Tế bào gốc mô mỡ (ADSC) là loại tế bào trung mô có khả năng tự phục hồi và tiềm năng đa biệt hóa, có thể biến đổi thành nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào mỡ, sụn, xương, cơ tim hoặc tế bào thần kinh. Tế bào gốc này đã ứng dụng thành công trong nhiều phương pháp điều trị lâm sàng và đóng một vai trò không thể thiếu trong lĩnh vực y học tái tạo. Bài viết này sẽ khám phá các đặc tính và những lợi ích của loại tế bào này mang lại.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ Chu Thị Thảo và Thạc sĩ Vũ Thị Huệ, thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Tế bào gốc mô mỡ (ADSC) là gì? Tại sao lại có tiềm năng lớn trong điều trị lâm sàng?
Tế bào gốc có thể được phân loại dựa trên nguồn gốc của chúng. Theo đó, có 4 loại tế bào gốc:
Tế bào gốc cảm ứng là loại tế bào gốc "nhân tạo", được tạo ra bằng cách sử dụng các tác nhân thích hợp để biến đổi tế bào trưởng thành (chẳng hạn như tế bào da hoặc tế bào thần kinh) thành tế bào gốc. Các nghiên cứu về loại tế bào này đang phát triển nhanh chóng nhưng ứng dụng lâm sàng vẫn còn hạn chế do các rủi ro liên quan đến việc kiểm soát những tế bào này sau khi được đưa vào cơ thể.
Tế bào gốc phôi thai được thu nhận từ phôi trong giai đoạn đầu của sự phát triển thai nhi. Việc sử dụng loại tế bào này đặt ra những thách thức về đạo đức y khoa vì phải phá hủy phôi để lấy tế bào.
Tế bào gốc nhũ nhi được thu thập từ máu cuống rốn, dây rốn hoặc màng ối - những bộ phận thường được xem là “rác thải” sinh học. Việc sử dụng loại tế bào này không đặt ra các vấn đề đạo đức y khoa. Tuy nhiên, những mẫu sinh học này cần được thu thập ngay sau khi trẻ được sinh ra. Do đó, không phải ai cũng có cơ hội để lưu trữ và sử dụng tế bào gốc nhũ nhi khi cần.
Tế bào gốc trưởng thành được thu thập từ các mô của người trưởng thành, chẳng hạn như mô mỡ và tủy xương, khác biệt rõ rệt so với hai loại tế bào gốc trước đó. Việc sử dụng các tế bào này không gặp khó khăn về mặt thời gian thu thập mẫu cũng như vấn đề y đức. Thêm vào đó, việc lấy mô mỡ dễ dàng và ít đau đớn hơn so với tủy xương, vì vậy, tế bào gốc mô mỡ (ADSC) được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu và lâm sàng gần đây.
Mỡ không chỉ được coi là nơi dự trữ năng lượng hay lớp cách nhiệt cho cơ thể mà còn giữ một vai trò trong hệ thống tương tác phức tạp với các tế bào thần kinh, mạch máu và hệ thống nội tiết. Mô mỡ hình thành trong lớp trung bì, bao gồm hàng triệu tế bào mỡ cùng với tế bào nội mô, tế bào sợi, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào và các tế bào gốc từ mô mỡ. Từ sự kết hợp của các tế bào này, tế bào gốc có thể được tách ra và nuôi cấy theo phương pháp thích hợp, đảm bảo tính chất và hiệu quả lâm sàng của chúng được bảo toàn.
2. Những ưu điểm của tế bào gốc mô mỡ
Những tế bào gốc được thu thập từ mô mỡ có nhiều ưu điểm nổi bật như sau:
- Tế bào gốc từ mô mỡ là lựa chọn phổ biến vì có thể được lấy từ nhiều người khỏe mạnh.
- Một nguồn tế bào gốc dồi dào.
- Thu thập tế bào gốc mô mỡ rất đơn giản, chỉ thông qua quá trình hút mỡ.
- Dễ dàng sinh trưởng ổn định trong điều kiện nuôi cấy.
- Được sử dụng ngay lập tức sau khi thu thập và gạn tách, không cần qua bất kỳ quá trình tăng sinh nào.
3. Mô mỡ được thu thập bằng cách nào?
Mỡ có thể được thu thập thông qua hai phương pháp chính là hút mỡ hoặc phẫu thuật. Trong quá trình hút mỡ (liposuction), mỡ biến đổi thành dạng lỏng bằng tác động cơ học (chẳng hạn như sử dụng sóng siêu âm) hoặc tác động hóa học từ các enzyme, sau đó được hút ra qua một ống nhỏ.
Trong phương pháp phẫu thuật, chỉ cần lấy khoảng 3-5 gram mỡ thừa dưới da hoặc trong quá trình mổ lấy thai. Mỡ thu được từ dưới lớp sẹo mổ cũ - thường được xem như rác thải sinh học, cũng có thể được sử dụng làm nguồn tách tế bào gốc một cách hiệu quả.
4. Tế bào gốc (ADSC) được phân lập từ mô mỡ như thế nào?
Tế bào gốc chiếm từ 1-5% tổng số tế bào nhân có trong mô mỡ, tỉ lệ cao hơn hơn 500 lần so với tỉ lệ tế bào gốc trong tủy xương. Để tách tế bào gốc và loại bỏ các dòng tế bào khác, áp dụng phương pháp phân lập chính xác và điều kiện nuôi cấy thích hợp là rất quan trọng.
Dưới tác động của cơ học và/hoặc enzyme, liên kết giữa các tế bào được giải phóng, cho phép thu hồi tế bào để tiến hành nuôi cấy chọn lọc và tăng sinh. Chỉ với một lượng nhỏ khoảng 3-5 gram mô mỡ, có thể phân lập và nuôi cấy để nhân lên thành hàng tỷ tế bào.
5. Lưu trữ tế bào gốc mô mỡ
Trước khi lưu trữ, các tế bào gốc thu hoạch cần được kiểm tra để đánh giá chất lượng và tiềm năng biệt hoá. Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội quốc tế về liệu pháp tế bào ISCT, tế bào gốc trung mô phân lập từ mô mỡ phải được đánh giá dựa trên ba tính chất đặc trưng:
- Khả năng tạo cụm.
- Các dấu ấn bề mặt đặc trưng.
- Tiềm năng biệt hoá thành các mô như xương, sụn và mỡ.
Ngoài ra, mẫu tế bào cũng cần được kiểm tra để đảm bảo không chứa các yếu tố vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi nấm, mycoplasma… nhằm đảm bảo tế bào đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho ứng dụng trong điều trị lâm sàng.
Các tế bào sẽ được lưu trữ trong các ống riêng biệt, thuận tiện cho việc lấy ra sử dụng và nuôi cấy tăng sinh nhiều lần.
6. Khi nào có thể lưu trữ tế bào gốc mô mỡ?
Vì dễ dàng thu thập và không phụ thuộc vào độ tuổi, bất cứ ai cũng có thể lưu trữ tế bào gốc từ mô mỡ khi cần. Tuy nhiên, giống như các loại tế bào gốc trưởng thành khác, tính chất và tiềm năng của tế bào sẽ suy giảm theo tuổi tác. Do đó, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng cao nhất, tế bào gốc nên được lưu trữ sớm, khi người lưu giữ còn trẻ.
Đối với các sản phụ sinh mổ, ba mẹ có thể lợi dụng quá trình phẫu thuật lấy thai để lưu trữ tế bào gốc mô mỡ cho cả đứa con yêu quý và bản thân mình.
7. Một số ứng dụng của tế bào gốc mô mỡ
7.1. Điều trị các bệnh tim mạch
Nhồi máu cơ tim gây ra cái chết của mô cơ tim, có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng của tâm thất trái và cuối cùng là suy tim. Trong những thử nghiệm sử dụng tế bào gốc, cơ chế hoạt động của tế bào gốc bao gồm khả năng biệt hóa thành mô tim mới, biến đổi thành các tế bào tạo mạch máu, tiết cytokine có lợi để thúc đẩy hình thành mạch máu mới và hoạt động paracrine nhằm ngăn chặn quá trình chết tế bào theo chu kỳ.
Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II đã được tiến hành với 27 bệnh nhân mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính do nhồi máu cơ tim tại nhiều cơ sở y tế ở Đan Mạch và Tây Ban Nha. Kết quả từ thử nghiệm cho thấy sự cải thiện trong khả năng co bóp của tim, đặc biệt là nhóm được điều trị đã duy trì được chức năng tim ổn định trong suốt hai năm, trong khi chức năng tim của nhóm dùng giả dược lại suy giảm. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận (Perin EC, 2014).
7.2. Ứng dụng trong thẩm mỹ
Tế bào gốc mô mỡ góp phần vào quá trình lành vết thương bằng cách tăng sản xuất collagen loại I, thúc đẩy biểu hiện của collagen loại III và fibronectin, hỗ trợ quá trình di chuyển các tế bào để hàn gắn vết thương và ngăn chặn quá trình oxi hóa ở nguyên bào sợi.
Các thử nghiệm lâm sàng đã xác nhận rằng, tế bào gốc có khả năng cải thiện độ đàn hồi, hỗ trợ hình thành mao mạch mới và tái tạo biểu mô trong tổn thương mô. Bên cạnh đó, tế bào gốc còn có tác dụng ức chế sự tổng hợp melanin, do đó chúng được ứng dụng trong việc giảm nếp nhăn và làm sáng da.
7.3. Ứng dụng trong bệnh xương, khớp
Với khả năng biệt hoá thành xương, sụn và mỡ, tế bào gốc mô mỡ đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh liên quan đến xương và khớp. Một trường hợp điển hình là một bé gái 7 tuổi bị chấn thương sọ não sau tai nạn và đã trải qua phẫu thuật, dẫn đến di chứng nghiêm trọng với 120 cm2 của hộp sọ bị tổn thương. Tế bào gốc tự thân đã được cấy vào hộp sọ của bệnh nhân cùng với vật liệu y sinh, hỗ trợ quá trình cấy ghép tế bào gốc. Sau 3 tháng theo dõi, quá trình tái tạo đã đem lại kết quả tích cực, cho phép các bác sĩ gỡ bỏ hệ thống bảo vệ hộp sọ của bệnh nhân.
Hiện nay, bệnh thoái hóa khớp rất phổ biến tại Việt Nam và nhu cầu điều trị bằng các phương pháp hiệu quả và bền vững là rất lớn. Phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc trung mô điều trị bệnh thoái hóa khớp nhận được nhiều sự quan tâm. Tại Vinmec, các bác sĩ đã bắt đầu áp dụng phương pháp này bằng cách sử dụng tế bào gốc từ mô mỡ tự thân để điều trị thoái hóa khớp gối từ năm 2015 và đã cho ra kết quả khả quan.
7.4. Tế bào gốc mô mỡ và liệu pháp gen
Không chỉ giới hạn ở việc cấy trực tiếp tế bào gốc vào khu vực bị tổn thương hay biệt hóa tế bào gốc mô mỡ thành các dòng tế bào cụ thể trước khi ghép vào cơ thể, những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gen mở ra cơ hội tích hợp liệu pháp tế bào và liệu pháp gen trong điều trị.
Tế bào gốc mô mỡ có thể được chỉnh sửa gen để nâng cao khả năng kiểm soát và sửa chữa các lỗi trong cơ thể bệnh nhân. Y học tái tạo đang phát triển mạnh mẽ với những bước tiến quan trọng dựa trên nền tảng vững chắc của tế bào gốc, bao gồm cả tế bào gốc mô mỡ.
7.5. Điều trị bệnh xơ gan
Xơ gan là một tình trạng mà các tế bào gan giảm dần và có hiện tượng viêm kéo dài, kích thích các tế bào hình sao trong gan hoạt động mạnh mẽ. Tế bào gốc mô mỡ có khả năng chống viêm và ức chế hoạt động của các tế bào hình sao này, cũng như hỗ trợ tái tạo và phục hồi chức năng gan.
7.6. Điều trị tiểu đường
Ghép tụy là phương pháp phổ biến được dùng để điều trị tiểu đường loại 1. Tuy nhiên, do sự khan hiếm nguồn ghép, tế bào gốc mô mỡ trở thành một nguồn thay thế tiềm năng. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra ý tưởng chỉnh sửa gen của tế bào này trở thành các tế bào sản xuất insulin, sau đó tiêm vào bệnh nhân nhằm cung cấp một giải pháp bổ sung insulin lâu dài.
7.7. Điều trị bệnh mảnh ghép chống ký chủ (GVHD)
Mảnh ghép chống ký chủ xảy ra sau khi thực hiện ghép tủy, ghép tuyến ức hoặc ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho khác. Các tế bào T của người cho có thể tấn công người nhận, gây ra tổn thương không mong muốn. Tế bào gốc từ mô mỡ với khả năng kháng viêm và điều hòa hệ miễn dịch, có thể được sử dụng để ức chế các phản ứng này.
Hiện nay, tế bào gốc mô mỡ đã được ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế, việc lưu trữ tế bào gốc này giúp bệnh nhân gia tăng tỷ lệ điều trị bệnh lý trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.