Đỡ đẻ là một thao tác cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của bà mẹ mang thai cũng như trẻ sơ sinh. Vì vậy, nếu trong quá trình đỡ đẻ gặp phải những tai biến nguy hiểm hay những tình trạng không dự kiến trước được như bà mẹ đẻ rơi con thì ngay tại lúc đó, bà mẹ cần được xử lý khi đẻ rơi để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm.
1. Đẻ rơi là gì?
Thực tế hiện nay cho thấy còn rất nhiều trường hợp tự đỡ đẻ tại nhà hoặc mời những người đỡ đẻ trong khu vực đến để đỡ đẻ tại nhà. Hoặc cũng có những trường hợp sản phụ được đỡ đẻ ở những môi trường không đảm bảo như nơi làm việc, nhà máy, xí nghiệp, đồng ruộng, trên xe ô tô... dẫn đến tình trạng mẹ đẻ rơi gây ra những mối nguy hiểm rất lớn cho mẹ và bé.
Mẹ đẻ rơi là tình trạng sinh đẻ không nằm trong kế hoạch và không dự đoán trước được, xảy ra ngoài ý muốn và thường diễn ra ở những điều kiện không đảm bảo an toàn. Mặc dù thai phụ đã được xác định ngày sinh dự đoán nhưng trong những giai đoạn cuối của thai kỳ, do có những bất thường đột ngột nên có thể bắt gặp tình trạng bà mẹ đẻ rơi con trên những người phụ nữ mang thai với những vị trí khác nhau và xảy ra trước ngày sinh dự đoán.
2. Xử lý khi đẻ rơi
Khi gặp tình huống bà mẹ đẻ rơi con, việc xử lý khi đẻ rơi là cực kỳ cần thiết, phải được thực hiện khẩn cấp ngay tại chỗ để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra. Việc đầu tiên cần thực hiện trong các bước xử lý và dự phòng đẻ rơi là đưa thai nhi ra khỏi người của thai phụ nhanh nhất có thể. Tiếp theo đó, sẽ có 2 trường hợp diễn ra như sau:
2.1 Có sẵn gói đỡ đẻ sạch
Khi có gói đỡ đẻ sạch thì người xử lý đẻ rơi cần làm theo những bước sau để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và đứa trẻ:
Xé gói đỡ đẻ sạch và sử dụng những dụng cụ trong gói theo những bước sau:
- Trải tấm nilon nơi bà mẹ nằm đẻ rơi, đặt bé nằm vào tấm nilon.
- Lau khô và ủ ấm cơ thể cho bé bằng những vật liệu có sẵn từ người mẹ hoặc người xử trí như khăn, áo...
- Cặp kẹp thứ nhất vào dây rốn nằm cách phân rốn 2cm.
- Vuốt dây rốn từ vị trí cặp kẹp thứ nhất về phía sản phụ rồi tới cặp kẹp thứ hai cách thứ nhất 3cm.
- Không cắt dây rốn.
- Cho mẹ ôm bé để bé không bị nhiễm lạnh.
- Chuyển mẹ và bé đến trạm y tế gần nhất để tiếp tục chăm sóc.
- Tại cơ sở y tế chuyên môn, sản phụ được lấy rau, theo dõi và xử trí chảy máu sau sinh, nhiễm khuẩn sau sinh cũng như tiêm huyết thanh chống uốn ván. Bé sẽ được làm rốn lại.
2.2 Không có sẵn gói đỡ đẻ sạch
Nếu không có gói đỡ đẻ sạch, người xử lý khi đẻ rơi sẽ gặp một số hạn chế những cũng phải tuân theo những bước sau:
- Lau khô, ủ ấm cho bé bằng khăn hay vải có ngay tại thời điểm đó.
- Dùng một sợi dây nhỏ, mềm ngay tại chỗ, có thể là dây rút, dây được xé từ vạt áo... để buộc chặt dây rốn và lưu ý là nên buộc càng xa vị trí bám của dây trên bụng bé càng tốt.
- Không được phép cắt dây rốn.
- Cho mẹ ôm bé để không nhiễm lạnh.
- Chuyển mẹ và bé đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử lý.
- Mẹ được lấy rau thai, theo dõi tình trạng chảy máu sau sinh, nhiễm trùng sau sinh, tiêm huyết thanh chống uốn ván tại cơ sở y tế. Bé được làm lại rốn tương tự như xử lý khi đẻ rơi có gói đỡ đẻ sạch.
Mẹ đẻ rơi là tình trạng sinh đẻ không an toàn cho mẹ và con, không thể dự đoán trước được nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều hiện nay, nhất là ở những khu vực miền núi xa xôi khi người dân vẫn còn giữ những tập quán tự sinh đẻ tại nhà hoặc không có đủ kiến thức về sinh đẻ an toàn, hoặc cũng có thể là những trường hợp ngoài ý muốn. Vì vậy, chúng ta cần biết được cách xử lý khi đẻ rơi để có thể giúp sản phụ cũng nhi trẻ sơ sinh đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đến cơ sở y tế chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: vaccines.gov, who.int