Hỏi
Chào bác sĩ,
Khi con 18 tuổi tự nhiên mặt nổi đầy mụn mủ và tối bắt đầu suy nghĩ rất nhiều làm cho con không ngủ được, sáng thức dậy mệt mỏi uể oải và tình trạng này kéo dài đến bây giờ con đã 29 tuổi. Hiện tại con không còn cảm giác buồn ngủ khi về đêm dù con đi làm mệt đến mấy cũng không buồn ngủ và ngủ cũng không được ngon giấc. Nên con rất ốm và xanh xao chất lượng cuộc sống rất kém, con có lên mạng tìm hiểu và con nghĩ mình có bệnh liên quan về nội tiết. Bác sĩ cho con hỏi mất ngủ, ngủ không ngon giấc là bị làm sao? Con mong bác sĩ có thể cho con xin ý kiến để có thể chữa trị. Con cảm ơn rất nhiều !
Nguyễn Bình Chiêu (1992)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Chào bạn,
Với câu hỏi “Mất ngủ, ngủ không ngon giấc là bị làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh lý giấc ngủ có thể là do các yếu tố bên trong cơ thể (nội tại) hoặc bên ngoài cơ thể (bên ngoài). Các
nguyên nhân gây mất ngủ có thể được đề cấp một cách khái quát như sau:
- Vệ sinh giấc ngủ không thích hợp: Giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi các hành vi nhất định. Chúng bao gồm sử dụng caffein hoặc các chất kích thích khác (đặc biệt gần giờ đi ngủ thậm chí là buổi chiều với những bệnh nhân nhạy cảm). Tập luyện hoặc hưng phấn quá mức (ví dụ: Chương trình truyền hình hấp dẫn) vào cuối buổi tối. Lịch ngủ không đều đặn.
- Rối loạn điều chỉnh giấc ngủ: Những stress cảm xúc đột ngột (ví dụ như mất việc làm, nhập viện) có thể gây mất ngủ.
- Mất ngủ do tâm thần kinh: Mất ngủ bất kể nguyên nhân, có thể dai dẳng kể cả kiểm soát các yếu tố thúc đẩy, thường là vì bệnh nhân cảm thấy lo lắng về một đêm mất ngủ tiếp theo và sau đó là một ngày mệt mỏi.
- Các bệnh lý giấc ngủ thể chất: Bệnh lý về thể chất có thể gây trở ngại cho giấc ngủ, gây mất ngủ: Các bệnh lý gây ra đau hoặc khó chịu (ví dụ, viêm khớp, ung thư, thoát vị đĩa đệm), đặc biệt là những người bệnh tăng khi vận động, gây ra sự thức tỉnh thoáng qua và chất lượng giấc ngủ kém. Các cơn co giật về đêm có thể gây cản trở cho giấc ngủ.
- Bệnh lý giấc ngủ thần kinh: Hầu hết các bệnh lý tâm thần chủ yếu có thể gây mất ngủ và buồn ngủ về ban ngày. Khoảng 80% bệnh nhân trầm cảm nặng phàn nàn có những triệu chứng này. Ngược lại, 40% bệnh mất ngủ mãn tính có bệnh lý tâm thần nặng, thường là rối loạn cảm xúc. Bệnh nhân trầm cảm có thể bị mất ngủ do khó vào giấc ngủ hoặc mất duy trì giấc ngủ. Đôi khi trong trầm cảm giai đoạn rối loạn lưỡng cực và rối loạn cảm giác theo mùa, giấc ngủ không bị gián đoạn, nhưng bệnh nhân phàn nàn về sự mệt mỏi không đỡ vào ban ngày.
- Bệnh lý giấc ngủ do thuốc: Mất ngủ có thể là kết quả của việc sử dụng các chất kích thích thần kinh trung ương (như amphetamin, cafein), thuốc ngủ (ví dụ, benzodiazepine), thuốc an thần khác, chất chống chuyển hóa, chế phẩm hormon, thuốc chống co giật, thuốc tránh thai đường uống, methyldopa, propranolol, rượu và hormon tuyến giáp
Bạn cần khám bệnh với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe một cách toàn diện, chẩn đoán nguyên nhân gây mất ngủ
để có kế hoạch điều trị kịp thời, tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do mất ngủ kéo dài. Tuyệt đối
không được tự ý các thuốc gây ngủ kéo dài.
Một số biện pháp điều chỉnh giấc ngủ:
- Xây dựng thói quen ngủ khoa học giúp tránh được bệnh mất ngủ và giúp giấc ngủ ngon hơn
- Tập luyện cố định thời gian đi ngủ và thức dậy kể cả ngày cuối tuần
- Hoạt động thường xuyên giúp giấc ngủ ngon hơn.
- Kiểm tra thuốc đang sử dụng xem có chứa thành phần gây mất ngủ hay không.
- Hạn chế ngủ vào buổi trưa.
- Tránh sử dụng thức uống có chứa caffeine và không hút thuốc lá.
- Không nên ăn hoặc uống trước khi đi ngủ để không làm gián đoạn giấc ngủ.
- Thay đổi chế độ ăn: Nhiều nghiên cứu cho thấy một số loại thực phẩm có thể giúp dễ ngủ vì có nhiều chất tryptophan như thịt gà tây, sữa, bơ, phô mai, một số loại đậu, ngũ cốc.
- Thuốc bổ sung các vitamin và chất khoáng: Viên thuốc bổ sung các vitamin nhóm B và C có thể giúp giảm stress và lo lắng.
- Thư giãn trước khi vào giấc ngủ có thể là tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc,...
- Tránh sử dụng điện thoại, máy tính, xem tivi quá trễ trước khi ngủ.
Nếu bạn còn thắc mắc về việc mất ngủ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.