Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không có thai sau 12 tháng chung sống, giao hợp bình thường mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên đối với trường hợp người vợ trên 35 tuổi thì thời gian không có thai này chỉ khoảng 6 tháng là đã được đánh giá là vô sinh và cặp vợ chống nên thăm khám bác sỹ và làm các xét nghiệm để đánh giá khả năng sinh sản.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ lâm sàng - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1.Vô sinh nữ là như thế nào?
Vô sinh nữ là căn bệnh có thể khiến cho người phụ nữ mất đi khả năng sinh sản và thiên chức được làm mẹ. Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân trong đó có một số nguyên nhân cơ bản thường xảy ra ở buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng. Nếu các nguyên nhân gây bệnh vô sinh ở phụ nữ được phát hiện sớm và điều trị thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
2. Chẩn đoán và xét nghiệm vô sinh nữ
Khả năng sinh sản của phụ nữ phụ thuộc vào buồng trứng có thể giải phóng noãn, vòi tử cung thông để đón nhận noãn và kết hợp với tinh trùng để thụ tinh. Trứng được thụ tinh phải đi đến tử cung và làm tổ ở niêm mạc tử cung để phát triển. Các xét nghiệm về vô sinh nữ có tác dụng cố gắng tìm hiểu xem có bất kỳ quá trình nào trong số đó có bất thường hay không.
Bước đầu tiên trong chẩn đoán và điều trị là thăm khám lâm sàng để phát hiện các bất thường của đường sinh dục như viêm nhiễm, polyp, u xơ tử cung, u buồng trứng...Khai thác tiền sử sản phụ khoa: Tiền sử những lần mang thai trước, các biến chứng của lần mang thai trước, tiền sử kinh nguyệt, các rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn.
Xét nghiệm công thức máu loại trừ các bệnh lý thiếu máu tan máu như thalassemia, chức năng tuyến giáp, prolactin máu.
Khảo sát buồng tử cung và ống dẫn trứng:
- Siêu âm phụ khoa thông thường, siêu âm khảo sát, dựng hình buồng tử cung để phát hiện polyp buồng tử cung, dính buồng tử cung, dị dạng tử cung...
- Chụp tử cung – vòi trứng có cản quang đánh giá ống dẫn trứng.
Đánh giá dự trữ buồng trứng: Một trong những kiểm tra cần làm đối với các cặp đôi có vấn đề về sinh sản là đánh giá dự trữ buồng trứng. Những phụ nữ nhiều tuổi hoặc đã có phẫu thuật buồng trứng trước đây đối mặt với nguy cơ suy giảm chức năng hoặc dự trữ buồng trứng. Các đánh giá thường làm là đo nồng độ AMH và siêu âm đếm nang thứ cấp vào ngày 2 chu kỳ kinh.
Trong một số trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần, người vợ có thể đươc chỉ định các thăm khám đánh giá niêm mạc tử cung như: Xét nghiệm phân tích yếu tố miễn dịch tại chỗ của niêm mạc tử cung (matrice lab), đánh giá của sổ làm tổ (ERA test), nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng khi có chỉ định.
Nội soi thăm dò: Tuỳ thuộc vào các triệu chứng cụ thể bác sĩ có thể yêu cầu soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng. Đây chính là phẫu thuật nhắm mục đích để kiểm tra buồng tử cung cũng như quan sát ngoài tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, kiểm tra xem ống dẫn trứng có bị tắc không.
Không phải ai cũng cần phải có tất cả hoặc nhiều xét nghiệm kể trên. Tuỳ vào tình hình thực tế của người bệnh bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp cho từng trường hợp.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là trung tâm hiện đại hàng đầu Việt Nam được xây dựng và áp dụng quy trình điều trị phối hợp thăm khám toàn diện, kết hợp cả Nam khoa và Sản phụ khoa để đưa ra phương án tối ưu cho từng trường hợp người bệnh. Cho đến nay, trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Vinmec đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho trên 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 40%. Tỷ lệ này tương đương với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia,...Với trình độ chuyên môn cao cùng bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec có khả năng triển khai đồng bộ và toàn diện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của hàng trăm gia đình trên khắp Việt Nam.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, webmd.com