Hỏi
Chào bác sĩ!
Hiện tại em đang mang thai được 22 tuần 2 ngày. Nay em có đi siêu âm, em được bác sĩ kết luận là nhau bám mặt trước thân kéo dài cách mép lỗ trong cổ tử cung 20mm. Vậy bác sĩ cho em hỏi, mang thai 22 tuần có nhau thai bám mặt trước thân kéo dài cách mép cổ tử cung có nguy hiểm không ạ? Mong bác sĩ sẽ sớm phản hồi câu hỏi của em. Em cảm ơn!
Nguyễn Thị Tuyết Hoa (1995)
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Trả lời
Chào bạn!
Bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Mang thai 22 tuần có nhau thai bám mặt trước thân kéo dài cách mép cổ tử cung có nguy hiểm không?” như sau:
Theo kết quả siêu âm mà bạn thông tin thì: Nhau bạn thuộc nhóm III, là nhóm có bờ dưới bánh nhau bám gần cổ tử cung (cách lỗ trong cổ tử cung < hoặc = 20mm) nhưng vị trí bánh nhau có thể cải thiện tốt hơn (bờ dưới bánh nhau sẽ cách xa lỗ trong cổ tử cung hơn) khi tuổi thai càng lớn và tử cung phát triển lớn lên kéo theo vị trí nhau về phía đáy tử cung.
Khi tuổi thai lớn hơn (sau 26 tuần) thì vị trí nhau bám cố định hơn, khi đó những nhau được chẩn đoán thuộc nhóm III trong giai đoạn trước nếu đến giai đoạn này mà bờ dưới bánh nhau không kéo lên được trên 20mm thì cần được chẩn đoán theo các type của nhau tiền đạo:
- Type 1: Nhau bám thấp ( bờ dưới bánh nhau cách lỗ trong cổ tử cung <20mm).
- Type 2: Nhau bám mép ( bờ dưới bánh nhau bám đến mép lỗ trong cổ tử cung).
- Type 3: Nhau tiền đạo bán trung tâm ( bờ dưới bờ nhau bám lấp 1 phần lỗ trong cổ tử cung).
- Type 4: Nhau tiền đạo trung tâm ( bờ dưới bờ nhau bám lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung).
Nhau tiền đạo có thể dẫn đến nguy cơ băng huyết trong thai kỳ và khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi: Mẹ bị thiếu máu, dễ bị sinh non, trường hợp nặng có thể cần cắt tử cung; thai của bà mẹ bị thiếu máu vì ra máu nhiều do nhau tiền đạo có thể bị suy dinh dưỡng, ngôi thai bất thường (ngôi mông,..) do bờ nhau nằm ở phần dưới tử cung làm thai khó xoay đầu,...
Chỉ định mổ lấy thai được đặt ra trong các trường hợp: Nhau tiền đạo ra huyết nhiều bất kể tuổi thai nào, nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành,..
Trên đây bác sĩ đã sơ lược cho bạn hiểu sơ về các từ nhau bám thấp, nhau tiền đạo,... Trường hợp bạn, bờ nhau có thể tiến triển tốt hơn, bạn cần siêu âm đánh giá lại vị trí nhau bám vào lần siêu âm định kỳ kế tiếp (tuần 26) để bác sĩ phân loại vị trí nhau bám cho bạn và có hướng tư vấn cụ thể.
Nếu bạn còn thắc mắc gì thêm, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và được tư vấn cụ thể hơn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Được giải đáp bới Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.