Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa - Trưởng Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Đệm, một số vùng miền gọi là nệm; sau đây gọi chung là đệm. Nếu như gia đình có trẻ nhỏ, nhất là khi đó là trẻ sơ sinh, việc tìm mua các tấm đệm cho bé sơ sinh là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé. Cách chọn đệm cho trẻ sơ sinh xoay quanh những yếu tố như độ phẳng của đệm, độ thoáng khí cũng như chất lượng đệm.
1. Chọn đệm cho trẻ sơ sinh cần quan tâm những tiêu chí nào?
Theo nhiều nghiên cứu, sự thoải mái của bé trong giấc ngủ có tính quyết định rất lớn đến sự phát triển xương và não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời của bé. Cùng với đó, từ khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc chọn một tấm đệm cho bé sơ sinh phù hợp là cực kỳ quan trọng để hạn chế nguy cơ đột tử khi ngủ của trẻ. Dưới đây là một số tiêu chí mẹ cần quan tâm khi chọn mua đệm để đảm bảo giấc ngủ cho trẻ:
1.1. Đệm phải có độ phẳng và bền chắc
Rất nhiều bà mẹ vì lo bé bị đau khi ngủ mà chọn các loại đệm có tính mềm mại, nhờ đó giúp bé ngủ thoải mái hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm cần phải điều chỉnh!
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Pediatrics của Hoa Kỳ, việc chọn và sử dụng các loại đệm mềm mại cho bé sẽ gây ra chứng vẹo cột sống ở trẻ, hay thậm chí là biến dạng xương. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, trẻ sơ sinh thương hay lật và quay người khi ngủ. Do đó nếu sử dụng đệm mềm sẽ khiến chăn dễ dàng trùm qua đầu của bé, dẫn đến tình trạng ngạt thở và tử vong.
1.2. Đệm có độ thoáng khí
Cách chọn đệm cho trẻ sơ sinh thứ hai cần phải ghi nhớ là: đệm phải có độ thông thoáng và lưu thông khí tốt. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ bị rôm sảy trên da của bé vì trẻ sơ sinh rất dễ đổ mồ hôi. Hơn nữa, đối với những bé thích nằm sấp, sử dụng đệm thoáng khí sẽ hạn chế nguy cơ bị ngạt thở của trẻ.
1.3. Chất lượng của đệm
Nhiều phụ huynh còn đang phân vân không biết chọn đệm nào tốt và an toàn cho trẻ. Đây là câu trả lời từ chuyên gia: Đệm cho bé sơ sinh phải rất chú trọng chất lượng của đệm vì đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Tốt hơn hết, gia đình nên chọn các loại đệm làm bằng chất liệu tự nhiên và có các đặc tính như kháng khuẩn – kháng nấm... đồng thời không gây kích ứng da. Trong trường hợp này, đệm cao su là một lựa chọn lý tưởng.
2. Ngoài đệm, mẹ cần chú ý gì để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và sức khỏe cho bé?
Đệm cho bé sơ sinh không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Một số mẹo dưới đây sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn.
2.1. Mẹ không nên sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ ở thành nôi/cũi
Nhiều mẹ vì sợ con sẽ bị đau khi va chạm với thành nôi hoặc cũi trong khi ngủ, nên đã sử dụng khăn, gối mềm... để chặn phía dưới chân của trẻ. Nhưng điều này là không cần thiết và có thể gây bí bách giấc ngủ của bé.
Trong trường hợp này, mẹ chỉ cần sử dụng tấm đệm vừa khít với nôi, chèn thêm ga đệm và đặt khung nôi đủ cao để trẻ không trườn ra ngoài được.
2.2. Tránh việc che/trùm đầu của bé khi ngủ
Chăn/mền chỉ nên đắp ngang với ngực của trẻ và để hai tay trẻ ra ngoài chăn để tránh tình trạng bé di chuyển khiến chăn trùm lên đầu, dẫn đến ngạt thở.
2.3. Không nên để trẻ bị nóng khi ngủ
Mẹ nên mặc cho bé các trang phục nhẹ nhàng, hạn chế bó chặt cơ thể bé và thường xuyên chạm vào da của trẻ để kiểm tra thân nhiệt của bé có quá cao hay không. Nếu như người bé ấm, mẹ nên bỏ bớt chăn để tránh nhiệt độ làm bé thức giấc.
2.4. Tiêm chủng đầy đủ
Theo một nghiên cứu ở trường Y tế công cộng Berlin cho thấy: khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin bạch hầu – ho gà – uốn ván..., tỷ lệ tử vong do SIDS ở trẻ sơ sinh có xu hướng giảm mạnh. Việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin không chỉ giúp bé ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng mà còn giảm thiểu nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS.
2.5. Không nên ngủ cùng giường với trẻ
Nếu như có đủ điều kiện, trẻ sơ sinh nên được ngủ riêng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, nếu cha hoặc mẹ là người uống rượu, hút thuốc, hay có sử dụng thuốc ngủ... thì càng không được ngủ cùng giường với trẻ vì những chất này có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng SIDS cũng như nguy cơ ngạt thở của trẻ trong giấc ngủ.
2.6. Vệ sinh và hong phơi đệm cho bé
Phần lớn các loại đệm cao su đều có một lượng hợp chất hữu cơ bay hơi nhất định (còn gọi là VOC), dễ bị phát tán thành chất độc nếu thân nhiệt của trẻ cao. Triệu chứng nhiễm độc VOC có thể bao gồm chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và hiện tượng mắt mũi bị kích thích. Nghiêm trọng hơn, nếu như tiếp xúc VOC trong thời gian dài, các bộ phận quan trọng như gan, thận, phổi và hệ thần kinh trung ương của bé cũng sẽ chịu tổn thương.
Do đó, để đảm bảo giảm thiểu nguy cơ trẻ sơ sinh tiếp xúc các thành phần độc hại này, các chuyên gia khuyên rằng gia đình nên thường xuyên vệ sinh và hong phơi đệm. Bên cạnh đó, cửa phòng hoặc cửa sổ của phòng bé nên được mở để giúp phòng thoáng khí.
Có thể thấy, giấc ngủ là một trong những yếu tố có tính quyết định đến sự phát triển của trẻ sơ sinh. Cách chọn đệm cho trẻ sơ sinh cần được chú ý và cân nhắc để trẻ có giấc ngủ an toàn – thoải mái nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.