Nước dừa là một loại nước giải khát được mệnh danh là "thức uống thể thao của thiên nhiên". Với hương vị ngon ngọt và thơm, loại đồ uống giải khát này rất tuyệt vời khi dùng riêng hoặc được sử dụng trong sinh tố. Vì vậy, một số người có thói quen uống nước dừa mỗi ngày. Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe và rủi ro của nước dừa, nhất là khi uống quá nhiều, không phải ai cũng biết rõ.
1. Lợi ích của thói quen uống nước dừa mỗi ngày
1.1. Đem đến những thành phần dinh dưỡng và các chất điện giải
Nước dừa phù hợp với cả chế độ ăn kiêng ít calo và ít đường vì thành phần trong nước dừa chỉ có khoảng 45 calo mỗi cốc và khoảng 11 gam đường. Thêm vào đó, nước dừa lại là một nguồn tự nhiên với các chất điện giải bao gồm kali, magiê, phốt pho và hơn thế nữa. Mặc dù, các thành phần dinh dưỡng có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào nguồn gốc của dừa, cũng như độ chín của dừa, một ly nước dừa trung bình 250ml có chứa:
- Lượng calo: 45 calo
- Tổng chất béo: 0g
- Cholesterol: 0mg
- Natri: 25mg
- Kali: 470mg
- Tổng Carbohydrate: 11g
- Tổng số đường: 11g
- Chất đạm: 0g
- Canxi, magiê và phốt pho: 4% nhu cầu
1.2. Hỗ trợ phục hồi sau tập luyện
Nước dừa có nhiều chất điện giải bao gồm kali, natri và magiê. Khi đang làm việc đổ mồ hôi, đặc biệt là trong những tháng mùa hè nóng bức khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn, nước dừa có thể rất hữu ích.
Đặc biệt, khi uống nước dừa mỗi ngày các chất điện giải trong nước dừa có thể giúp điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng, ngăn ngừa mất nước và thậm chí đảm bảo chức năng cơ phù hợp. Tất nhiên, mọi người vẫn sẽ cần đảm bảo nạp đủ lượng carbohydrate và protein cần thiết sau khi tập luyện.
1.3. Điều chỉnh huyết áp và giảm thiểu biến cố đột quỵ
Quả chuối nổi tiếng với hàm lượng kali cao, nhưng chỉ cần uống nước dừa mỗi ngày bằng một cốc chứa nhiều kali hơn một quả chuối cỡ trung bình. Thói quen tuân thủ theo chế độ ăn giàu kali đã có nhiều bằng chứng về khả năng bảo vệ sức khỏe tim mạch, ổn định huyết áp, làm giảm huyết áp nếu cao hay thậm chí còn tăng sức đàn hồi thành mạch, phòng chống đột quỵ.
Như vậy, với câu hỏi uống nước dừa mỗi ngày có tác dụng gì, câu trả lời là việc bổ sung nước dừa với các loại thực phẩm giàu kali khác trong chế độ ăn uống là điều kiện lý tưởng để hỗ trợ một trái tim khỏe mạnh.
1.4. Hỗ trợ chức năng tiêu hóa tốt
Uống nước dừa tươi có tác dụng gì? Thành phần trong nước dừa chứa magie, một khoáng chất giúp giữ cho mọi thứ vận động và ngăn ngừa táo bón. Nói chung, cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng rất quan trọng để giúp điều hòa nhu động ruột.
1.5. Bảo vệ làn da khỏe mạnh
Khi cơ thể thiếu nước, thiếu độ ẩm phù hợp, da sẽ bị khô lại và bong tróc. Như vậy, uống nước dừa mỗi ngày có thể góp phần vào nhu cầu hydrat hóa hàng ngày tại chỗ, thúc đẩy tuần hoàn và làm làn da rạng rỡ hơn.
Đồng thời, một số loại nước dừa còn được tăng cường vitamin C có nhiều đặc tính chống oxy hóa và kích thích tổng hợp collagen một cách tự nhiên, có thể giúp giữ cho làn da luôn săn chắc và trẻ trung.
1.6. Giảm lượng đường bổ sung vào
Nên bỏ qua nước trái cây và nước ngọt có đường và thay vào đó hãy uống nước dừa khi có hứng thú với thứ gì đó khác ngoài nước.
Không giống như đồ uống có đường, nước dừa thường có ít hoặc không thêm đường (ở những loại không có hương vị). Điều này làm cho loại trái cây này trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân tiểu đường hoặc những người muốn giảm tiêu thụ đường thêm vào. Hãy tìm nước dừa tươi 100%, không được làm từ nước cốt dừa cô đặc và chọn các loại không có hương vị có một cốc nước dừa tự nhiên nhất.
1.7. Giúp bù nước khi bị ốm
Nếu cơ thể đang bị mất một lượng lớn chất lỏng do nôn mửa và tiêu chảy, bổ sung nước dừa có thể giúp cải thiện tình trạng hydrat hóa và cân bằng điện giải tốt hơn so với nước thông thường trong các trường hợp này.
Một số thương hiệu nước dừa đóng chai thậm chí còn bổ sung vitamin C và D để cung cấp khả năng hỗ trợ miễn dịch tốt hơn.
1.8. Hỗ trợ quản lý cân nặng
Hydrat hóa thích hợp là điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng mọi tế bào trong cơ thể và tối ưu hóa tỷ lệ trao đổi chất. Nhiều người lầm tưởng cảm giác khát với đói, khiến tạo ra phản xạ ăn quá mức có thể dẫn đến tăng cân. Và mặc dù nước dừa có nhiều calo hơn nước thường, nhưng về cơ bản thức uống này lại có lượng calo thấp hơn đáng kể so với các loại đồ uống khác như soda và nước trái cây. Sự hoán đổi đơn giản này có thể giúp người muốn giảm cân cắt giảm lượng calo trong suốt cả tuần.
1.9. Giải rượu hiệu quả
Nếu vô tình uống quá nhiều rượu vào buổi tối say sưa hôm trước, khi thức dậy, cơ thể sẽ cảm thấy mất nước, lừ đừ, mệt mỏi vào ngày hôm sau. Lúc này, một mẹo nhỏ để giải rượu là dự trữ nước dừa trong tủ lạnh. Đây là một cách giúp bổ sung những chất điện giải mà đồ uống có cồn đã làm cạn kiệt và có thể là một biện pháp làm dịu cơn khát tuyệt vời.
2. Uống nước dừa mỗi ngày có rủi ro gì không?
Nước dừa thường được coi là an toàn để dùng tự do như một nguồn cung cấp nước và chất điện giải tự nhiên thơm ngon. Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ cần lưu ý, nhất là khi uống nước dừa mỗi ngày.
Nếu bị suy thận, người bệnh nên cẩn thận với việc uống nước dừa vì đây là một nguồn chứa nhiều kali. Mặc dù chất dinh dưỡng này bình thường rất lành mạnh cho cơ thể, nhưng khi thận bị suy sẽ không thể loại bỏ lượng kali dư thừa nữa nên việc theo dõi lượng cung cấp là rất quan trọng. Nước dừa có thể cung cấp một nguồn kali chính nhưng bất ngờ nếu tiêu thụ thường xuyên sẽ dễ dẫn đến tăng kali máu, gây loạn nhịp tim và đột tử.
Mặc khác, do sở hữu đặc tính lợi tiểu, người dùng sẽ gặp một bất lợi khác khi tiêu thụ quá nhiều nước dừa. Lúc này, hai quả thận phải làm việc tích cực để nhanh chóng đào thải nước khiến người dùng đi vệ sinh liên tục. Vì vậy, tránh uống quá nhiều nước dừa vào ban đêm vì sẽ khiến giấc ngủ kém ngon. Không chỉ vậy, nước dừa là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên nên có thể không phù hợp với một số người gặp vấn đề với nhu động ruột. Do đó, nên cẩn thận trước khi tiêu thụ một lượng lớn nước dừa, nhất là người vốn có hội chứng ruột kích thích.
Bên cạnh đó, nước dừa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người bị dị ứng nhất định với loại trái cây này hay một số hạt cây. Nếu tình trạng dị ứng không kiểm soát tốt ngay từ đầu có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng tính mạng.
Mặc dù không thuộc loại đồ uống có đường, thành phần nước dừa vẫn chứa carbohydrate và calo. Những người có lượng đường trong máu cao hay bệnh nhân đái tháo đường không nên uống quá 1 ly nước dừa mỗi ngày. Nếu uống quá nhiều nước dừa sẽ khiến đường huyết tăng cao khó kiểm soát. Ngoài ra, tiêu thụ dừa xanh còn non sẽ tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường so với dừa đã chín.
Không chỉ vậy, nước dừa có thể làm giảm huyết áp. Trong trường hợp đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao, uống nhiều nước dừa có thể khiến huyết áp giảm thêm. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp tốt nhất cần tham vấn ý kiến bác sĩ trong tình huống như vậy.
Tóm lại, uống nước dừa mỗi ngày được xem là một nguồn cung cấp nước và các chất điện giải cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, mặc dù nước dừa có đầy đủ các lợi ích dinh dưỡng, nếu tiêu thụ quá nhiều thì có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định, nhất là ở những bệnh nhân suy thận, đang dùng thuốc tim mạch hay đái tháo đường. Ngoài ra, khi mua nước dừa, hãy chọn quả tươi và nhớ đọc nhãn để đảm bảo không có thêm đường để cơ thể được hấp thụ những lợi ích hoàn toàn từ thiên nhiên.
Nguồn tham khảo: goodhousekeeping.com, webmd.com, wellandgood.com, stylecraze.com, clevelandclinic.org
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.