U máu đa phần là u lành tính thường xuất hiện khi mới sinh ra và có thể thoái triển dần qua nhiều năm. Nguyên nhân thực chất là do quá trình tăng sinh máu mất kiểm soát. Gần đây, Propranolol đã được công nhận là một trong những thuốc điều trị u máu hiệu quả. Vậy lưu ý khi sử dụng thuốc Propranolol 40mg điều trị u máu là gì?
1. U máu là gì?
U máu là khối u thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, những vết bớt có hình dáng như trái dâu (strawberry marks) với tỉ lệ xuất hiện ở trẻ sơ sinh lên tới 10% và thường gặp ở các bé gái nhiều hơn bé trai. Mặc dù vậy, không phải lúc nào trường hợp u máu nào cũng cần được điều trị bởi khối u sẽ mất dần sau một khoảng thời gian. Trong vài trường hợp u máu có ảnh hưởng đến các hoạt động khác cơ thể trẻ thì sẽ được điều trị nhằm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Dựa vào cơ chế hình thành mà u máu được chia làm 2 loại:
- U máu tế bào nội mạc mạch máu: Là u máu xuất hiện ngay khi trẻ mới chào đời, phát triển nhanh và có thể thoái triển khi trẻ lên 5 - 7 tuổi. Sự hình thành u máu là do tăng sinh của các tế bào nội mạc và các tế bào lát thành mạch máu tạo thành các ống mạch máu mới. Tỉ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn gấp 3 lần so với bé gái
- U dị dạng mạch máu: Là tình trạng u máu do các nhóm động - tĩnh mạch và các bạch mạch dị dạng. Tình trạng này thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành do sự hình thành các tế bào nội mạc không tăng sinh và không tạo ra các ống mạch máu mới. Trường hợp trẻ em bị dị dạng mạch máu mà không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ như nhiễm trùng, viêm loét, suy tim, thậm chí hoại tử một số vùng vì không có máu nuôi dưỡng, tắc nghẽn đường thở,...
Dựa vào vị trí u máu có thể chia làm 2 loại:
- U máu trên da: Thường xuất hiện trước khi em bé chào đời, các mạch máu tích tụ bất thường tại một vùng trên hoặc dưới bề mặt da. Thông thường khối u máu sẽ xuất hiện ở vùng cổ, mặt hoặc sau tai với biểu hiện đặc trưng là những nốt nổi trên bề mặt da có màu đỏ như nốt ruồi son nhưng kích thước tăng dần theo độ tuổi của trẻ. Một số trường hợp các nốt nhỏ có thể phát triển thành các u lớn hoặc các mảng da màu đỏ. U máu trên da thường biểu hiện 2 dạng là u máu thể hang và u máu mao mạch
- U máu nội tạng: Là các khối u máu xuất hiện tại các cơ quan trong cơ thể, hầu hết xuất hiện tại gan. U máu có thể nằm trong gan hoặc trên bề mặt gan, trong đó u máu trên gan nhạy cảm với nội tiết tố estrogen, vì vậy việc sử dụng thuốc tránh thai trong khi đang mang thai có thể làm tăng kích thước của khối u máu.
2. Điều trị u máu như thế nào?
Việc điều trị u máu phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của u, vị trí và mức độ ảnh hưởng của các khối u mạch máu. Các nguyên tắc điều trị u máu ở trẻ em như sau:
- Các tổn thương da đơn lẻ hoặc nhiều vùng da trên mặt đặc biệt là những vùng dễ ảnh hưởng đến chức năng như mi mắt, gần lỗ mũi, môi,... được tìm thấy sau khi sinh cần được điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự tiến triển sang giai đoạn tăng sinh
- Các u máu giai đoạn tăng sinh cần được điều trị từng bước, bao gồm điều trị bằng nội khoa như corticosteroid đường uống, alpha interferon (IFN- alpha), imiquimod, propranolol, kháng sinh chống ung thư (bleomycin, vincristine) hoặc một số thuốc khác: Cyclophosphamide, PDGF, liệu pháp laser, liệu pháp gây xơ cứng
- Can thiệp phẫu thuật cắt bỏ chỉ nên áp dụng với các tổn thương còn sót lại, sẹo phì đại, mảng rối loạn sắc tố và những trường hợp ảnh hưởng đến chức năng mà các phương pháp kia không hiệu quả
- Đối với các tổn thương còn lại của u mạch máu không xâm lấn, có thể chỉ định chờ đợi và theo dõi, phẫu thuật cắt bỏ hoặc laser
3. Ứng dụng điều trị u máu bằng propranolol
Propranolol là thuốc đối kháng thụ thể beta- adrenergic có tác dụng gây co mạch, làm giảm màu sắc của u mạch máu. Hiệu quả chính của propranolol là thay đổi quá trình tạo mạch trong u mạch máu. Quá trình điều hoà sự phát triển của u mạch máu liên quan đến yếu tố phát triển nguyên bào sợi (bFGF) và yếu tố phát triển nội mạch (VEGF).Ngoài ra, chất đối vận beta-adrenergic có thể cắt bỏ tín hiệu của thụ thể catecholamin, làm giảm AMP vòng và nồng độ VEGF, hơn nữa có thể làm tiêu các u mạch do kích hoạt chương trình chết tế bào ở nội mô.
Về dược động học, propranolol được hấp thu tốt qua đường uống, nhưng chịu sự chuyển hoá qua gan lần đầu rất đáng kể. Nồng độ đỉnh của thuốc đạt được trong huyết tương sau 1 - 4 giờ dùng thuốc. Dùng chung propranolol với thức ăn nhiều đạm sẽ làm tăng sinh khả dụng của thuốc do propranolol gắn kết với protein huyết tương cao. Thời gian bán thải trung bình của thuốc ở người lớn là 2 - 6 giờ.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc propranolol 40mg điều trị u máu ở trẻ em
- Propranolol có thể làm giảm chức năng tim ở bệnh nhi có u mạch lớn hay u mạch máu lan tỏa nên cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ. Propranolol sử dụng thận trọng ở bệnh nhân rối loạn chức năng gan thận, bệnh nhân tim mạch, hen suyễn, tiểu đường và tăng nhãn áp.
- Nên khởi đầu điều trị với liều 0.5 - 1mg/ kg/ ngày (chia 3 lần) nếu dung nạp tốt có thể tăng liều lên 2 - 3mg/ kg/ ngày. Tiếp tục điều trị trong 6 - 12 tháng, điều chỉnh liều dùng hàng ngày dựa trên cân nặng. Giảm 50% liều dùng trong 1 - 2 tuần trước khi ngưng thuốc
- Các tác dụng phụ chủ yếu propranolol gây ra cho trẻ em bao gồm: Ngủ gà, tăng huyết áp, chậm nhịp tim, co thắt phế quản và hạ đường huyết. Các phản ứng này đáp ứng với sự giảm liều và không cần ngưng thuốc
- Phenobarbital, phenytoin, rifampicin có thể làm tăng chuyển hoá propranolol, do đó làm giảm nồng độ thuốc huyết thanh, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị
- Propranolol nên được chỉ định thận trọng cho bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống loạn nhịp và các thuốc chỉnh huyết áp khác. Propranolol làm tăng nồng độ của thuốc diazepam, warfarin, làm giảm nồng độ của lovastatin và pravastatin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.