Khoảng một nửa số bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống phát triển một số dạng viêm thận, được gọi là viêm thận lupus. Tình trạng viêm này có thể dẫn đến suy thận. Tuy nhiên, quá trình diễn biến của bệnh lupus và ảnh hưởng có nó đến thận khó có thể dự đoán được.
1. Lupus biến chứng thận - viêm thận lupus
Bệnh lupus ban đỏ hay còn gọi là bệnh lupus, là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô của chính nó. Một số triệu chứng thường gặp như là phát ban, đau khớp, mệt mỏi. Khoảng một nửa số người bị bệnh lupus ban đỏ phát triển một số dạng viêm thận được gọi là viêm thận lupus. Viêm thận lupus là chỉ tình trạng viêm thận gây ra bởi bệnh lupus, khi tự kháng thể lupus ảnh hưởng đến cấu trúc trong thận của bệnh nhân.
Tình trạng viêm này, khiến cho thận không thể hoạt động bình thường và gây mất protein qua nước tiểu. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, viêm thận lupus có thể dẫn đến suy thận.
Một số yếu tố nguy cơ được biết đến đối với viêm thận lupus đó là:
- Giới tính: Mặc dù phụ nữ có nhiều khả năng bị lupus hơn, nhưng đàn ông lại bị viêm thận lupus nhiều hơn phụ nữ.
- Chủng tộc hay sắc tộc: Người da đen, người Tây Ban Nha/La tinh và người Mỹ gốc Á có nhiều khả năng bị viêm thận lupus hơn những người da trắng.
2. Biểu hiện của viêm thận lupus
Viêm thận lupus là một tình trạng nghiêm trọng, cần được quan tâm. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng là kịch tính. Ban đầu, viêm thận lupus có thể không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, cho đến khi tình trạng viêm lan rộng và kéo dài, nó sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận và gây ra các triệu chứng.
Đối với nhiều bệnh nhân, triệu chứng đáng chú ý đầu tiên là sưng chân: Sưng ở mắt cá chân và bàn chân. Tình trạng sưng phù cũng có thể xuất hiện ở mặt hoặc tay nhưng ít gặp hơn.
Các triệu chứng ở các bệnh nhân có thể khác nhau, gồm có:
- Tăng cân
- Huyết áp cao
- Nước tiểu đậm màu, nước tiểu màu nâu do có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu sủi bọt do tăng protein trong nước tiểu
- Đi tiểu đêm nhiều
- Tăng creatinin trong máu
Không phải tất cả các vấn đề về tiết niệu hoặc thận ở những bệnh nhân lupus đều là do viêm thận lupus. Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, khiến bệnh nhân bị tiểu rắt, tiểu buốt.
Một số loại thuốc điều trị bệnh lupus cũng có thể ảnh hưởng đến thận gây sưng chân và gây ra các triệu chứng khác tương tự như viêm thận lupus. Các triệu chứng này thường mất khi dừng sử dụng loại thuốc đó.
Nếu một người được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ, bác sĩ có thể đề nghị làm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Nếu phát hiện một vấn đề về chức năng thận, bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết thận để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh thận.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm thận lupus như thế nào?
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Các xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán các vấn đề về thận bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, sinh thiết
Có năm loại viêm thận lupus khác nhau được xác định bằng sinh thiết thận. Việc điều trị phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Loại viêm thận lupus
- Các triệu chứng
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh
Dựa vào các yếu tố này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị riêng để đáp ứng cho từng hoàn cảnh cụ thể của bệnh nhân.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm thận lupus gồm có:
- Corticosteroid: Giúp giảm viêm, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng cho đến khi viêm thận lupus cải thiện. Loại thuốc này có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ nghiêm trọng, nên việc sử dụng cần được theo dõi và giảm liều khi các triệu chứng bắt đầu cải thiện.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Có tác dụng ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch gây hại cho thận.
- Thuốc ngăn ngừa cục máu đông hoặc hạ huyết áp nếu cần thiết.
Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng có thể cần phải lọc máu và cuối cùng có thể cần phải ghép thận.
Cùng với việc tuân thủ liệu trình điều trị bác sĩ đưa ra, bệnh nhân bị viêm thận lupus nên thực hiện một số thói quen sống để giúp bảo vệ thận, gồm có:
- Uống đủ nước
- Chế độ ăn ít natri, đặc biệt nếu bị tăng huyết áp
- Tránh hút thuốc và uống rượu
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì huyết áp khỏe mạnh
- Hạn chế Cholesterol
- Tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thận như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên ăn chế độ ăn ít kali, phốt pho và protein nếu đã mất chức năng thận.
4. Biến chứng suy thận vì lupus
Điều trị có tác dụng tốt trong việc kiểm soát viêm thận lupus, do đó bệnh nhân có thể không bị biến chứng.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có những bệnh nhân gặp phải các biến chứng lupus tại thận sau:
- Khoảng 10 - 30% bệnh nhân bị viêm thận lupus bị suy thận.
- Dạng viêm thận lupus nặng nhất là viêm thận tăng sinh lan tỏa, tình trạng này có thể gây hình thành sẹo ở thận. Sẹo là tổn thương vĩnh viễn, chức năng thận thường bị suy giảm khi hình thành sẹo nhiều hơn.
- Những người bị viêm thận lupus có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao, chủ yếu là ung thư hạch tế bào B - loại ung thư bắt đầu trong các tế bào của hệ thống miễn dịch.
- Bệnh nhân viêm thận lupus cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tim mạch.
Viêm thận lupus là một biến chứng thường gặp ở những người bị lupus ban đỏ hệ thống. Viêm thận lupus có thể dẫn đến xuất hiện máu trong nước tiểu, protein niệu, huyết áp cao, suy giảm chức năng thận và thậm chí có thể gây suy thận.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, niddk.nih.gov, webmd.com