Mất kiểm soát bàng quang dễ xuất hiện sau sinh thường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Mất kiểm soát bàng quang hay tiểu không tự chủ sau sinh là một trong những biến chứng của quá trình sinh đẻ. Theo một số nghiên cứu, những người phụ nữ sinh thường theo ngả âm đạo có nguy cơ gặp phải chứng tiểu không kiểm soát cao hơn so với những người phụ nữ được mổ lấy thai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng phẫu thuật lấy thai cũng có những nguy cơ riêng của nó, bao gồm cả tiểu không tự chủ sau sinh. Vì thế, quyết định lựa chọn phương thức sinh đẻ cần có sự đồng thuận giữa ý kiến của các bác sĩ sản phụ khoa và phụ nữ mang thai.

1. Nguyên nhân gây tiểu không kiểm soát sau sinh?

Tiểu không kiểm soát là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ mà những người mới làm mẹ thường gặp phải, thường xuất hiện khi cười, hắt hơi, ho hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động gắng sức nào. Đây là một tình trạng rất phổ biến sau sinh, có thể gặp ở một phần ba trong tổng số những người phụ nữ sau sinh.

Nguyên nhân chính của tiểu không tự chủ sau sinh là do các cơ xung quanh bàng quang và xương chậu bị suy yếu trong suốt quá trình mang thai và chuyển dạ. Thêm vào đó, trong những tuần đầu sau khi sinh, tử cung co lại và nằm đè trực tiếp trên bàng quang, gây cản trở trong mỗi lần đi tiểu. Những thay đổi về nội tiết tố trong và sau khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến bàng quang.

Có thể mất từ ba đến sáu tháng, hoặc thậm chí lâu hơn đối với một số phụ nữ, để lấy lại sự kiểm soát hoàn toàn của bàng quang. Hiện nay có một số phương pháp có khả năng hỗ trợ người phụ nữ khắc phục được tiểu không kiểm soát nhanh hơn.

2. Mất kiểm soát bàng quang sau sinh thường xuất hiện ở phụ nữ sinh thường?


Phụ nữ sinh nở làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Phụ nữ sinh nở làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Mất kiểm soát bàng quang gây tiểu không tự chủ sau sinh là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Quá trình lão hóa, thừa cân, béo phì và sinh nở làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một nhóm nghiên cứu từ Phần Lan đã tiến hành tổng hợp và xem xét dữ liệu từ 16 nghiên cứu khác nhau. Kết quả cuối cùng phát hiện ra rằng sinh thường ngả âm đạo có liên quan đến việc tăng 8% nguy cơ gặp phải chứng tiểu không tự chủ ở người phụ nữ, cao hơn gần hai lần so với những người sinh mổ. Sự căng bàng quang không kiểm soát được sẽ gây ra sự rò rỉ không tự chủ xảy ra trong các trường hợp tăng áp lực ổ bụng, chẳng hạn như khi nhảy, hắt hơi hoặc ho.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng mối liên hệ giữa việc sinh con qua ngả âm đạo và sự mất kiểm soát bàng quang xảy ra mạnh nhất ở phụ nữ trẻ tuổi và sinh đẻ nhiều lần.

Các nhà nghiên cứu Phần Lan phát hiện ra rằng sinh thường ngả âm đạo cũng làm tăng 3% nguy cơ tiểu không kiểm soát so với sinh mổ. Són tiểu hay gặp ở những lần đi tiểu mạnh và đột ngột. Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra phẫu thuật lấy thai có những biến chứng nguy hiểm khác mặc dù nguy cơ gây tiểu không tự chủ sau sinh khá thấp. Những trường hợp mổ lấy thai chủ động làm tăng nguy cơ em bé cần được chăm sóc cấp cứu và nguy cơ phát triển cục máu đông, chảy máu cũng như vỡ tử cung và tăng diện bám bánh nhau trong những lần mang thai tiếp theo. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều quốc gia đã tăng lên đáng kể từ những năm 1970 và hiện chiếm 33% các ca sinh ở Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Jill Rabin là đồng giám đốc chăm sóc cấp cứu cho các Chương trình Sức khỏe Phụ nữ tại Northwell Health ở New Hyde Park, NY. Bà cho biết đánh giá của Phần Lan có một số hạn chế và "rủi ro đối với cả mẹ và con liên quan đến việc sinh nở thường thấp nhưng lại cao hơn đáng kể đối với mổ lấy thai." Do đó, bất kỳ quyết định nào về việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ tự chọn "phải dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về các vấn đề của bà mẹ và thai nhi, và quyết định được đưa ra dựa trên sự thỏa thuận giữa một phụ nữ và bác sĩ của cô ấy," Rabin nói.

Tiến sĩ Elizabeth Kavaler, khoa tiết niệu, cho biết: “Điều quan trọng là phụ nữ phải biết tất cả các nguy cơ và biến chứng tiềm ẩn của việc sinh thường ngả âm đạo so với sinh mổ, để họ và bác sĩ của họ có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bà mẹ và em bé.

3. Các biện pháp giúp phục hồi khả năng đi tiểu bình thường của người phụ nữ sau sinh


Bài tập Kegel giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ sau sinh
Bài tập Kegel giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ sau sinh

Tiểu không tự chủ sau sinh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều phiền toái và làm suy giảm chất lượng cuộc sống đáng kể của người phụ nữ. Một số các trường hợp có thể tự phục hồi mà không cần các can thiệp y tế. Các phương pháp giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi được liệt kê bên dưới:

  • Bài tập Kegel: các bài tập Kegel là một phương pháp có thể được áp dụng để giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ sau sinh. Các bài tập này giúp thắt chặt và tăng cường sức mạnh của các cơ ở sàn chậu. Tăng cường sức mạnh các cơ sàn chậu có thể cải thiện chức năng của niệu đạo và cơ vòng trực tràng. Một cách để luyện tập bài tập Kegel là ngồi trên bồn cầu và bắt đầu đi tiểu, sau đó nín tiểu giữa dòng. Cơ mà bạn sử dụng để ngăn dòng nước tiểu là cơ Kegel. Một cách khác để giúp xác định vị trí của các cơ Kegel là đưa một ngón tay vào âm đạo và cố gắng thắt chặt ngón tay bằng cách siết các cơ vùng đáy chậu. Bài tập Kegel có thể được áp dụng như một phương pháp bảo vệ khỏi són tiểu khi đang ho, hắt hơi, cười hoặc nâng vật nặng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý trong suốt quá trình mang thai. Sự thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên bàng quang.
  • Tập thói quen đi tiểu hợp lý: nên đi tiểu sau mỗi 30 phút - nói cách khác là trước khi bạn có nhu cầu - và sau đó cố gắng kéo dài thời gian giữa các lần đi tiểu trong ngày.
  • Cố gắng tránh táo bón sau sinh, để không gây thêm áp lực cho bàng quang.
  • Tiếp tục uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Việc cắt giảm lượng nước uống vào để kiểm soát việc đi tiểu chỉ khiến cơ thể dễ bị mất nước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm như cà phê, cam quýt, cà chua, nước ngọt và rượu. Những thức ăn này có thể gây kích thích bàng quang và khiến nước tiểu khó kiểm soát hơn.
  • Sử dụng miếng lót có thể giúp hấp thụ nước tiểu bị rò rỉ. Không nên dùng băng vệ sinh vì chúng không có khả năng chặn dòng chảy của nước tiểu.
  • Nếu tình trạng tiểu không kiểm soát không được cải thiện sau khi đã vết thương sau sinh đã lành hoàn toàn, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm kiếm các biện pháp điều trị có hiệu quả hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe