Không có công thức chung cho việc tính lượng nước tiêu thụ một người/ngày. Nhu cầu tiêu thụ nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe, mức độ vận động và nơi sinh sống. Do đó dựa vào nhu cầu cũng như chế độ dinh dưỡng bạn có thể cân nhắc lượng nước phù hợp cho cơ thể.
1. Vai trò của nước với cơ thể
Nước là thành phần hóa học chính của cơ thể. Chúng chiếm từ 60-70% trọng lượng cơ thể của bạn. Hay nói cách khác cơ thể có thể tồn tại được là nhờ có nước.
Nước có vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể, từ tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan đều cần nước để có thể hoạt động bình thường, ví dụ:
- Các chất thải được loại bỏ một phần qua nước tiểu và mồ hôi
- Nước duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định.
- Bảo vệ các mô nhạy cảm và bôi trơn các khớp
- Việc bổ sung nước không đủ hay mắc tiêu chảy hoặc sốt có thể dẫn đến tình trạng mất nước khiến cơ thể mệt mỏi hoặc gây nhiều biến chứng nặng khác.
Ngoài ra nước còn giúp giải quyết một số vấn đề sức khỏe như:
- Táo bón: Tăng lượng nước uống hàng ngày có thể giúp giảm tình trạng táo bón.
- Ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen uống nhiều nước có nguy cơ mắc ung thư bàng quang và ung thư đại trực tràng thấp hơn những người không có thói quen uống nhiều nước mỗi ngày.
- Uống nhiều nước giúp giảm nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi bàng quang
- Uống nhiều nước còn giúp tăng tính đàn hồi của da và giảm nguy cơ hình thành mụn trứng cá.
2. Bạn cần bao nhiêu nước mỗi ngày?
Mỗi ngày, lượng nước trong cơ thể mất đi qua bài tiết mồ hôi, nước tiểu, nhu động ruột.... Điều này đòi hỏi chúng ta luôn phải bổ sung nước cho cơ thể. Nước đưa vào cơ thể hàng ngày có thể đến từ nhiều nguồn: Từ nước, đồ uống và có đến 20% lượng nước chúng ta đưa vào cơ thể hàng ngày đến từ các nguồn thực phẩm khác như rau xanh, các loại củ và quả....
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về lượng nước trung bình cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày ở người trưởng thành như sau:
- Đối với nam giới: Cần cung cấp cho cơ thể khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày
- Đối với nữ giới: Cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày
Tuy nhiên một số chuyên gia về sức khỏe lại cho rằng bạn cần uống nước nhiều lần trong suốt cả ngày kể cả khi bạn không khát. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Các hoạt động thể lực như lao động hoặc chơi thể thao: Đây đều là những hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Do đó lượng nước mất đi lớn hơn so với những người không tham gia các hoạt động này nên dĩ nhiên lượng nước cần cung cấp cho cơ thể cũng vì thế mà tăng cao.
- Môi trường: Môi trường cũng ảnh hưởng nhiều đến lượng nước bạn cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày. Trong thời tiết nóng ẩm mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn khiến lượng nước cần bổ sung cũng lớn hơn.
- Tình trạng sức khỏe của cơ thể: Trong các trường hợp như tiêu chảy, nôn mửa, sốt... cơ thể bạn sẽ mất rất nhiều nước và các chất điện giải. Vì thế cần liên tục bổ sung nước, tốt nhất là dung dịch oresol để bù lại lượng nước và điện giải bị mất đi.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú cần cung cấp lượng nước nhiều hơn so với những người khác.
3. Đường đi của nước trong cơ thể
Sự khác biệt lớn nhất giữa việc hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn và nước uống chính là thức ăn cần tiêu hóa còn nước được hấp thụ trực tiếp vào cơ thể.
Hành trình của nước đến các tế bào trải qua một khoảng thời gian khá dài, bắt đầu từ miệng. Nếu cứ uống cho đến khi các tế bào được cung cấp đủ nước, bạn sẽ uống vượt quá mức nhu cầu của cơ thể. Vậy làm thế nào để cơ thể nhận ra nó đã được cung cấp đủ nước? Câu trả lời chính là ở sự giao tiếp giữa não bộ của chúng ta và miệng. Sau một vài ngụm nước bạn uống, não sẽ phát ra tín hiệu thông báo đã nhận đủ lượng nước cung cấp để thông báo cho chúng ta biết được cần ngưng uống vào thời điểm nào là thích hợp. Nước sau đó tiếp tục chảy qua thực quản và bắt đầu được hấp thụ từ đây.
Sau khi qua thực quản nước được đưa xuống dạ dày. Lượng nước hấp thụ tại dạ dày phụ thuộc vào lượng thức ăn bạn đã đưa vào trong đó. Điều này có nghĩa là nước sẽ được hấp thụ trong dạ dày nhanh hơn nếu bạn đói và chậm hơn khi bạn đã ăn no. Thậm chí nếu lượng thức ăn trong dạ dày quá nhiều quá trình hấp thụ nước tại đây có thể mất đến vài giờ.
Sau khi được hấp thụ ở dạ dày, nước tiếp tục được hấp thụ trực tiếp qua màng tế bào và các mạch máu tại ruột non. Từ đây nước sẽ được cung cấp đến từng tế bào trong cơ thể giúp chúng thực hiện các chức năng của mình.
Tuy nhiên, ruột non chưa phải là nơi hấp thụ nước cuối cùng mà là ruột già. Ruột già là bộ phận quan trọng nhất trong quá trình tái hấp thụ nước. Với cấu trúc chặt chẽ, ruột già hạn chế tối đa việc thất thoát nước và các chất điện giải ra ngoài.
Hành trình của nước ở thận: Nhiệm vụ chính của thận là lọc bỏ các chất độc hại trong nước. Việc lọc bỏ độc tố này đạt hiệu quả cao nhất khi thận được cung cấp một lượng nước đủ lớn, nếu không thận sẽ gặp phải một số vấn đề như viêm thận, sỏi thận.... Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể biết được mình đã cung cấp đủ nước cho thận chưa thông qua màu của nước tiểu, thông thường nếu thận không được đáp ứng đủ lượng nước, nước tiểu của bạn sẽ chuyển sang màu vàng.
Não cũng cần cung cấp một lượng nước đủ để các tế bào thần kinh có thể hoạt động một cách bình thường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu không được cung cấp đủ nước, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ hoặc suy giảm khả năng thị giác.
Ngoài ra tất cả các tế bào trong cơ thể cũng đều cần nước để có thể thực hiện chức năng của mình. Vì thế, bạn luôn cần cung cấp đủ lượng nước để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh.
Nước là thành phần quan trọng nhất đối với sự sống của con người. Không có bất kỳ thang đo hay phép tính nào cho chúng ta biết chúng ta thực sự cần chính xác bao nhiêu nước mỗi ngày nhưng các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên bạn nên tập thói quen uống nước nhiều lần trong ngày kể cả khi không khát. Thói quen này sẽ giúp cơ thể luôn có đủ lượng nước cần thiết để giúp các cơ quan trong cơ thể thực hiện chức năng ổn định và hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com, theberkey.com
XEM THÊM