Lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

Sử dụng thuốc chống trầm cảm cùng liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị trầm cảm hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm, người bệnh cần lưu ý một số điều để kịp thời thông báo với bác sĩ và có phương án xử trí.

1. Các loại thuốc chống trầm cảm

Để đạt hiệu quả cao trong điều trị trầm cảm, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh phối hợp 2 nhóm thuốc trầm cảm với các loại thuốc có tác dụng chống rối loạn lo âu, loạn thần. Dưới đây là các nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm.

  • Nhóm SSRI (gồm các thuốc như sertraline, paroxetine, fluoxetine, citalopram,...):

Nhóm này có tác dụng ức chế tái hấp thu một cách có chọn lọc serotonin - chất dẫn truyền thần kinh ở não để làm giảm những triệu chứng của bệnh trầm cảm. So với các loại thuốc trầm cảm khác, nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến vì mang lại hiệu quả cao và ít gây tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể kể đến như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, khô miệng, sụt cân, mất ngủ, chức năng tình dục bị rối loạn ...

  • Nhóm SNRI (gồm các thuốc như venlafaxine, duloxetine, desvenlafaxine,...):

Có tác dụng ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine - những chất dẫn truyền thần kinh ở não. Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc chống trầm cảm này như chóng mặt, buồn nôn, táo bón, đổ mồ hôi, chức năng tình dục bị rối loạn.

  • Nhóm TCA (gồm các thuốc như imipramine, doxepin, desipramine, amitriptyline,...):

Thuốc nhóm TCA (doxepin)
Thuốc nhóm TCA (doxepin)

Có tác dụng ức chế tái hấp thu các chất serotonin, norepinephrine và các thụ thể alpha-adrenergic, histamine H1, muscarinic M1. Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng, nhóm này ít được sử dụng vì gây nhiều tác dụng phụ mặc dù hiệu quả điều trị cao. Các tác dụng phụ thường thấy của nhóm thuốc này là mờ mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, táo bón, khô miệng, bí tiểu, nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, chức năng tình dục bị rối loạn, ...


Thuốc mirtazapin
Thuốc mirtazapin

  • Nhóm MAOI (gồm các thuốc như isocarboxazid, phenelzine, tranylcypromine,...):

Có tác dụng ức chế khả năng hoạt động của enzym monoamin oxydase - loại enzym có nhiệm vụ phá vỡ những chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, norepinephrine và dopamin. Trong trường hợp các nhóm thuốc trên không đạt hiệu quả, nhóm thuốc trầm cảm này mới được sử dụng vì có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng cân, hạ huyết áp tư thế, chức năng tình dục bị rối loạn.

  • Nhóm Atypical antidepressants (gồm các thuốc như trazodone, mirtazapin, bupropion, ...):

Có tác dụng làm ảnh hưởng đến các chất serotonin, norepinephrine và dopamine trong não. Đây là nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, hạ huyết áp, khô miệng, táo bón, ...

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm

Mặc dù việc sử dụng thuốc chống trầm cảm như thế nào là do bác sĩ chỉ định, tuy nhiên bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Nếu thấy xuất hiện một trong các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, táo bón, khô miệng, buồn ngủ (vào ban ngày), bị kích động, căng thẳng, giảm chức năng tình dục, ... thì cần báo cho bác sĩ đang điều trị để kiểm tra các biểu hiện này có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không.
  • Việc sử dụng thuốc trầm cảm trên nhóm đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ bởi thuốc có khả năng làm các triệu chứng của bệnh nặng hơn (như mất ngủ, dễ bị kích động), nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ có ý định hoặc suy nghĩ về vấn đề tự tử.
  • Ở những bệnh nhân bị trầm cảm là người cao tuổi với các biểu hiện như ít ngủ, suy giảm trí nhớ, thường xuyên lo lắng, buồn rầu,... dẫn đến việc khó phát hiện bệnh. Do đó, người bệnh cần được phát hiện sớm, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Tư vấn sử dụng thuốc trước khi dùng
Tư vấn sử dụng thuốc trước khi dùng

  • Nếu trong 3 tháng sử dụng thuốc không mà các triệu chứng của bệnh không cải thiện thì nên cân nhắc việc dùng thuốc chống trầm cảm vì bệnh có thể trở nặng hơn hoặc do thuốc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Ngoài các tiêu chí như hiệu quả điều trị cao, ít gây tác dụng phụ, việc chọn lựa và chỉ định thuốc cũng cần phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh (bệnh lý khác đi kèm), các loại thuốc tâm thần đã từng và đang sử dụng. Do đó, người bệnh cần thông tin đầy đủ đến bác sĩ để được tư vấn thuốc phù hợp.
  • Nếu ngưng hoặc giảm liều sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột, nhanh chóng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, đổ mồ hôi, co cơ, mất ngủ, tăng huyết áp, tim đập nhanh,... Do đó, nếu muốn ngưng thuốc, đặc biệt là những thuốc có thời gian bán hủy ngắn thì cần giảm liều sử dụng từ từ và từng bước.

Để có hiệu quả điều trị trầm cảm cao, người bệnh cần thăm khám sớm các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là các bệnh nhân cao tuổi, đồng thời ghi nhớ các lưu ý khi sử dụng thuốc đã đề cập trên đây.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe