Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Glyceryl trinitrat là loại thuốc có tác dụng làm giãn mạch, phòng và chữa các bệnh lý tim mạch, đau thắt ngực. Sau khi được sử dụng, thuốc Glyceryl trinitrat từ dưới lưỡi sẽ được hấp thu nhanh vào máu và giúp giảm đau trong vòng vài phút. Bệnh nhân điều trị đau thắt ngực bằng Glyceryl trinitrat cần có chỉ định từ bác sĩ, nếu không dùng đúng thuốc sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
1. Đau thắt ngực là gì?
Những cơn đau thắt ngực thường xuất phát từ tim do người bệnh bị hẹp động mạch vành của tim, dẫn đến lượng máu để nuôi tim không đủ và làm cho tim bị thiếu oxy để bơm máu, gây ra cảm giác đau, khó chịu cho người bệnh. Cơn đau thắt ngực có thể bắt đầu ở ngực và lan đến lưng, cổ, vai trái và cả xuống cánh tay trái.
Điều trị đau thắt ngực thông thường bao gồm một loại thuốc statin để giúp người bệnh giảm cholesterol máu và aspirin liều thấp để giúp ngăn ngừa cơn đau tim, thuốc ức chế beta để giúp bảo vệ tim và ngăn ngừa cơn đau thắt ngực. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định nong mạch vành hoặc phẫu thuật để mở rộng, hoặc để bắc cầu qua động mạch bị hẹp.
2. Thận trọng khi điều trị đau thắt ngực bằng thuốc Glyceryl trinitrat
Glyceryl trinitrat là loại thuốc giãn tĩnh mạch, thường được chỉ định cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, đau thắt ngực, giúp làm giảm cơn đau nhanh chóng ở người bệnh. Tuy nhiên, vì là thuốc nên người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng để tránh gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.1 Thận trọng khi chọn thuốc Glyceryl trinitrat
Thuốc Glyceryl trinitrat ở liều trung bình sẽ làm giãn tĩnh mạch và làm giảm lượng máu về tim, giúp giảm áp lực trong buồng tim và giãn tĩnh mạch ở các tiểu động mạch.
Nếu sử dụng ở liều thấp, Glyceryl trinitrat có sự phân bố chậm và đều nên sẽ không gây hạ huyết áp động mạch và không gây ra nhịp tim nhanh phản xạ.
Nếu sử dụng thuốc Glyceryl trinitrat ở liều cao sẽ gây giãn các tiểu động mạch và giảm huyết áp động mạch ở người bệnh, gây ra các phản xạ giao cảm làm tim đập nhanh hơn:
- Đối với Glyceryl trinitrat dạng tiêm thì sẽ chuyển hóa rất nhanh tại gan của người bệnh và đào thải qua thận dưới dạng chất trung gian;
- Glyceryl trinitrat điều trị đau thắt ngực ở dạng ngậm dưới lưỡi sẽ có sự hấp thu rất nhanh, hoàn toàn và chỉ sau khoảng 2 phút sẽ đạt nồng độ đỉnh, ngấm nhanh vào các cơ trơn thành mạch gây hiệu lực, kéo dài hiệu lực tới 30 phút;
- Glyceryl trinitrat ở dạng phun mù sẽ đạt được nồng độ đỉnh sau khoảng 5 phút.
Thuốc Glyceryl trinitrat dạng tiêm, dạng ngậm dưới lưỡi và dạng phun mù có tác dụng nhanh, thích hợp cho việc điều trị đau thắt ngực cấp cứu. Còn đối với thuốc Glyceryl trinitrat dạng dán (vào ngực) thì có thể giải phóng đều trong vòng 24 giờ nhưng lại giảm tác dụng rất nhanh sau khi ngừng dán. Dạng thuốc này có tác dụng chậm hơn nhưng đều đặn hơn, thích hợp cho dự phòng.
Khi điều trị đau thắt ngực cho người bệnh, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở bệnh nhân để lựa chọn liều thuốc vào dạng thuốc phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
2.2 Thận trọng về liều lượng thuốc Glyceryl trinitrat
Thuốc Glyceryl trinitrat có thể phát huy tác dụng là do sinh ra oxit nitric. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, oxit nitric lại là một chất độc gây hại cho máu và giãn mạch gây hạ huyết áp, chính vì thế, nếu người bệnh đau thắt ngực dùng Glyceryl trinitrat quá liều sẽ rất nguy hiểm.
Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể bị hạ huyết áp nhanh, nhịp tim nhanh, đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, chóng mặt, đau quặn bụng, buồn nôn, tăng áp lực nội sọ, trụy mạch....
2.3 Thận trọng về cách dùng Glyceryl trinitrat
Đối với thuốc Glyceryl trinitrat có tác dụng kéo dài, cần sử dụng đầu tiên với liều thấp và rồi tăng liều từ từ, bởi nếu dùng ngay liều cao có thể khiến người bệnh đau thắt ngực bị hạ huyết áp động mạch đột ngột và nhức đầu dữ dội.
Người bệnh tuyệt đối phải tuân theo liều lượng, cách sử dụng của bác sĩ, nên chia liều trong ngày thành 2-3 lần dùng.
Nếu đang dùng Glyceryl trinitrat liều cao thì không nên ngừng thuốc đột ngột, bên cạnh đó việc dùng thuốc liên tục có thể khiến cơ thể bị nhờn thuốc.
2.4 Thận trọng với các tương tác
Nếu dùng thuốc Glyceryl trinitrat đồng thời với các loại thuốc có tác dụng hạ huyết áp thì sẽ làm cho huyết áp bị giảm mạnh. Do vậy, nếu bắt buộc phải phối hợp thuốc thì cần phải cân nhắc kỹ liều và liều khởi đầu phải thấp.
Người bệnh lưu ý trong thời gian sử dụng thuốc Glyceryl trinitrat điều trị đau thắt ngực thì không được uống rượu.
Sau khi sử dụng thuốc Glyceryl trinitrat, người bệnh nên ngồi hoặc nằm để nghỉ ngơi, đặc biệt thận trọng trong các trường hợp người bệnh bị suy gan, suy thận nặng, suy dinh dưỡng hay cường tuyến giáp.
3. Cần làm gì để giảm nguy cơ đau thắt ngực?
Trong cuộc sống, có rất nhiều yếu tố có khả năng khiến cơ thể hình thành các mảng xơ vữa và gây ra bệnh đau thắt ngực cho người bệnh. Để giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này, cần phải:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá;
- Đối với người bệnh đau thắt ngực, cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên mỗi năm 1 lần, nếu bị tăng huyết áp thì cần điều trị ngay;
- Đối với người thừa cân, béo phì, nên giảm cân để làm giảm gánh nặng cho tim;
- Cần điều trị nếu cholesterol ở mức cao;
- Hình thành thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày và xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, lành mạnh.
Tóm lại, đau thắt ngực là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, khi điều trị đau thắt ngực thì người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc để không gặp phải hậu quả đáng tiếc, làm giảm tác dụng của thuốc.
Ths.BS. Nguyễn Tung Hoành có kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim mạch: Tăng huyết áp, các Bệnh lý mạch máu ngoại biên, các bệnh động mạch vành cấp và mạn tính,..ngoài ra bác sĩ còn điều trị các bệnh lý đi kèm như: Đái tháo đường, Cường giáp, Suy giáp, Các bệnh lý về thận, bệnh lý hô hấp,.. Hiện tại bác sĩ Hoành đang là bác sĩ Tim mạch can thiệp tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.