Đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thận giai đoạn cuối. Lọc màng bụng mang lại khả năng sống sót tương đương hoặc tốt hơn so với chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân đái tháo đường trong những năm đầu chạy thận.
1. Ảnh hưởng của đái tháo đường đối với bệnh nhân lọc màng bụng
- Dịch lọc glucose: Khi vào giai đoạn cuối và bắt đầu lọc máu thì sự kiểm soát đường máu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lọc màng bụng với dịch lọc glucose có thể làm gia tăng đường huyết và đòi hỏi kiểm soát đường huyết tốt nhằm giảm các biến chứng đái tháo đường, duy trì khuynh độ thẩm thấu dịch lọc để đạt được siêu lọc tốt. Lượng đường Glucose được hấp thu từ dịch lọc có tác dụng lẫn tác hại cho người bệnh, góp phần dự trữ năng lượng, tăng đường huyết, tăng insulin máu, tăng lipid máu, tăng nguy cơ béo phì. Do đó, người bệnh cần tránh dùng dung dịch ưu trương bằng cách:
- Hạn chế muối.
- Kiểm soát tốt đường huyết.
- Người bệnh cần được giải thích để hiểu được sự liên quan giữa lượng muối ăn vào, nhu cầu siêu lọc và lý do tránh dùng dịch lọc ưu trương.
- Chức năng thận tồn dư ở người bệnh đái tháo đường: So với người bệnh khác, chức năng thận tồn dư có thể mất nhanh hơn ở người bệnh có nền đái tháo đường. Cơ chế bao gồm tình trạng viêm mạn, sự gia tăng nồng độ cytocine tiền viêm, mất chức năng thận tồn dư, đòi hỏi phải gia tăng lọc dịch qua siêu lọc màng bụng, từ đó gia tăng nhu cầu dùng dịch ưu trương. Vì vậy, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp bảo tồn chức năng thận tồn dư, như dùng thuốc ức chế men chuyển, tránh dùng các thuốc gây độc thận...
- Dinh dưỡng: Biến chứng liệt dạ dày do đái tháo đường và cảm giác đầy bụng tăng thêm do dịch trong ổ bụng ảnh hưởng đến sự thèm ăn cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó, người bệnh cần được cung cấp thêm chất đạm, điều chỉnh hạ kali máu để tránh viêm phúc mạc.
- Kê toa lọc màng bụng: Người bệnh đái tháo đường thường có loại vận chuyển màng bụng cao gây khó khăn trong siêu lọc và góp phần làm cho kỹ thuật thất bại. Do đó, cần thay đổi cách thức lọc màng bụng hoặc thay đổi thời gian ngâm dịch cho thích hợp.
2. Lọc màng bụng ở bệnh nhân đái tháo đường được tiến hành như thế nào?
Người bệnh đái tháo đường lọc màng bụng được tiến hành theo các bước như sau:ư
- Kiểm soát tốt đường huyết càng sớm càng tốt và duy trì trong suốt quá trình lọc màng bụng.
- Tránh dùng dung dịch ưu trương ngay từ khi bắt đầu lọc màng bụng.
- Người bệnh cần được giải thích để hiểu được mối liên hệ giữa ăn muối và nhu cầu dùng dịch ưu trương.
- Kiểm soát tốt huyết áp để tránh các bệnh đồng phát. Thuốc ức chế men chuyển là thuốc lý tưởng để điều trị huyết áp và giúp bảo tồn chức năng thận tồn dư.
- Theo dõi định kỳ chỉ số HbA1C.
- Xem xét việc dùng thuốc lợi tiểu và thuốc ức chế thụ thể để bảo vệ chức năng thận tồn dư.
- Tránh dùng các thuốc độc thận.
- Kiểm tra tình trạng bàng quang thần kinh và nhu cầu đặt ống thông tiểu để duy trì chức năng thận tồn dư.
- Nếu mất siêu lọc ở lần ngâm dịch lâu, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng Icodextrin hoặc tăng thêm một lần trao đổi dịch.
- Có thể khuyến khích dùng Mupirocin hoặc Gentamycin mỗi ngày để tránh nhiễm trùng lỗ thoát và viêm phúc mạc.
- Điều chỉnh hạ kali máu.
- Theo dõi và điều trị bệnh răng miệng.
- Theo dõi các chỉ số dinh dưỡng vì người bệnh đái tháo đường có tình trạng vận chuyển cao và mất nhiều chất đạm, hãy bổ sung nếu cần thiết.
- Nếu bệnh nhân liệt dạ dày nặng, cân nhắc xả dịch trước các bữa ăn cho số lượng dịch ít hơn hoặc điều trị bằng thuốc.
- Hướng dẫn người bệnh kiểm tra bàn chân đái tháo đường, khuyến khích bệnh nhân làm ẩm chân và ngăn ngừa khô nứt da. Kiểm tra mạch máu ở xa.
- Khám mắt định kỳ hàng năm.
- Điều trị rối loạn lipid máu.
- Bệnh nhân nên tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng cố định.
Tóm lại, lọc màng bụng mang lại khả năng sống sót tương đương hoặc tốt hơn so với chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân đái tháo đường trong những năm đầu chạy thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.