Lưu ý trong sử dụng thuốc giãn phế quản

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, từ đó tăng khẩu kính đường thở, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí oxy và nhận lại khí cacbonic. Các thuốc giãn phế quản có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh lý về đường hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Các loại thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó giúp làm giãn phế quản, tăng khẩu kính đường thở, do đó, không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp. Thuốc giãn phế quản hiện nay đang dùng bao gồm 3 nhóm:

  • Thuốc giãn phế quản nhóm xanthin: nhóm thuốc này có hoạt chất theophylline dùng lâu đời, đây là thuốc có tác dụng nhanh, ngắn, tuy nhiên hiện nay, thuốc được sản xuất dưới dạng phóng thích chậm, do đó tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng.
  • Thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic (gồm 2 nhóm nhỏ hơn: các thuốc tác dụng nhanh, ngắn như fenoterol, salbutamol, terbutaline; các thuốc tác dụng chậm, kéo dài như: salmeterol, bambuterol, formoterol).
  • Thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic (thuốc tác dụng nhanh, ngắn: ipratropium bromide, oxitropium bromide; thuốc tác dụng chậm, kéo dài: tiotropium bromide, aclidinium bromide).

Nhiều thuốc giãn phế quản được sản xuất dưới dạng đơn chất, tuy nhiên, hiện nay có một số thuốc được sản xuất dưới dạng kết hợp 2 thuốc giãn phế quản, thông thường là sự kết hợp giữa một thuốc nhóm kháng cholinergic với một thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic nhằm làm gia tăng tác dụng giãn phế quản.

2. Thuốc giãn phế quản chỉ định trong những trường hợp nào?


Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh
Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh

Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Các bệnh lý thường được chỉ định thuốc giãn phế quản bao gồm:

Trong điều trị các bệnh lý co thắt cơ trơn phế quản, các thuốc giãn phế quản dạng xịt, hít, khí dung (gọi chung là thuốc dạng phun – hít) thường được ưu tiên sử dụng do thuốc đến trực tiếp niêm mạc đường thở nên cho tác dụng nhanh, tối ưu và ít gây tác dụng phụ do liều của thuốc thấp, bên cạnh đó, thuốc lại nằm chủ yếu tại niêm mạc đường thở và chỉ ngấm vào máu với nồng độ rất thấp. Hơn nữa, bản thân các thuốc dạng phun – hít cung cấp thêm một lượng nước vào trong đường thở, có tác dụng làm loãng đờm và tạo thuận lợi cho việc khạc đờm của bệnh nhân.

Trong các thuốc giãn phế quản, các thuốc tác dụng kéo dài thường được ưu tiên dùng cho các trường hợp bệnh giai đoạn ổn định. Do tác dụng giãn phế quản kéo dài của thuốc giúp người bệnh có cảm giác thoải mái suốt cả ngày. Các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, ngắn thường được ưu tiên dùng trong các đợt cấp hoặc khi bệnh nhân có cơn khó thở.

Nhìn chung, các thuốc giãn phế quản thường được kê theo mức độ nặng của bệnh. Nếu bạn có tình trạng co thắt phế quản nặng hoặc những trường hợp có đáp ứng kém với các thuốc giãn phế quản thường được dùng nhiều thuốc giãn phế quản hơn với liều cao hơn, trong khi những bệnh nhân có bệnh ở mức độ nhẹ thường được dùng ít thuốc giãn phế quản hơn.

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc giãn phế quản

Như tất cả thuốc khác, thuốc giãn phế quản dạng uống cũng có một số tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2 – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: run (ví dụ, run bàn tay), căng thẳng thần kinh, đau đầu, chuột rút, cảm giác tim đập mạnh liên hồi (đánh trống ngực).
  • Nhóm Methylxanthines – tác dụng phụ phổ biến bao gồm: đánh trống ngực, cảm giác ốm (buồn nôn), nhức đầu, loạn nhịp tim, co giật.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: giãn mạch ngoại biên, loạn nhịp tim, hạ kali máu, tăng glucose và acid béo tự do trong máu, phản ứng quá mẫn (dị ứng).
  • Dùng đường khí dung có thể gây co thắt phế quản. Dùng nhiều lần sẽ có hiện tượng quen thuốc nhanh do số lượng thụ thể beta 2 adrenergic của phế quản giảm dần (cơ chế điều hòa giảm), bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều.

Để biết các thông tin chi tiết hơn, vui lòng xem trên các tờ rơi đi kèm với thuốc.


Căng thẳng thần kinh, đau đầu có thể là tác dụng phụ của thuốc giãn phế quản
Căng thẳng thần kinh, đau đầu có thể là tác dụng phụ của thuốc giãn phế quản

4. Những lưu ý khi dùng thuốc giãn phế quản

  • Tuân thủ chặt chẽ đơn của thầy thuốc

Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, bạn cần tuân thủ về liều dùng, thời gian và liệu trình dùng thuốc. Cần nhận biết những bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời.

  • Thuốc giãn phế quản không phải là thuốc chữa khó thở

Nhiều người lầm tưởng thuốc giãn phế quản là thuốc chữa khó thở, vì vậy cứ khi thấy khó thở là dùng thuốc giãn phế quản. Việc dùng như vậy đôi khi làm tình trạng bệnh nặng hơn, vì khó thở do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó suy tim là nguyên nhân rất thường gặp gây khó thở. Việc dùng thuốc giãn phế quản cho các trường hợp suy tim có thể làm cho bệnh tình nặng thêm.

  • Thuốc dạng phun - hít được ưu tiên dùng hơn các thuốc dạng uống

Nhiều người vẫn lầm tưởng là thuốc uống hoặc tiêm mới mang lại tác dụng giãn phế quản mạnh, do vậy thường tin tưởng vào thuốc uống hơn là thuốc dạng phun – hít. Tuy nhiên, các thuốc giãn phế quản hầu hết đều được sản xuất dưới dạng phun - hít, ở dạng này, các thuốc giãn phế quản đến trực tiếp niêm mạc đường thở rất nhanh chóng, mang lại tác dụng giãn phế quản nhanh và mạnh, trong khi nồng độ thuốc ngấm vào máu rất ít, do đó rất hiếm khi gây tác dụng phụ. Trong khi đó, thuốc uống phải qua quá trình được ngấm vào máu, sau đó tới phổi, cơ trơn phế quản nên thường không tạo được tác dụng giãn phế quản mạnh, trong khi tác dụng phụ lại nhiều (do nồng độ thuốc trong máu cao).

  • Cần sử dụng thuốc đúng cách

Cùng là thuốc giãn phế quản dạng phun - hít nhưng các nhà sản xuất khác nhau lại sử dụng những dụng cụ phân phối thuốc khác nhau. Bạn cần nắm vững cách sử dụng từng loại dụng cụ phân phối thuốc tương ứng. Các dụng cụ phân phối thuốc thường có trên thị trường hiện nay bao gồm bình xịt định liều, bình hít turbuhaler, bình hít accuhaler, bình hít handihaler và bình hít.

  • Các dụng cụ khác nhau này đều có cách dùng khác nhau.

Để dùng đúng cách với các dụng cụ phân phối thuốc này, khi được kê dùng thuốc bạn cần hỏi kỹ cách sử dụng từng thuốc. Để chắc chắn hơn, sau khi mua thuốc, bạn nên mang lại cho bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc trực tiếp. Hơn nữa bạn nên đọc lại tờ hướng dẫn sử dụng thuốc được để kèm trong hộp thuốc, sau đó mới dùng lại thuốc các lần sau. Dùng thuốc đúng cách vừa đảm bảo hiệu quả điều trị lại tránh lãng phí thuốc.

  • Thuốc giãn phế quản dạng uống có nhiều tác dụng phụ

Các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic thường gây tác dụng phụ như run tay, nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực, một số bệnh nhân có chuột rút. Những người dùng thuốc cường beta 2 đường uống kết hợp corticoid đường uống có thể có hạ kali máu.

  • Thuốc nhóm xanthin thường gây một số biến chứng

Thuốc giãn phế quản nhóm xanthin có tác dụng không mong muốn là làm nhịp tim nhanh, kích ứng niêm mạc dạ dày. Cần rất lưu ý khi dùng thuốc nhóm này vì liều điều trị và liều độc rất gần nhau. Liều tối đa là 10mg/kg/ngày, cần giảm liều khi suy thận, suy gan. Không dùng thuốc nhóm xanthin cùng các kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin) vì nguy cơ gây xoắn đỉnh.

  • Một số thuốc giãn phế quản vẫn có thể gây dị ứng

Các thuốc giãn phế quản dùng theo đường uống gây dị ứng nhiều hơn. Một số thuốc dạng hít cũng có thể gây dị ứng, trong đó biểu hiện dị ứng cần lưu ý là khó thở tăng khi dùng các thuốc dạng phun - hít để chữa khó thở, khi đó, cần dừng ngay và chuyển sang dùng thuốc khác.

  • Thận trọng khi dùng thuốc giãn phế quản trong trường hợp sau:

Cường tuyến giáp, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đái tháo đường...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe