Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em trong nhóm tuổi từ 6 đến 36 tháng bởi đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng yếu, dễ bị virus gây sốt phát ban tấn công. Sốt phát ban hoàn toàn có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà tùy vào tình trạng của trẻ và sự dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
1. Tổng quan về bệnh sốt phát ban
Thông thường chúng ta đều bị một lần sốt phát ban, đối với trẻ nhỏ cũng vậy, nguy cơ mắc sốt phát ban cao hơn người lớn bởi sức đề kháng yếu kém hơn. Sốt phát ban là bệnh lành tính, trẻ hoàn toàn có thể khỏi bệnh và có sức khỏe bình thường nếu được điều trị chăm sóc đúng cách sau 5-7 ngày.
Sốt phát ban ở trẻ nhỏ dễ lây nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là trong môi trường tập thể trẻ đi học thì khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn. Bệnh lây lan thông qua đường hô hấp, ho, hắt hơi, nhảy mũi làm văng nước bọt chứa virus gây bệnh và lây cho nhau. Bởi vậy nên cũng có nhiều trẻ vì sức đề kháng yếu nên hoàn toàn có thể bị sốt phát ban lần hai.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt cao kèm ho, sổ mũi, mắt đỏ vài ngày sau đó xuất hiện phát ban toàn thân, cha mẹ cần nghĩ ngay đến sốt phát ban. Trẻ sẽ quấy khóc, biếng ăn trước khi phát ban xuất hiện. Sau khi phát được ban ra ngoài bề mặt da, trẻ sẽ giảm sốt, giảm quấy khóc. Hiện tượng ban đỏ xuất hiện bắt đầu từ mặt sau đó lan dần ra các bộ phận khác của cơ thể, kéo dài 5- 7 ngày. Thời gian phát ban, trẻ vẫn sốt nhẹ, một số trẻ có thể kèm tiêu chảy, phân lỏng...
Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu trẻ bị sốt phát ban không được điều trị đúng cách, kịp thời, sốt phát ban có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Sốt phát ban có thể gây ra viêm phổi, viêm tai giữa, kiết lỵ và nghiêm trọng hơn là viêm não. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu mà mắc sốt phát ban có thể gây ra hậu quả như sảy thai, sinh non, thai nhi sinh ra có dị tật...
2. Lưu ý khi điều trị sốt phát ban tại nhà
Hạ sốt cho trẻ bị sốt phát ban đúng cách là điều cần làm đầu tiên khi trẻ bị sốt sốt phát ban. Trẻ sốt từ 38 độ, bác sĩ khuyến cáo cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Bên cạnh đó kết hợp lau người cho trẻ bằng nước vừa đủ ấm, hạn chế biến chứng sốt cao gây co giật.
Cha mẹ nên biết cách giảm các triệu chứng kèm theo sốt cho trẻ như ho bằng cách uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như sử dụng tắc chưng đường phèn, gừng hấp mật ong. Lưu thông mũi cho trẻ giúp trẻ dễ thở hơn bằng cách sử dụng nước muối loãng và khăn giấy mềm vệ sinh làm thông mũi cho trẻ.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong tăng cường sức đề kháng và rút ngắn thời gian sốt phát ban cho trẻ nhỏ. Một số chú ý cha mẹ cần biết trong chế độ ăn uống cho con trẻ bị sốt phát ban như sau:
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, cung cấp đủ nước cho trẻ
- Nên chia bữa ăn thành các bữa ăn nhỏ để trẻ dễ hấp thu và nhận tối đa chất dinh dưỡng từ các bữa ăn
- Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, đặc biệt là các loại nước ép trái cây nhằm cung cấp đủ vitamin, cải thiện sức đề kháng trong và sau quá trình sốt phát ban
- Không cho trẻ kiêng ăn trong thời gian sốt bởi rất dễ gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ, cần tìm cách cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng cho trẻ bị sốt phát ban. Các bác sĩ cho biết, thói quen sai lầm mà các cha mẹ hay gặp phải khi con bị sốt phát ban là kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, khiến tình trạng phát ban của trẻ ngày càng trầm trọng hơn, kéo dài và khó khỏi hơn. Việc trùm kín, kiêng gió sẽ khiến trẻ không thể hạ sốt, dễ gây ra co giật do sốt cao không giảm được. Bên cạnh đó, việc kiêng nước, không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ khiến trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da gây biến chứng viêm phổi... Thay vì đó, cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho con bằng nước ấm vừa đủ.
3. Khi nào trẻ sốt phát ban cần được điều trị tại bệnh viện?
Cha mẹ cần lưu ý, sau quá trình chăm sóc hạ sốt tại nhà nhưng trẻ vẫn không hạ sốt, mặc dù đã uống thuốc cần đưa có đến bệnh viện. Đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sức đề kháng yếu và tình trạng phát ban không có chuyển biến tốt sau 3 ngày thì nên được đến viện ngay để điều trị kịp thời.
Tại bệnh viện, bác sĩ điều trị sẽ hỏi về tiền sử bệnh của trẻ, thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán và đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp nhất với tình trạng sốt phát ban của trẻ.
4. Cách phòng ngừa sốt phát ban hiệu quả cho trẻ nhỏ
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường dễ gây bệnh, cách ly với trẻ bệnh sốt phát ban, người lớn mắc bệnh sởi
- Tiêm vắc xin phòng ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia: mũi 1 vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 nhắc lại vắc xin sởi - rubella lúc trẻ 18 tháng tuổi
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể cho trẻ thông qua ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất...
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, các vật dụng xung quanh trẻ cũng nên được giữ gìn sạch sẽ
- Vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.