Chóng mặt là triệu chứng thường gặp hằng ngày và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tình trạng này gây ra tâm lý lo sợ và ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là bị chóng mặt buồn nôn nên uống gì và có những lưu ý gì khi sử dụng các loại thuốc này.
1. Một số thông tin cơ bản về tình trạng chóng mặt
Chóng mặt là trạng thái cơ thể mất thăng bằng, bệnh nhân có cảm giác đầu óc bỗng dưng quay cuồng và xung quanh trở nên chuyển động xoay tròn. Triệu chứng này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt thường xảy ra ở người cao tuổi và giới nữ nhiều hơn nam. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt như:
- Bệnh nhân bị viêm dây thần kinh tiền đình hoặc viêm mê đạo do virus hay vi khuẩn.
- Người mắc bệnh ménière gây ứ dịch ở tai trong.
- Tai trong bị tích tụ canxi gây ra chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
- Bệnh nhân mắc phải một số bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, đau nửa đầu (migrain), hạ huyết áp, bệnh thiếu máu...
- Người gặp phải các tổn thương ở não do chấn thương, đột quỵ, khối u,...
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc chống ung thư,... gây ra
- Người bị say tàu xe.
- Do tâm lý bệnh nhân sợ hãi, căng thẳng, stress...
2. Một số nhóm thuốc chống chóng mặt và những lưu ý trong điều trị
Có nhiều nhóm thuốc trị chóng mặt và tùy thuộc vào nguyên nhân phát sinh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc khác nhau như:
- Nhóm thuốc kháng sinh
Các thuốc kháng sinh thường sử dụng như amoxicillin, clarithromycin, cefuroxim, ... để tiêu diệt các vi khuẩn gây ra viêm mê đạo hay viêm dây thần kinh tiền đình. Đây là các bệnh có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt.
- Nhóm thuốc corticosteroid
Các thuốc thuộc nhóm này như prednisolone, dexamethasone, betamethasone, clobetasol ... Các thuốc này có tác dụng kháng viêm và thường được các bác sĩ chỉ định kết hợp với thuốc kháng sinh trong điều trị chóng mặt do viêm mê đạo hay viêm dây thần kinh tiền đình.
Khi sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý đến những tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra khi sử dụng trong một thời gian dài như viêm loét dạ dày- tá tràng và các biến chứng ở thận, tim mạch...
- Nhóm thuốc kháng Histamin
Nhóm thuốc kháng Histamin gồm có dyphenhydramin, betahistin, meclizin... là các thuốc phổ biến sử dụng trong điều trị chóng mặt. Cơ chế tác dụng của các thuốc này dựa trên khả năng duy trì hoạt động bình thường của tai trong để giúp kiểm soát trạng thái thăng bằng của cơ thể.
Cần lưu ý rằng nhóm thuốc kháng histamin có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Do đó không sử dụng thuốc cho các nhóm nghề nghiệp đòi hỏi sự tập trung như lái tàu xe, vận hành máy móc và cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú..
- Nhóm thuốc kháng tiết cholin
Scopolamin là hoạt chất thuộc nhóm kháng tiết cholin được chiết xuất từ cây cà độc dược và có thể được sử dụng trong điều trị chóng mặt, buồn nôn do say tàu xe. Chống chỉ định sử dụng scopolamin trong trường hợp sau: Người mắc bệnh tăng nhãn áp; Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu; Trẻ em chưa đủ 8 tuổi trở lên.
- Nhóm thuốc đối kháng canxi
Các thuốc thuộc nhóm này gồm cinarizin, flunarizin... với tác dụng giãn mạch ngoại biên giúp tăng cường tuần hoàn máu ở tai trong. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị chóng mặt ở người bị say tàu xe hay mắc bệnh đau nửa đầu...
Lưu ý rằng nhóm thuốc này cũng có tính chất của thuốc kháng histamin nên gây buồn ngủ trong quá trình sử dụng. Do đó không sử dụng thuốc cho các nhóm nghề nghiệp đòi hỏi sự tập trung như lái tàu xe, vận hành máy móc và cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú..
- Nhóm thuốc tăng cường tuần hoàn não
Các thuốc piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba... có tác dụng giúp tăng cường tuần hoàn để đảm bảo lượng máu lên não thực hiện tốt chức năng dẫn truyền thần kinh, làm giảm tình trạng chóng mặt, ù tai.
- Nhóm thuốc benzodiazepin
Các thuốc diazepam, clonazepam, lorazepam... có tác dụng chính giúp an thần nên thường được sử dụng để điều trị chóng mặt do mắc bệnh ménière, viêm dây thần kinh tiền đình hoặc do nguyên nhân tâm lý.
Lưu ý rằng đây là nhóm thuốc có tác dụng an thần nên chống chỉ định cho người lái xe, vận hành máy móc và không dùng kéo dài để tránh gây tình trạng lệ thuộc thuốc.
- Nhóm thuốc lợi tiểu
Các thuốc lợi tiểu như furosemid, hydrochlorothiazid...giúp thoát dịch ở tai trong nên được dùng điều trị chóng mặt ở bệnh nhân mắc bệnh Ménière.
Hầu hết các thuốc sử dụng để điều trị chóng mặt đều là các thuốc kê đơn và có kèm theo tác dụng phụ nên bệnh nhân không được tự ý sử dụng mà cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần xây dựng lối sống khoa học và hợp lý, tránh thực hiện những cử động đột ngột và hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá,... Đồng thời luyện tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện và ngăn ngừa sự tái phát các cơn chóng mặt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.