Loạn thị là một tật khúc xạ do hình ảnh hội tụ không nằm trên võng mạc. Loạn thị là cực kỳ phổ biến - nhiều người bị loạn thị ở một mức độ nào đó. Đối với đa số mọi người, loạn thị nhẹ không gây ra những thay đổi về thị lực đáng kể và do đó không cần điều chỉnh.
Tuy nhiên, khi loạn thị gây nên nhìn mờ hoặc nhìn hình méo mó thì việc điều chỉnh là cần thiết. Những bệnh nhân loạn thị nghĩ rằng họ không thể phẫu thuật khúc xạ bằng laser. Quan niệm sai lầm này bắt nguồn từ những ngày đầu của việc điều trị tật khúc xạ bằng laser - nhưng sự thật là phẫu thuật khúc xạ bằng laser đã có thể điều chỉnh chứng loạn thị trong nhiều năm nay.
1. Loạn thị là gì?
Loạn thị là một tật khúc xạ do hình ảnh hội tụ không nằm trên võng mạc (giác mạc).
Loạn thị là khi nhìn hình bị mờ hoặc méo mó, thường ở mọi khoảng cách. Loạn thị xảy ra khi giác mạc không đều. Kết quả là các tia sáng đi qua giác mạc bị bẻ cong không đều và không hội tụ tại một điểm trên võng mạc.
Loạn thị là một chẩn đoán phổ biến và hầu hết mọi người đều có một mức độ bất đối xứng của giác mạc nhất định. Trong khi những người bị loạn thị nhẹ có thể không biết mình mắc tật khúc xạ này cho đến khi họ đi khám mắt định kỳ, những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tầm nhìn rất méo mó - như thể đang nhìn qua một tấm gương bóp méo.
2. Nguyên nhân của loạn thị
Nguyên nhân cụ thể của chứng loạn thị không rõ, có thể là di truyền. Loạn thị có thể giảm hoặc tăng theo thời gian. Loạn thị gặp ở tất cả mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh do di truyền hoặc ở người trưởng thành. Một số trường hợp loạn thị mắc phải sau khi gặp các bệnh về mắt hoặc sau phẫu thuật mắt.
Xem tivi nhiều, đọc sách trong điều kiện không đủ ánh sáng không phải nguyên nhân gây ra bệnh loạn thị. Loạn thị thường phổ biến và xảy ra cùng với cận thị hoặc viễn thị.
3. Làm cách nào để biết mình có bị loạn thị hay không?
Triệu chứng chính của loạn thị là nhìn mờ ở mọi khoảng cách. Bạn cũng có thể bị nhức đầu, nhìn hai hình, cần nheo mắt để nhìn rõ hơn. Bác sĩ có thể chẩn đoán loạn thị khi khám mắt định kỳ.
4. Làm thế nào để điều chỉnh được tật loạn thị?
Có ba lựa chọn để điều chỉnh chứng loạn thị - đeo kính gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Kính gọng theo đơn hoặc kính áp tròng có thể điều chỉnh loạn thị (cùng với tật viễn thị hoặc viễn thị, nếu cần).
Trong phẫu thuật khúc xạ cho bệnh loạn thị, tia laser được sử dụng để loại bỏ một lượng nhỏ nhu mô giác mạc để điều chỉnh độ cong của giác mạc. Điều này cho phép ánh sáng bây giờ tập trung vào võng mạc tại một điểm duy nhất, mang lại cho bạn tầm nhìn rõ ràng hơn. Hầu hết những người bị loạn thị đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản đủ điều kiện sẽ có thể phẫu thuật khúc xạ. Trong một số trường hợp, tật khúc xạ quá cao (độ cận, độ loạn) hoặc quá bất thường sẽ không phù hợp với phẫu thuật khúc xạ.
Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ phẫu thuật mắt sẽ cho bạn biết tình trạng loạn thị của bạn có thể điều chỉnh được bằng phẫu thuật khúc xạ hay không và loại phẫu thuật khúc xạ nào là phù hợp nhất cho bạn. Điều này phụ thuộc vào sức khỏe và độ dày của giác mạc, cũng như các yếu tố lối sống của bạn.
Những bệnh nhân loạn thị trên 55 tuổi có thể thích hợp với phẫu thuật thay thủy tinh thể hơn là phẫu thuật khúc xạ. Trong quá trình thay thủy tinh thể hoặc phẫu thuật đục thủy tinh thể, thủy tinh thể tự nhiên của mắt được lấy ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Thấu kính Toric là một loại thấu kính thay thế có thể điều chỉnh tật loạn thị.
Lời khuyên của bác sĩ
Các bác sĩ và chuyên gia khuyến cáo phòng ngừa và hạn chế loạn thị bằng các biện pháp như:
- Khi có các triệu chứng bệnh cần đi kiểm tra và điều trị sớm để tránh trường hợp bệnh nặng và tiến triển.
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho mắt đặc biệt là Vitamin A.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Trung tâm mắt Vinmec-Alina tại tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0865463883 để được hỗ trợ.