Liều thuốc chống say xe bao nhiêu là đủ?

Say tàu xe là nỗi ám ảnh của nhiều người với các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa,... Thuốc chống say xe ra đời giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, liều thuốc chống say xe bao nhiêu là đủ?

1. Các loại thuốc chống say xe

1.1 Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin đã được sử dụng như một loại thuốc chống say tàu xe, giúp kiểm soát các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh,... khi di chuyển trên các phương tiện như xe hơi, tàu thủy, máy bay,... Thuốc kháng histamin trên thị trường có nhiều loại khác nhau, trong đó Dimenhydrinate, Diphenhydramine, Promethazine, Meclizine,... đường uống thường được sử dụng để dự phòng say xe. Có thể sử dụng thuốc kháng Histamin đơn độc hoặc phối hợp với các biện pháp khác để tăng cường hiệu quả chống say xe.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng Histamin có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như: buồn ngủ, khô miệng, mờ mắt,...

1.2. Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic cũng được sử dụng để chống say xe nhờ cơ chế ngăn chặn Acetylcholine - chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến hoạt động của hệ tiêu hóa cũng như bài tiết nước bọt. Miếng dán Scopolamine là một trong những sản phẩm chống say xe chứa thành phần kháng cholinergic được sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng cholinergic bao gồm khô miệng, buồn ngủ, nhìn mờ, kích ứng da,...

2. Liều thuốc chống say xe bao nhiêu là đủ?

Thật khó để trả lời chính xác liều thuốc chống say xe bao nhiêu là đủ, bởi vì liều thuốc chống say xe được sử dụng tùy thuộc vào lứa tuổi, tiền sử, phương thức đi lại, khoảng thời gian đi lại và loại thuốc cụ thể được sử dụng, phù hợp với nhu cầu của mỗi người.

  • Lứa tuổi: Liều thuốc say xe của trẻ em thường thấp hơn người lớn. Mỗi loại thuốc say xe sẽ có liều lượng cụ thể tương ứng với từng nhóm tuổi của người sử dụng.
  • Tiền sử: Khai thác tiền sử say xe giúp lựa chọn loại thuốc say xe với liều lượng thích hợp.
  • Khoảng thời gian đi lại: Ước tính quãng đường di chuyển, thời gian di chuyển trên xe sẽ giúp chọn loại thuốc say xe thích hợp. Liều lượng của thuốc cũng được cân nhắc dựa vào quãng đường di chuyển.
  • Phương thức đi lại: Các phương thức đi lại khác nhau cũng gây ra mức độ say xe khác nhau, ví dụ như: xe hơi, tàu lửa, tàu hỏa, phà, máy bay,... Liều thuốc say xe cũng cần được điều chỉnh tùy vào phương tiện sử dụng.
  • Loại thuốc cụ thể: Mỗi thuốc say xe sẽ có hàm lượng, liều lượng sử dụng khác nhau. Không thể lấy liều của thuốc say xe này làm liều sử dụng cho thuốc say xe khác.

3. Cách uống thuốc chống say xe

Để chống say xe, thuốc dạng viên chứa thành phần kháng Histamin như: Dimenhydrinate, Diphenhydramine, Promethazine, Meclizine,... nên được uống trước khi lên xe từ 30 đến 60 phút. Một số loại thuốc chống say xe khác cần uống sớm hơn, trước khi lên xe 1 giờ hoặc vào tối hôm trước.

Đối với miếng dán Scopolamine, cần dán trước khi lên xe ít nhất 4 giờ và có thể lưu lại tối đa 72 giờ.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống say xe

Khi sử dụng thuốc say xe, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Không uống rượu khi dùng các thuốc chống say xe, vì có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ có hại.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc say xe đồng thời với Acetaminophen, Ibuprofen vì một số thuốc chống say xe có thể tương tác với các thuốc này.

5. Một số biện pháp hỗ trợ khắc phục chứng say xe

Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để khắc phục chứng say xe:

  • Giảm chuyển động, nên lựa chọn ngồi ở phía trước ô tô.
  • Nhìn thẳng về phía trước vào một điểm cố định khi di chuyển trên xe.
  • Hít thở không khí trong lành bằng cách mở cửa sổ ô tô (nếu được).
  • Nhắm mắt và thở chậm, tập trung vào hơi thở.
  • Đánh lạc hướng việc say xe bằng cách nói chuyện, nghe nhạc, hoặc hát.
  • Thử sử dụng các sản phẩm từ gừng như kẹo gừng, trà gừng, nước gừng,...
  • Thử uống trà hoa cúc.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ trước khi lên xe.

Không nên làm những điều sau đây để hạn chế say xe:

  • Không đọc sách, xem phim hay sử dụng các thiết bị điện tử khi xe đang di chuyển.
  • Không nhìn vào các vật thể đang chuyển động, chẳng hạn như một ô tô khác đang đi qua,...
  • Không ăn quá nhiều, ăn thức ăn cay, giàu chất béo, hay uống rượu ngay trước khi lên xe.

Việc uống thuốc chống say xe đủ liều và đúng cách sẽ giúp giảm cảm giác say xe một cách hiệu quả cũng như có được tinh thần tốt sau mỗi chuyến đi dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe