Đau lưng khi mang thai gặp ở phần lớn các thai phụ, cơn đau lưng xuất hiện khá sớm trong thai kỳ và đau tăng dần theo thai kỳ. Khi mới mang thai cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi và đó cũng chính là những nguyên nhân hay gặp gây tình trạng đau lưng. Có nhiều sản phụ chỉ đau nhẹ không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, nhưng cũng không ít sản phụ đau nhiều, dai dẳng gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt.
1. Nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai
Đau lưng là triệu chứng bệnh dễ gặp ở bất kỳ ai đặc biệt là chị em phụ nữ trong thời kỳ mang bầu. Khi thai càng lớn, cơn đau lưng thường có xu hướng tăng lên. Ở giai đoạn đầu mang thai cũng rất thường gặp tình trạng đau lưng.
Những nguyên nhân mang bầu bị đau lưng bao gồm:
- Do thay đổi nội tiết tố
Trong khi mang thai, cơ thể sản phụ sinh ra một hormone gọi là relaxin. Hormone này có tác dụng giãn nở khung chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh sau này, tại các dây chằng, cơ ở vùng xương chậu giãn ra và các khớp trở nên lỏng lẻo hơn. Việc các dây chằng và cơ bị căng giãn gây ra tình trạng đau lưng thường kèm theo đau vùng chậu hông.
- Do căng thẳng, stress
Tình trạng lo lắng, căng thẳng trong quá trình mang bầu cũng sẽ khiến cơn đau lưng thêm nghiêm trọng hơn, do khi căng thẳng làm cho các cơ trong cơ thể không có thời gian thư giãn phục hồi gây đau lưng tăng lên.
- Do thay đổi tư thế
Khi mang thai thai nhi to dần theo thời gian, làm bụng sản phụ to ra, làm thay đổi trọng tâm của cơ thể nên sản phụ phải ngả về phía sau để giữ thăng bằng gây tổn thương cột sống. Kết quả là người phụ nữ dần thay đổi tư thế và dáng đi của mình dẫn đến đau lưng.
- Do tăng cân
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ có những thay đổi rõ rệt. Tăng cân làm tăng gánh nặng cơ thể lên cột sống gây đau lưng.
- Do bệnh lý cột sống
Hay gặp nhất là do đau thần kinh tọa, biểu hiện là sản phụ đau lưng thường lan xuống mông, đùi, bắp chân kèm theo cảm giác tê bì. Đau thường xảy ra ở một bên chân, tăng lên khi đi lại nghỉ ngơi đỡ đau. Những sản phụ đã từng bị đau thần kinh tọa trước đó thì khả năng đau lưng do nguyên nhân này rất hay gặp và tỷ lệ đau lưng cũng cao hơn.
- Do động thai
Biểu hiện kèm theo đau lưng là ra máu âm đạo nâu hay đỏ tươi, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng và đau mỏi vùng thắt lưng. Vậy nên nếu thai phụ bị đau lưng kèm theo những triệu chứng trên thì hãy đến ngay các cơ sở y tế khám để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Thông thường đau lưng hay gặp do các nguyên nhân từ cơ, dây chằng, cột sống hơn là do động thai.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai?
Bị đau lưng khi mang thai 3 tháng đầu là tình trạng gây không ít vất vả, khó khăn cho mẹ bầu giai đoạn này, kèm theo đó là triệu chứng ốm nghén nên nó khiến mẹ bầu rất mệt mỏi. Mẹ bầu có thể áp dụng một số cách dưới đây giúp giảm đau lưng:Tập thể dục nhẹ nhàng: Thường xuyên luyện tập các các bài thể dục nhẹ nhàng, phù hợp như đi bộ, thể dục tay không, yoga, bơi lội...nhằm giúp cơ thể được khỏe mạnh, tăng sức mạnh của cơ, xương khớp chắc khỏe đồng thời những bài tập này còn hỗ trợ mẹ bầu trong quá trình sinh nở được dễ dàng hơn.Thay đổi tư thế:
- Khi đứng nên giữ lưng thẳng để tránh mỏi lưng, khi ngồi hãy ngồi thẳng, ngồi có ghế tựa.
- Nếu muốn lấy đồ dưới đất nên ngồi xuống rồi lấy, tránh tình trạng lưng thẳng, cúi người xuống bởi hành động này sẽ khiến cơn đau tăng nặng.
- Khi ngủ, mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái, thay đổi tư thế sao cho thoải mái nhất tuy nhiên giúp bạn cảm thấy dễ chịu, hạn chế không nên ngủ bằng tư thế nằm ngửa. Hãy đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối và 1 chiếc gối mỏng dưới phần thắt lưng, phần eo sẽ ngủ ngon hơn, nếu mẹ chuẩn bị cho mình gối ôm chuyên dụng cho bà bầu thì tốt hơn.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
Không ăn quá nhiều: Không ăn quá nhiều trong 1 bữa, nên chia thành nhiều bữa nhỏ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cân nặng cơ thể nên tăng đều đều mỗi tháng, tránh tình trạng tăng đột ngột, tăng quá nhiều các chị em nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra.
Không đi giày cao gót: Trong thời kỳ mang bầu chị em không nên đi giày cao gót, mà nên đi đôi giầy bệt, thấp, đi lại vừa chân thoải mái. Vì đi giày cao sẽ khiến cơ thể hướng về phía trước nhiều hơn vì vậy cơn đau lưng cũng sẽ tăng lên, không chỉ thế nó còn gây nguy hiểm cho mẹ nếu chẳng may vấp ngã gây động thai, sảy thai hay sinh non.
Không mang đồ nặng: Không nên mang vác những đồ nặng, gây tăng trọng tải lên cột sống gây đau tăng.
Chườm ấm: Chườm ấm vùng thắt lưng, tắm bằng nước ấm cũng giúp giảm cơn đau lưng khá hiệu quả mà bạn nên áp dụng. Xoa bóp nhẹ và thường xuyên mỗi ngày vùng thắt lưng cũng là biện pháp giảm đau hiệu quả, giúp tăng lưu thông máu và giúp làm mềm cơ.
Bổ sung canxi và magie từ thực phẩm: rau xanh, các loại đậu, sữa... và từ các loại thuốc, thực phẩm chức năng dành cho bà bầu theo chỉ định của bác sĩ để cơ thể phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
Trường hợp đau nhiều không cải thiện khi sử dụng các phương pháp trên, sản phụ có thể tham khảo bác sĩ sử dụng thuốc giảm đau.
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đau lưng trong 3 tháng đầu là tình trạng thường gặp, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một nguy cơ nào đó. Cần đến cơ sở y tế để khám khi đau lưng mà xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Đau lưng kèm các triệu chứng khác như ra máu âm đạo, đau tức bụng dưới cần đi khám ngay vì có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, nhất là trong 3 tháng đầu nguy cơ say thai cao.
- Cảm giác đau buốt hay nóng rát khi đi tiểu, đây có thể là do sỏi hay viêm đường tiết niệu.
- Cơn đau lưng dữ dội, âm ỉ kéo dài không dứt, đau lưng lan rộng ra khắp vùng mông, đùi, cẳng chân.
Đau lưng 3 tháng đầu thai kỳ là tình trạng thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Sản phụ nên áp dụng những phương pháp trên giúp cải thiện tình trạng đau lưng. Tuy nhiên một số trường hợp có kèm dấu hiệu khác sản phụ cần lưu ý để đến bác sĩ khám kịp thời.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, giảm cảm giác đau lưng khi mang thai, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.
Mọi thông tin chi tiết về chương trình thai sản trọn gói 12 tuần và đăng ký khám, Quý Khách có thể liên hệ đến các phòng khám, bệnh viện thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.