Ong là một loại động vật có tính bầy đàn, sống tổ chức cao và thường tấn công người khi chúng thấy có nguy cơ bị đe dọa. Trong ngòi của ong có chứa nọc độc có thể gây nguy hiểm cho người bị ong đốt. Tùy theo từng trường hợp, mức độ nặng nhẹ các phản ứng khi bị ong đốt để cân nhắc việc có hay không sử dụng thuốc giải độc ong đốt.
1. Triệu chứng lâm sàng khi bị ong đốt
Ong là một loại động vật mang độc tính gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Các chất độc tố của ong gây độc thần kinh, làm tiêu cơ vân, có khả năng gây hoại tử tế bào, đồng thời tạo các phản ứng viêm, phản ứng dị ứng mạnh.
Các chất độc tố của ong được chứa trong bụng và giải phóng qua ngòi vào mô khi cơ thể tiếp xúc với ngòi ong. Sau khi đốt, ngòi ong sẽ bị đứt giữ lại trong mô của người và gây các biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Khi bị ong đốt, triệu chứng trên mỗi người sẽ biểu hiện khác nhau, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào loại ong, số vết đốt, cơ địa đáp ứng cũng như thể trạng của người bệnh. Và trên cùng một bệnh nhân, phản ứng xảy ra giữa những lần đốt khác nhau cũng sẽ khác nhau.
Phản ứng nhẹ khi bị ong đốt:
- Phản ứng viêm nhẹ tại chỗ bị đốt, có dấu hiệu sưng nóng đỏ đau. Chườm lạnh có thể giúp đỡ đau hơn.
- Ở trường hợp nhẹ, đa số các triệu chứng sẽ tự giảm rồi biến mất sau vài giờ mà không cần dùng thuốc điều trị.
Phản ứng mức độ trung bình:
- Vết đốt bị sưng tấy, đỏ nhiều lan ra cả vị trí xung quanh.
- Đau nhiều, phù mạch xuất hiện nhanh.
- Huyết áp vẫn ổn định, có thể loạn nhịp.
- Triệu chứng thường tăng dần trong một đến hai ngày đầu sau khi bị đốt và có thể kéo dài vài ngày (thường mất khoảng 5-10 ngày tuỳ cơ địa từng người).
Sốc phản vệ là một trong những triệu chứng nặng khi bị ong đốt, thường gặp ở bệnh nhân có cơ địa bị dị ứng với ong hay các độc tố của ong. Sốc phản vệ nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bị ong đốt. Triệu chứng của sốc phản vệ ở người bị ong đốt bao gồm:
- Phản ứng trên da thường gặp như ngứa, đỏ kèm phát ban, có thể bị tái nhợt.
- Khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, chóng mặt.
- Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
- Ngất xỉu, mất ý thức hoặc lú lẫn.
Theo nghiên cứu thực tế và các số liệu thống kê lâm sàng cho thấy với những bệnh nhân bị đốt lần đầu tiên có phản ứng nghiêm trọng thì nguy cơ bị sốc phản vệ ở lần đốt sau lên đến khoảng 25-65%.
Khi bị nhiều ong đốt cùng một lúc, lượng nọc độc đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc nọc ong gây các phản ứng nghiêm trọng xảy ra ngay tức thì:
- Đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Sốt, cảm giác quay cuồng, co giật, thậm chí ngất xỉu.
- Bị ong đốt quá nhiều trong cùng một lần có thể bị suy thận cấp. Một vài nghiên cứu cho thấy với 50 vết đốt có thể gây suy hô hấp hay tán huyết nội mạch. Từ 100 vết đốt trở lên, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
- Ở trẻ em hay người cao tuổi, triệu chứng tiến triển nhanh, có thể gây khó thở, suy hô hấp hay những vấn đề nặng liên quan đến tim mạch, cần được cấp cứu kịp thời để không nguy hiểm đến tính mạng.
2. Thuốc giải độc khi bị ong đốt và những lưu ý khi sử dụng
Ngộ độc nọc ong làm tổn thương các cơ quan nội tạng, nếu không được giải độc kịp thời có thể gây suy đa nội tạng.
Cách xử trí ong đốt:
- Việc đầu tiên cần làm khi bị ong đốt là hãy nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực không có ong để tránh bị đốt tiếp.
- Loại bỏ ngòi ong chứa nọc độc. Ngay sau khi bị đốt, ngòi ong sẽ bị đứt và lưu lại trong mô da. Dùng móng tay hoặc nhíp hay những dụng cụ khác để rút nhẹ ngòi ong ra ngoài, điều này thực hiện sớm sẽ giúp giảm bớt triệu chứng. Lưu ý không bóp nặn khi rút ngòi vì sẽ làm cho lượng độc tố được tiết vào mô nhiều hơn.
- Rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng, sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn y tế nếu có.
- Chườm lạnh tại vết đốt khoảng 20 phút giúp giảm đau, giảm sưng, đồng thời nâng vị trí đốt (nếu bị đốt ở tay chân) cao hơn tim.
- Nếu bệnh nhân thấy ngứa tại vết đốt thì có thể bôi thuốc kháng histamin lên vết đốt.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu bệnh nhân có những phản ứng nghiêm trọng như đã mô tả ở trên để được hỗ trợ điều trị tiếp.
Nói về thuốc giải độc khi bị ong đốt, có một vài nghiên cứu về nọc độc của ong đã chỉ ra rằng trong nọc ong có chứa nhiều chất độc thần kinh:
- Độc tố Melittin: chất gây tan máu, gây phản ứng đau khi bị ong đốt, đồng thời phá hủy màng tế bào dẫn đến nguy cơ hoại tử tế bào.
- Men phospholipase A2 có khả năng làm tan tế bào hồng cầu.
- Các chất peptide trong độc tố của ong khiến các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm bị thoái hóa, kích thích giải phóng histamin gây phản ứng dị ứng.
- Men hyaluronidase có ở nọc ong làm phân hủy các phân tử acid hyaluronic trong mô liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho độc tố lan nhanh hơn.
- Apamine là một hoạt chất có tác dụng gây độc mạnh với hệ thần kinh, tác động mạnh trên tủy sống, tăng kích thích gây co thắt cơ.
- Ngoài ra trong nọc ong còn chứa các chất gây phản ứng viêm, gây đau khác như catecholamin, kinin, serotonin...
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị giải độc ong đốt, chủ yếu điều trị triệu chứng:
- Thuốc kháng histamin đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Epinephrine dùng dạng hít, tiêm bắp trong điều trị phù thanh quản.
- Thuốc đồng vận beta 2.
Ngoài các thuốc trên, có một số mẹo đơn giản có thể dùng để làm giảm độc tố của nọc độc ong như bôi vào vết đốt bằng kem đánh răng, mật ong, tỏi nghiền, baking soda... Tuy nhiên, những mẹo này chỉ phù hợp với người bị ong đốt có phản ứng nhẹ.
Lưu ý khi dùng thuốc để làm giảm bớt độc tính của nọc độc ong:
- Dùng thuốc theo triệu chứng, không nên dùng bừa bãi, không những không hiệu quả mà còn khiến tình trạng nhiễm độc nặng hơn.
- Dùng các thuốc dân gian hay các mẹo vặt chỉ có khả năng làm ổn định triệu chứng tạm thời, không có tác dụng xử lý nọc độc. Bởi vậy, nếu bệnh nhân bị ong đốt có phản ứng nhẹ, có thể theo dõi tại nhà. Nếu bệnh nhân có phản ứng nặng, nghiêm trọng, sau khi sơ cứu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay để được xử lý sớm nhất có thể.
Bị ong đốt là một tai nạn xảy ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Nhẹ có thể tự khỏi, nặng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có nguy cơ tử vong nếu tiến triển diễn biến xấu. Do đó không nên coi thường khi bị ong đốt, hãy liên hệ các bác sĩ hay chuyên viên y tế để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.