Lưu ý khi theo dõi, chăm sóc một cuộc chuyển dạ thông thường

Khi sản phụ mang thai bình thường, nếu đủ thời gian thai kỳ, sự chuyển dạ sinh nở là một việc tự nhiên. Tuy nhiên trong quá trình chuyển dạ sinh có một số vấn đề có thể phát sinh ảnh hưởng tới mẹ và bé. Để có sự hiểu biết cần thiết, sản phụ và người thân nên trang bị kiến thức đầy đủ về sự chuyển dạ để cùng phối hợp với nhân viên y tế giúp việc sinh đẻ an toàn.

1. Dấu hiệu chuyển dạ

  • Đau bụng từng cơn do sự co bóp của tử cung tăng dần, tần số co bóp tử cung thường đạt 3 cơn trong thời gian 10 phút, mỗi cơn kéo dài trên 20 giây.
  • Sản phụ thấy ra dịch nhầy có máu ở âm đạo
  • Vỡ ối: Thấy dịch trong hay có màu chảy ra ngoài qua đường âm đạo.
  • Thăm khám thấy: cổ tử cung xóa hết hoặc gần hết và đã mở từ 2cm trở lên; Hình thành được đầu ối.

Ngay khi thấy các dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ nên đến các cơ sở tế để được theo dõi, chăm sóc đầy đủ trong suốt quá trình chuyển dạ đến sau khi sinh em bé.

2. Chuyển dạ đẻ thường cần theo dõi những gì?

Khi xuất hiện hiện tượng chuyển dạ, tại cơ sở y tế sản phụ được theo dõi sát các dấu hiệu sau:

2.1 Theo dõi toàn trạng

  • Mạch
  • Trong chuyển dạ bắt mạch 4 giờ/lần.
  • Bình thường mạch 70-80 lần/phút, mạch nhanh 100 lần/phút hoặc chậm 60 lần/phút là dấu hiệu bất thường, nếu đang ở tuyến xã phải hồi sức rồi chuyển tuyến gần nhất.
  • Huyết áp
  • Đo huyết áp: Trong chuyển dạ 4 giờ/lần; phải đo huyết áp thường xuyên khi có chảy máu hoặc mạch nhanh
  • Ở trạm y tế xã, phải chuyển tuyến khi: Huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu trên 90 mmHg hoặc cả hai, cần cho thuốc hạ áp trước khi chuyển; Huyết áp tụt thấp dưới 90/60 mmHg phải hồi sức và chuyển tuyến, nếu tụt quá thấp phải hồi sức và gọi tuyến trên xuống hỗ trợ
  • Tuyến trên cần có biện pháp xử lý đưa huyết áp về mức bình thường hay xử lý các tình huống xấu do huyết áp không bình thường gây ra.
  • Thân nhiệt
  • Đo thân nhiệt 4 giờ/lần, trường hợp ối vỡ theo dõi 2 giờ/ lần.
  • Bình thường 37oC. Khi nhiệt độ 38oC, nếu ở tuyến xã, giảm nhiệt độ bằng các phương tiện đơn giản (ví dụ chườm ấm, cho sản phụ uống đủ nước...), chuyển tuyến khi xử trí không kết quả.
  • Quan sát diễn biến toàn trạng: Nếu bà mẹ mệt lả, kiệt sức, vật vã, khó thở cần có xử trí thích hợp.

2.2 Theo dõi cơn co tử cung

  • Theo dõi độ dài một cơn co và tử cung khoảng cách giữa 2 cơn co. Theo dõi cơn co tử cung bằng tay hoặc bằng monitor
  • Trong pha tiềm tàng đo 1 giờ/lần trong 10 phút, pha tích cực 30 phút/lần trong 10 phút
  • Rối loạn cơ co khi: Cơn co tử cung quá ngắn (< 20 giây), quá dài (> 60 giây) hoặc rối loạn (tần số < 2 hoặc > 4).

Theo dõi cơn co tử cung bằng monitor
Theo dõi cơn co tử cung bằng monitor

2.3 Theo dõi nhịp tim thai

  • Nghe tim thai ít nhất 1 giờ/lần ở pha tiềm tàng, 30 phút/lần ở pha tích cực. Nghe tim thai trước và sau vỡ ối hay khi bấm ối.
  • Thời điểm nghe tim thai là sau khi hết cơn co tử cung. Đến giai đoạn rặn đẻ nghe tim thai sau mỗi cơn rặn.
  • Đếm nhịp tim thai trong 1 phút, nhận xét nhịp tim thai có đều hay không.
  • Nhịp tim thai trung bình từ 120-160 lần/phút. Nếu nhịp tim thai trên 160 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút hoặc không đều thì cần có biện pháp xử lý. Đây là biểu hiện tình trạng suy thai.

2.4 Theo dõi tình trạng ối

  • Nhận xét tình trạng ối mỗi lần thăm âm đạo (4 giờ/lần) và khi ối vỡ.
  • Bình thường đầu ối dẹt, nước ối có thể trong hay trắng đục.
  • Nếu nước ối màu xanh, màu đỏ hoặc nâu đen, hôi, đa ối, thiểu ối ở xã đều phải chuyển tuyến. Ở tuyến trên tìm nguyên nhân để xử trí thích hợp.
  • Ối vỡ đúng lúc khi cổ tử cung mở ≥ 5cm, Ối vỡ sớm khi có chuyển dạ thật sự nhưng vỡ chưa đúng lúc, Ối vỡ non khi chưa có chuyển dạ thật sự.
  • Nếu ối vỡ non, ối vỡ sớm trên 6 giờ chưa đẻ, ở xã cho kháng sinh rồi chuyển tuyến. Ở các tuyến trên cần tìm nguyên nhân để xử trí.

2.5 Theo dõi mức độ xóa mở cổ tử cung

  • Pha tiềm tàng kéo dài 8 giờ (từ khi cổ tử cung xóa đến mở 3 cm). Theo dõi mỗi 4 giờ/ lần, hoặc khi cơn co tử cung tăng dần, khi sản phụ đau nhiều.
  • Pha tích cực kéo dài tối đa 7 giờ (từ khi cổ tử cung mở 3cm đến 10cm). Theo dõi mỗi 2 giờ/ lần; Cổ tử cung gần trọn đến trọn (7 – 10 cm) 15 phút khám 1 lần hoặc ngay khi sản phụ muốn rặn.
  • Trường hợp cuộc chuyển dạ tiến triển nhanh, có thể thăm âm đạo để đánh giá cổ tử cung, độ lọt của ngôi. Cần hạn chế thăm âm đạo để tránh nhiễm khuẩn.
  • Bình thường cổ tử cung mềm, mỏng, không phù nề.
  • Nếu cổ tử cung không tiến triển, phù nề, cổ tử cung mở hết mà đầu không lọt, tuyến xã phải chuyển lên tuyến trên, nơi có điều kiện phẫu thuật.

2.6 Theo dõi mức độ tiến triển của ngôi thai

  • Phải đánh giá mức độ tiến triển của đầu thai nhi bằng cách nắn ngoài thành bụng và thăm âm đạo. Có 4 mức: Đầu cao lỏng, đầu chúc, đầu chặt và đầu lọt. Khi đầu đã lọt, có 3 mức: lọt cao, lọt trung bình và lọt thấp.
  • Ghi độ lọt vào biểu đồ chuyển dạ. Phát hiện sớm chuyển dạ đình trệ.
  • Nếu ngôi thai không tiến triển, tuyến xã phải chuyển tuyến có điều kiện phẫu thuật.

Theo dõi tiến triển của ngôi thai bằng máy siêu âm
Theo dõi tiến triển của ngôi thai bằng máy siêu âm

3. Những điều bất thường xảy ra khi chuyển dạ

Khi theo dõi nhận diện các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, nếu ở tuyến xã cần chuyển lên tuyến trên có đầy đủ trang thiết bị và nhân lực để xử lý bất thường.

  • Mạch: Trên 100 lần/phút, dưới 60 lần/phút.
  • Huyết áp: Huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc dƣới 90 mmHg. Huyết áp tâm trương trên 90 mmHg hoặc dưới 60 mmHg.
  • Nhiệt độ: 38oC trở lên.
  • Toàn trạng: Rất mệt mỏi, khó thở, da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Có dấu hiệu suy thai: Nước ối có lẫn phân su hoặc máu, nhịp tim thai nhanh (trên 160 lần/phút), chậm (dưới 120 lần/phút) hoặc không đều (lúc nhanh lúc chậm).
  • Các dấu hiệu nhiễm khuẩn ối.
  • Có cơn co bất thường: Quá dài (trên 1 phút), quá ngắn (dưới 20 giây), quá mau (trên 5 cơn trong 10 phút), có liên quan đến tiến triển chậm của cổ tử cung.
  • Bất tương xứng giữa khung chậu và đầu thai nhi: Đầu không lọt, có hiện tượng chồng khớp sọ từ độ 2 trở lên.
  • Chuyển dạ kéo dài: Pha tiềm tàng kéo dài (trên 8 giờ); pha tích cực trì trệ (mở dưới 1cm/giờ).
  • Các bệnh toàn thân nặng.
  • Sản giật, tiền sản giật.
  • Chảy máu trong khi chuyển dạ.
  • Ngôi thai bất thường, nhiều thai, đa ối, thiểu ối và thai quá ngày sinh.

4. Chăm sóc sản phụ trong quá trình chuyển dạ đẻ thường

4.1 Pha tiềm tàng

  • Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
  • Nên vận động nhẹ nhàng, trừ khi: Đang truyền dịch, ối vỡ sớm, bệnh lý...
  • Thay băng thường xuyên, quan sát màu sắc nước ối (đối với ối vỡ sớm)
  • Báo cho nhân viên y tế biết có dấu hiệu bất thường (ra nước, huyết âm đạo)
  • Nhân viên y tế hướng dẫn cách hít thở, rặn, nghỉ ngơi để thai phụ kiểm soát cơn đau

4.2 Pha tích cực

  • Chế độ dinh dưỡng: Ăn cháo
  • Vệ sinh tầng sinh môn, âm hộ chuẩn bị cho quá trình sinh.
  • Nhân viên y tế hướng dẫn cách hít thở, rặn, nghỉ ngơi để thai phụ kiểm soát cơn đau.

Dịch vụ thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Dịch vụ thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Quá trình chuyển dạ là tự nhiên nhưng luôn tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Trên đây là những kiến thức cơ bản giúp sản phụ có thể phối hợp cùng nhân viên y tế nhận diện các dấu hiệu bất thường.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe