một giấc ngủ ngon, mọi người thường không nghĩ đến yếu tố nội tiết tố của cơ thể. Tuy nhiên, rối loạn nội tiết tố gây mất ngủ là một nguyên nhân và chính giấc ngủ sẽ cho phép nhiều hormone của cơ thể sản xuất ra để tạo năng lượng, tăng khả năng miễn dịch. Vì vậy, khi hiểu được mối liên hệ giữa hormone với giấc ngủ có thể giúp cải thiện giấc ngủ và sức khỏe của bản thân.

1. Nội tiết tố là gì?

Nội tiết tố của cơ thể giống như các thông điệp hóa học trong máu gây ra sự thay đổi trong tế bào hoặc cơ quan cụ thể và các mô xung quanh. Ví dụ, hormone adrenaline được sản xuất bởi tuyến thượng thận nằm trên thận và giúp cơ thể chuẩn bị phản ứng trong thời gian căng thẳng.

Như vậy, chức năng của hormone là giúp kiểm soát nhiều quá trình của cơ thể, bao gồm tăng trưởng, phát triển, sinh sản, phản ứng với căng thẳng, chuyển hóa và cân bằng năng lượng.

Bên cạnh đó, các hormone cũng có liên quan đến giấc ngủ theo một số cách thức khác nhau. Do đó, khi người bệnh bị mất ngủ, một nguyên nhân cần lưu ý là khả năng do rối loạn nội tiết tố gây mất ngủ.

2. Nội tiết tố ảnh hưởng đến giấc ngủ thông qua mức độ căng thẳng

Một số hormone, chẳng hạn như adrenaline, làm cho trí não luôn cảm thấy tỉnh táo hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi hành động. Điều này khiến cơ thể sẽ khó đi vào giấc ngủ. Để ngăn chặn hậu quả này, tốt nhất mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ, thay vì làm các công việc căng thẳng hoặc tập thể dục cường độ cao.

Mặt khác, khi căng thẳng kéo dài, hormone vỏ thượng thận trong tuyến yên sẽ kích hoạt giải phóng cortisone và cortisol từ tuyến thượng thận. Mức độ hormone vỏ thượng thận có xu hướng cao hơn ở những người mắc chứng mất ngủ so với những người ngủ ngon, từ đó gặp phải tình trạng mất ngủ nội tiết. Điều này cũng cho thấy rằng sự kích thích quá mức và các tác nhân gây căng thẳng liên tục góp phần gây ra chứng mất ngủ.

Trong thực tế, các vận động viên ưu tú có thể thường xuyên cảm thấy khó ngủ vì luôn có xu hướng bài tiết mức cortisol cao suốt cả ngày, kể cả vào buổi tối và sau một ngày luyện tập mệt nhoài.

3. Các hormone được giải phóng trong khi ngủ sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch

Ngủ là thời gian một số hormone của cơ thể được giải phóng vào máu, bao gồm hormone tăng trưởng, rất cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa mô, kể cả ở người lớn.

Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng giúp cân bằng sự thèm ăn của cơ thể bằng cách duy trì mức tối ưu của các hormone ghrelin và leptin. Vì vậy, khi ngủ ít hơn bình thường, mọi người có thể cảm thấy muốn ăn nhiều hơn, từ đó dễ gây tăng cân.

Ngoài ra, giấc ngủ cũng kiểm soát mức độ hormone insulincortisol để khi thức dậy, cơ thể đều cảm thấy đói, thúc đẩy sẵn sàng ăn sáng cũng như sẵn sàng đối mặt với căng thẳng vào ban ngày.

Theo đó, rối loạn nội tiết tố gây mất ngủ không chỉ khiến cơ thể ngủ ít hơn bình thường mà mức prolactin còn có thể mất cân bằng và bị suy giảm hệ thống miễn dịch, khó tập trung và thèm ăn carbohydrate trong ngày.


Các hormone được giải phóng khi ngủ vì vậy rối loạn nội tiết tố mất ngủ
Các hormone được giải phóng khi ngủ vì vậy rối loạn nội tiết tố mất ngủ

4. Nội tiết tố ngăn cản phải thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh

Những thay đổi về mức độ hormone trong khi ngủ, bao gồm cả hàm lượng aldosterone và hormone chống bài niệu cao hơn, tác động trên thận làm tăng tái hấp thu nước, cô đặc nước tiểu, khiến cơ thể không cần đi vệ sinh. Từ đó, bộ não được nghỉ ngơi dài hơn với giấc ngủ sâu hơn, chất lượng hơn.

Ở trẻ em, trong khi hệ thống nội tiết tố vẫn đang phát triển, chứng đái dầm có thể bị ảnh hưởng một phần bởi lượng hormone chống bài niệu thấp.

Đây là lý do vì sao ở những người bị mất ngủ nội tiết thường xuyên đi tiểu liên tục vào ban đêm.

5. Hormone khiến cơ thể cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm

Mức độ hormone cũng ảnh hưởng đến thời gian khi cơ thể cảm thấy buồn ngủ hay thức tỉnh - đồng hồ sinh học hoặc chu kỳ ngủ - thức. Đóng vai trò quan trọng nhất là hormone melatonin được giải phóng khi bóng tối kéo đến và cho cơ thể biết đã đến giờ đi ngủ. Đây là lý do tại sao xung quanh quá nhiều ánh sáng trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ vì nó có thể ngăn chặn việc giải phóng melatonin. Và đó cũng là lý do tại sao những người làm ca đêm thường sẽ bị khó ngủ vào ban ngày.

Mặc dù có sẵn melatonin nhân tạo nhằm chữa rối loạn nội tiết tố mất ngủ, nếu dùng sai liều lượng và không đúng thời điểm trong ngày có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, vì vậy tốt nhất chỉ nên sử dụng melatonin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

6. Hormones đánh thức cơ thể dậy vào buổi sáng

Mức độ hormone cortisol giảm trước khi đi ngủ và tăng vào ban đêm, đạt đỉnh điểm ngay trước khi thức dậy. Điều này hoạt động giống như một tín hiệu đánh thức, kích thích sự thèm ăn và năng lượng trong cơ thể.

Khi phải di chuyển một quãng đường dài, qua nhiều múi giờ khác nhau, chu kỳ ngủ - thức của cơ thể sẽ mất một lúc để điều chỉnh. Vì vậy, mức độ cortisol tăng lên và cảm giác đói có thể xảy ra vào những thời điểm không thích hợp trong ngày.


Rối loạn nội tiết tố mất ngủ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh
Rối loạn nội tiết tố mất ngủ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh

7. Vấn đề rối loạn nội tiết tố mất ngủ và giới tính

Đối với phụ nữ, sự thay đổi của hormone sinh dục ảnh hưởng đến giấc ngủ một cách rõ nét. Thật vậy, mối quan hệ giữa hormone và chu kỳ ngủ - thức ở phụ nữ còn chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt. Ngay trước kỳ kinh của phụ nữ, những thay đổi về nội tiết tố, bao gồm sự sụt giảm đột ngột mức progesterone, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nhiệt độ của cơ thể, do đó có thể làm giảm thời lượng của giấc ngủ “REM”. Đây là giai đoạn của giấc ngủ khi hầu hết các giấc mơ sẽ xảy ra.

Đối với phụ nữ có các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng, mức độ melatonin giảm trước khi đi ngủ ngay trước kỳ kinh nguyệt có thể gây ra giấc ngủ kém, bao gồm thức giấc vào ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày.

Sự thay đổi nồng độ hormone cũng góp phần gây ra những khó khăn khi mang thai. Nồng độ progesterone tăng lên có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Mức độ cao của estrogen và progesterone trong thai kỳ cũng có thể gây sưng mũi và dẫn đến ngủ ngáy.

Cho đến thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen thấp có thể góp phần gây khó ngủ. Sự thay đổi nồng độ hormone có nghĩa là nhiệt độ cơ thể kém ổn định hơn và có thể có sự gia tăng mức adrenaline, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, sự giảm sút của estrogen khiến mỡ trong cơ thể di chuyển nhiều hơn đến vùng dạ dày, điều này làm tăng khả năng phụ nữ mắc chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Đối với nam giới, mức testosterone cao nhất đạt được là trong khi ngủ và cần ngủ ít nhất ba giờ để vươn tới được đỉnh này. Mức độ testosterone thấp ở nam giới, có thể xảy ra với tình trạng thiếu ngủ, lão hóa và các vấn đề về thể chất, có liên quan đến việc giảm hiệu quả giấc ngủ và thay đổi các giai đoạn của giấc ngủ mà nam giới cần trải qua. Chính vì lý do này, bổ sung testosterone có thể được sử dụng như một loại thuốc nhưng lạm dụng lại có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ khác.

Tóm lại, vì các dạng rối loạn nội tiết tố gây mất ngủ, có một thói quen sống lành mạnh, đều đặn hàng ngày có thể hỗ trợ một giấc ngủ ngon. Điều này có thể đạt được bằng cách giảm căng thẳng, tham gia vào các thói quen thư giãn buổi tối trước khi đi ngủ, lên giường và thức dậy đúng giờ. Nếu bị mất ngủ, nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để điều trị cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động bổ sung hormone thích hợp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ, tối ưu hóa sức khỏe của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe