Loạn sản vỏ não - nguyên nhân gây động kinh hàng đầu ở trẻ em nhưng dễ bị bỏ sót

Loạn sản vỏ não - nguyên nhân gây động kinh hàng đầu ở trẻ em nhưng dễ bị bỏ sót

Tổn thương loạn sản vỏ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây động kinh ở trẻ em với khoảng 5 - 25% bệnh nhân. Tuy nhiên, đây lại là một tổn thương khó phát hiện, dễ bỏ sót. Do đó, nhiều trường hợp động kinh từ nguyên nhân này không được điều trị triệt để, kéo dài đến tuổi trưởng thành, ảnh hưởng lớn đến học tập sinh hoạt và phát triển tâm thần trí tuệ của trẻ.

Hết động kinh sau phẫu thuật cắt tổ chức loạn sản vỏ não

Nguyễn V.H (18 tuổi) và Hoàng T.N (25 tuổi), sinh sống ở Hà Nội và Huế đều là các bệnh nhân bị động kinh từ nhỏ. Thời gian các anh mắc bệnh đã khoảng 10 - 15 năm, đi nhiều nơi điều trị, dùng thuốc không kiểm soát được cơn động kinh. Bệnh nhân H. ngày nào cũng lên cơn, mỗi ngày lên 10 cơn, có ngày lên 35 cơn. Bệnh nhân N. đêm nào cũng lên cơn sau đó mỗi 2-3 ngày lại lên cơn ban ngày, có ngày lên 10 cơn.

Khi đến thăm khám với các chuyên gia về động kinh của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, hai bệnh nhân đều được xác định nguyên nhân là động kinh kháng trị do loạn sản vỏ não ở thùy trán bên trái.

Loạn sản vỏ não thường là một tổn thương thường gặp ở bệnh nhân động kinh nhưng rất dễ bị bỏ sót trên phim cộng hưởng từ (MRI). Vì thế, suốt thời gian qua, bệnh không được điều trị một cách đặc hiệu dẫn đến bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Khi đã tìm ra nguyên nhân, thử thách tiếp tục đặt ra đối với bác sĩ điều trị với các trường hợp này nếu các tổn thương gây động kinh nằm sát vùng vỏ não chức năng (vận động, ngôn ngữ, hoặc thị giác...). Phải cắt bỏ rộng rãi tổ chức loạn sản vỏ não để lấy hết các tổn thương thì mới cắt được cơn co giật, nhưng phải đảm bảo không gây tổn thương đến ngôn ngữ và vận động. Nguy cơ bệnh nhân bị liệt sau mổ hoặc mất khả năng nói rất dễ xảy ra nếu phẫu thuật không chính xác và không có phương tiện công nghệ hỗ trợ.

Với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại (MRI 3.0, navigation, điện não đồ video, theo dõi điện sinh lý thần kinh trong mổ) và đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và bài bản về động kinh, chúng tôi đã có thể chẩn đoán đúng nguyên nhân và thực hiện cuộc mổ thành công, không tai biến cho người bệnh” - Ths.Bs Trương Văn Trí, Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh chức năng, Bệnh viện Vinmec Central Park cho biết.

Sau phẫu thuật, hiện nay 2 bệnh nhân đều đã hết lên cơn động kinh, trở lại sinh hoạt, học tập bình thường. Bệnh nhân H. từ chỗ mỗi ngày đều phải có từ 10 - 20 cơn thì 6 tháng nay không lên cơn động kinh nào. Bệnh nhân N. trước mổ ngày nào cũng lên cơn, có ngày lên 10 cơn, hiện tại trong gần 2 tháng sau mổ cũng không lên cơn co giật nào.

Lý do nào bệnh động kinh ở trẻ em khó điều trị?

Động kinh gây tổn thương tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm thần, trí tuệ, làm người bệnh mất khả năng học tập, lao động, phải phụ thuộc vào người khác, gây chấn thương do té ngã, và có thể gây đột tử do các cơn co giật.

Nguyên nhân gây động kinh hàng đầu ở người lớn là do xơ hoá hồi hải mã, chiếm khoảng 33-66% ca động kinh. Tuy nhiên, ở trẻ em nguyên nhân hàng đầu lại là loạn sản vỏ não khu trú với khoảng 5 - 25% bệnh nhân. Cả bệnh nhân H. và N. nói trên đều bị động kinh do loạn sản vỏ não, bệnh xuất hiện từ nhỏ nhưng đã bị bỏ sót, không tìm ra nguyên nhân nên kéo dài đến lúc các em trở thành người lớn.

Bệnh viện Vinmec Central Park đã khám và chẩn đoán ra nguyên nhân gây động kinh cho nhiều bệnh nhân bị động kinh kéo dài do các tổn thương này bị bỏ sót khi đến khám các cơ sở y tế trước đây. Với kết quả 70-80% bệnh nhân hết động kinh sau phẫu thuật, tỷ lệ thành công của điều trị căn bệnh này tại Vinmec Central Park hiện tương đương tỷ lệ của các trung tâm động kinh trên thế giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe