Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý chuyên sâu. Theo đó, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân chụp X-quang phổi trong các lần thăm khám sức khỏe định kỳ, có các bệnh lý về đường hô hấp. Vậy lợi ích khi chụp X-quang phổi là gì?
1. Tìm hiểu về kỹ thuật chụp X-quang phổi
Kỹ thuật chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia bức xạ X để tái tạo hình ảnh các bộ phận bên trong cơ thể. Khi tia X đi xuyên qua các mô, tế bào sẽ để lại hình ảnh trên phim chụp. Kỹ thuật này cần phải sử dụng máy chụp X-quang trong một phòng đặc biệt có tia X.
Theo đó, để chụp được phim X-quang cho hình ảnh rõ nét nhất thì người bệnh phải ở trước một tấm phim X-quang hay một máy thu hình. Loại máy này có chức năng ghi lại hình ảnh của tim phổi, mạch máu, đường thở, hạch bạch huyết. Do đó, nếu phổi có sự tổn thương, viêm nhiễm hay có các bất thường khác có thể được bác sĩ phát hiện kịp thời. Đây chính là kỹ thuật chụp X-quang phổi.
2. Những lợi ích khi chụp x quang phổi
Lợi ích khi chụp x quang phổi đầu tiên là có thể giúp bác sĩ có thể kiểm tra, theo dõi được tình trạng hoạt động của phổi, từ hình ảnh đó, các bác sĩ có thể phát hiện những bất thường, tổn thương ở phổi.
Lợi ích khi chụp x quang phổi đầu tiên là có thể giúp bác sĩ có thể kiểm tra, theo dõi được tình trạng hoạt động của phổi, từ hình ảnh đó, các bác sĩ có thể phát hiện những bất thường, tổn thương ở phổi.
Lợi ích lớn nhất của chụp X quang phổi thường kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường ở phổi nhất là các khối u phổi mới và còn nhỏ, việc phát hiện sớm trong giai đoạn còn điều trị phẫu thuật tiệt căn được sẽ giúp tiên lượng bệnh tốt hơn rất nhiều.
Ngoài chẩn đoán các bệnh lý về phổi thì chụp X-quang phổi còn có thể phát hiện các bệnh lý tim mạch như: Hở van tim, suy tim và các dị tật tim khác,... Không dừng lại ở đó, chụp X-quang còn có thể chẩn đoán hiện trạng của dịch màng tim.
Khi thực hiện chụp X-quang, bác sĩ sẽ nhận được một hình ảnh phác thảo về các mạch máu. Những mạch máu này là các mạch máu quan trọng ở gần tim nên bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện được các bất thường ở động mạch, tĩnh mạch phổi và tim.
X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giả rẻ, đơn giản mà hiệu quả cao được thực hiện thường quy tại nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, nên bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp X-quang phổi để phát hiện sự có mặt của các chất, hợp chất gây hại trong mạch máu, van tim như: Canxi, hợp chất của canxi,.. Ngoài ra, chụp X-quang vùng phổi còn để theo dõi quá trình hậu phẫu ở vùng ngực của bệnh nhân.
3. Khi nào nên chụp X-quang phổi?
Cũng như nhiều các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, X-quang phổi được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
3.1. Xuất hiện các biểu hiện là triệu chứng của bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Một tỷ lệ lớn người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe tổng thể, định kỳ. Tuy nhiên, bệnh có thể được phát hiện sớm nếu người bệnh thường xuyên có các dấu hiệu sau đây:
- Có cảm giác đau, tức tại một vị trí nhất định ở ngực, có trường hợp sẽ bị ho ra đờm lẫn máu.
- Người bệnh bị ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi, ăn không ngon miệng, giảm cân không rõ lý do, mệt mỏi.
Khi bệnh ung thư phổi tiến triển nặng hơn có thể khiến người bệnh mất giọng, khản tiếng, xương khớp, đầu ngón chân tay bị biến dạng.
3.2. Bị chấn thương ngực
Trong trường hợp bị chấn thương ngực thì phổi có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định chụp X-quang phổi để chẩn đoán gãy xương, đụng dập phổi, tràn máu, tràn khí màng phổi,...
3.3. Khi đi khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ là việc làm cần thiết với mỗi người. Việc thăm khám có thể phát hiện sớm các bệnh lý để có hướng điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Thông thường, trong lần khám sức khỏe định kỳ, các bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang phổi.
Ngoài các trường hợp trên thì những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, có tiền sử các bệnh lý đường hô hấp mãn tính cũng nên thực hiện chụp X-quang phổi.
4. Khi chụp X-quang phổi cần lưu ý điều gì?
Để hình ảnh X-quang phổi chân thực và rõ nét nhất thì người bệnh cần tuân thủ theo đúng quy trình và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của các y bác sĩ. Theo đó, người bệnh cần chú ý những điều sau đây khi chụp X-quang phổi:
- Người bệnh cần mang theo các tóm tắt bệnh án, phiếu xét nghiệm, kết quả chụp X-quang các lần khám trước, bởi trong một số trường hợp các bác sĩ cần có sự so sánh để đưa ra kết luận bệnh án.
- Thông báo cho bác sĩ nếu có nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai để tránh sự ảnh hưởng xấu của tia X đến thai nhi.
- Người bệnh cần mặc đồ mỏng, nhẹ hoặc mặc áo choàng của bệnh viện, cơ sở y tế chụp x-quang.
- Tháo bỏ các vật dụng gây ảnh hưởng đến phim chụp như kim loại, trang sức.
Bên cạnh những lợi ích khi chụp X-quang phổi thì phương pháp này cũng tồn tại những mặt hạn chế nhất định. Tuy nhiên để hạn chế được những nhược điểm đó thì người bệnh cần chọn một cơ sở y tế uy tín để thực hiện chụp X-quang phổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.