Loãng xương ở bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh gây tắc nghẽn thông khí phổi làm suy giảm thông khí mạn tính. Bệnh kéo theo các bệnh đồng mắc, trong đó có loãng xương.

1. Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là tình trạng bệnh lý với các biểu hiện mạn tính ở phổi gây suy giảm thông khí. Tắc nghẽn luồng khí tiến triển cùng với sự viêm bất thường của phổi do khí và hạt độc hại. Bệnh sẽ làm suy giảm từ từ chức năng thông khí phổi.

Theo thời gian bệnh sẽ tiến triển xấu dần khiến các hoạt động bình thường hàng ngày như: Đi bộ, tập thể dục trở nên khó khăn. Ngoài ra, người bệnh có các triệu chứng rõ ràng như khó thở, thở khò khè, căng ngực, bị ho thường xuyên, có đờm trong cổ, mệt nhọc.

2. Nguyên nhân gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Nguyên nhân gây bệnh là do hút quá nhiều thuốc lá. Khói thuốc lá có khả năng oxy hóa mạnh và kích thích phản ứng viêm dẫn đến làm phá hủy cấu trúc phổi dưới tác động của các men phân hủy protein.


Hút thuốc lá quá nhiều là nguyên nhân chính gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Hút thuốc lá quá nhiều là nguyên nhân chính gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Ngoài ra, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD còn do các yếu tố khác tác động như: Ô nhiễm khí thở, ô nhiễm không khí, chất thải môi trường. Tiếp xúc lâu với các hóa chất độc hại.

3. Loãng xương ở bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính

Nghiên cứu đã chỉ ra loãng xương có mối quan hệ mật thiết ở bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Loãng xương hay gãy xương đều là bệnh rất phổ biến ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.

Khi mắc bệnh COPD, người bệnh sẽ bị giảm mật độ xương và giảm chất lượng xương dẫn tới giảm độ chắc cũng như dễ gãy xương. Ngoài ra, bệnh cũng sẽ gây nguy cơ biến chứng ngoại khoa và biến chứng sau khi phẫu thuật.

Các nguy cơ lâm sàng chung khác của bệnh nhân mắc COPD cũng là nguyên nhân dẫn tới dễ bị loãng xương như: Hút thuốc, tuổi cao, nhẹ cân, ít vận động. Ngoài ra chức năng phổi kém, viêm phổi, thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân gây loãng xương. Ngoài ra một lí do quan trọng hiện có rất nhiều bệnh nhân sử dụng các thuốc có chứa corticoid trong điều trị bệnh COPD tùy tiện cũng là nguyên nhân gây loãng xương. Vì vậy khi bệnh nhân được chẩn đoán bị phổi tắc nghẽn mạn tính, cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện, đánh giá bệnh loãng xương cũng như nguy cơ gãy xương ở giai đoạn sớm.


Các chức năng của phối kém cũng làm tăng nguy cơ loãng xương của bệnh nhân COPD
Các chức năng của phối kém cũng làm tăng nguy cơ loãng xương của bệnh nhân COPD

Nếu dự phòng kịp thời sự phát triển của loãng xương sẽ giúp bác sĩ có phương án điều trị thích hợp cho bệnh loãng xương đã hình thành, từ đó cũng sẽ cải thiện tình hình sức khỏe bệnh nhân COPD, bảo tồn được chức năng phổi của họ và cuối cùng đem lại tiên lượng tốt hơn cho những bệnh nhân này.

4. Cần làm gì để cải thiện khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

Nguyên nhân chính gây mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do người bệnh hút thuốc lá lâu năm, vì vậy bắt buộc bỏ thuốc lá và không sống trong môi trường có khói thuốc lá là nguyên tắc hàng đầu trong quá trình điều trị bệnh.

Việc bỏ thuốc là điều khó khăn đối với người bệnh do phải từ bỏ thói quen lâu năm. Vì vậy, việc này đòi hỏi sự hợp tác tích cực của chính bệnh nhân để tạo điều kiện cũng như giúp bác sĩ có thể điều trị tốt nhất cho người bệnh. Rất ít trường hợp cần phải sử dụng thuốc để cai nghiện.

Phương pháp điều trị mắc bệnh tắc nghẽn mạn tính bao gồm cả điều trị bằng thuốc và không bằng thuốc. Do đây là bệnh mạn tính với hiện tượng phá hủy cấu trúc phổi không hồi phục nên bệnh nhân sẽ phải điều trị kéo dài suốt đời, không thể khỏi hẳn.

Ngoài việc bắt buộc ngừng tiếp xúc với khói thuốc, người bệnh và gia đình cần thực hiện các các nguyên tắc sau:

  • Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tiêm vacxin cúm hàng năm nếu bác sĩ yêu cầu.

Bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ
Bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ
  • Đi khám định kỳ ít nhất 2 lần/ năm. Nếu triệu chứng có thấy dấu hiệu nặng lên cần nhanh chóng đi khám để kịp thời xử lý.
  • Tạo nơi sinh hoạt thoáng đãng (thông gió tốt), sạch sẽ, không khói bụi
  • Vận động, thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe, tùy theo tình trạng sức khỏe cho phép với nguyên tắc: Nhẹ nhàng, đều đặn, kết hợp với tập thở hiệu quả.
  • Ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamin, uống nhiều nước, rau củ quả
  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh sử dụng đồ ăn hay thức uống gây đầy hơi hoặc có chất kích thích.
  • Nếu thấy có những bất thường như khó thở hơn, đờm đặc nhiều, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe