Lưu ý khi dùng thuốc Oraptic 40mg

Oraptic 40mg là thuốc tiêm, có thành phần chính Omeprazol 40mg, dùng trong điều trị một số bệnh đường tiêu hóa. Cùng tìm hiểu một số lưu ý khi dùng thuốc Oraptic 40mg thông qua bài viết dưới đây.

1. Oraptic 40mg là thuốc gì?

Oraptic 40mg là thuốc đường tiêu hóa có chức năng ức chế bơm proton. Oraptic 40mg được bào chế dưới dạng thuốc tiêm đông khô và được sản xuất bởi Công ty Dược & trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR) của Việt Nam.

1.1 Thành phần thuốc Oraptic

Thành phần hoạt chất chính: Omeprazol (Omeprazol natri) ................... 40mg.

Thành phần có trong ống dung môi:

  • Acid citric monohydrat ....................................... 5mg.
  • PEG 400 ......................................................... 4g.
  • Nước cất pha tiêm vđ ........................................ 10 ml.

1.2 Chỉ định của thuốc Oraptic 40mg

Oraptic 40mg là thuốc kê đơn, được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, Oraptic 40mg được dùng trong điều trị một số tình trạng bệnh lý như:

1.3 Chống chỉ định của thuốc Oraptic 40mg

Oraptic 40mg chống chỉ định với một số trường hợp như sau:

  • Người bệnh quá mẫn với các Benzimidazol khác như: Etonitazene, Galeterone, Mavatrep, Dovitinib, Albendazole và Mebendazole,...hoặc bất kì thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh có u ác tính.
  • Phụ nữ đang cho con bú.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Oraptic 40mg

Liều dùng Oraptic được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ chuyên môn. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ để đạt hiệu quả cao trong điều trị.

2.1 Liều dùng thuốc Oraptic 40

Liều điều trị ở người lớn khi sử dụng đường uống không hiệu quả:

  • Tiêm tĩnh mạch 40mg x 1 lần/ 24 giờ cho người bệnh không uống được thuốc.
  • Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Tiêm tĩnh mạch 60mg/ ngày. Trường hợp nặng có thể tăng liều, tùy theo đáp ứng của cơ thể. Trong trường hợp sử dụng liều cao hơn 60mg/ 24 giờ thì cần chia ra 2 lần/ ngày.

Liều điều trị ở người suy thận:

  • Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân bị suy thận.

Liều điều trị ở người suy gan:

  • Đối với người bệnh suy gan, có thể áp dụng liều hàng ngày 10 – 20mg.

Liều điều trị ở người cao tuổi (> 65 tuổi):

  • Không cần hiệu chỉnh liều với đối tượng người cao tuổi.

Liều điều trị ở trẻ em:

  • Dữ liệu an toàn omeprazol về còn giới hạn khi sử dụng thuốc ở đường tiêm tĩnh mạch cho trẻ em.

2.2 Cách dùng Oraptic 40mg

  • Pha loãng Oraptic với 10ml dung môi đi kèm. Tiêm I.V (tĩnh mạch) chậm tối thiểu 2,5 phút với tốc độ tiêm không được quá 4 ml/ phút.
  • Dung dịch sau khi pha trộn cần được dùng ngay hoặc bảo quản ổn định trong vòng 4 giờ với nhiệt độ 25 độ C.

3. Tác dụng phụ khi dùng Oraptic 40mg

Trong quá trình sử dụng Oraptic 40mg, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng sau đây:

  • Dị ứng, ngứa;
  • Chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy;
  • Sưng – phù đau vùng tiêm;
  • Giảm bạch cầu và tăng men gan;
  • Phù mạch, ói mửa và đau đầu;
  • Rối loạn tiêu hóa và khô miệng.

Lưu ý: Tác dụng phụ của Oraptic 40mg có thể diễn ra ồ ạt hoặc riêng lẻ tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người bệnh. Hãy thông báo cho bác sĩ biết về các tác dụng phụ mà bạn gặp phải để có hướng xử lý kịp thời.

4. Tương tác thuốc Oraptic 40mg

Oraptic 40mg có thể gây tăng nồng độ của một số loại thuốc như diazepam, phenyltoin và warfarin trong huyết tương khi kết hợp sử dụng. Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Oraptic 40mg thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Oraptic 40mg phù hợp.

5. Một số cảnh báo lưu ý khi dùng thuốc Oraptic 40mg

Trước và trong quá trình sử dụng Oraptic điều trị, người bệnh nên tham khảo một số lưu ý khi dùng thuốc Oraptic 40mg như sau:

  • Nếu xuất hiện triệu chứng giảm cân, nôn mửa, nôn ra máu, phân đen và khó nuốt hoặc đang bị loét dạ dày thì cần loại trừ khả năng có u ác tính. Với trường hợp trên sử dụng Oraptic có thể làm mờ đi các triệu chứng và gây chẩn đoán muộn cho người bệnh.
  • Omeprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 hoặc thiếu acid dịch vị. Vì vậy nên thận trọng khi sử dụng Oraptic cho người bệnh có dự trữ cơ thể giảm hoặc có các yếu tố có nguy cơ làm giảm sự hấp thu vitamin B12 trong điều trị lâu dài.
  • Omeprazol là một chất ức chế CYP2C19.
  • Kết hợp atazanavir với Omeprazol không được khuyến cáo. Nếu bắt buộc phải sử dụng đồng thời các thuốc này, phải giám sát lâm sàng chặt chẽ và tăng liều atazanavir đến 400mg với 100mg Ritonavir, trong khi đó, liều omeprazol không được vượt quá 20 mg.
  • Sử dụng Omeprazol trong điều trị có thể dẫn đến tình trạng tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa như Salmonella và Campylobacter.
  • Giảm magie huyết nặng xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị với omeprazol ít nhất 3 tháng và ở hầu hết các ca khi điều trị trong 1 năm.
  • Đối với trường hợp cần điều trị lâu dài hoặc dùng kết hợp Omeprazol với digoxin hay những thuốc có thể gây hạ magie máu như thuốc lợi tiểu thì cần làm xét nghiệm cận lâm sàng đo mức magie trước và trong suốt quá trình điều trị.
  • Dùng Omeprazol liều cao và kéo dài (> 1 năm) có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay và cột sống, chủ yếu ở người cao tuổi hoặc có một số yếu tố nguy cơ khác.
  • Omeprazol có thể ảnh hưởng đến kết quả đo CgA: Nên ngưng dùng omeprazol tiêm tĩnh mạch trong ít nhất 5 ngày trước khi đo CgA. Nếu mức CgA và gastrin không trở về khoảng tham chiếu sau lần đo ban đầu thì phải đo lại sau 14 ngày ngừng điều trị bằng omeprazol.
  • Người bệnh nên được theo dõi thường xuyên trong các đợt điều trị lâu dài, đặc biệt khi thời gian điều trị bằng omeprazol vượt quá 1 năm.
  • Người bệnh sử dụng Omeprazol không nên lái xe hoặc vận hành máy nếu gặp tình trạng chóng mặt.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc Oraptic 40mg phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và dược sĩ chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe