Điều trị bằng iốt phóng xạ là một cách phổ biến để điều trị các dạng ung thư tuyến giáp biệt hóa (thể nhú và thể nang). Đó không phải là loại bức xạ mà bạn có thể liên tưởng khi nghĩ đến điều trị ung thư. Iốt phóng xạ được cung cấp bằng đường uống (thuốc viên), khi vào cơ thể, iốt phóng xạ sẽ hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào ung thư.
1. Điều trị ung thư tuyến giáp với liệu pháp i ốt phóng xạ
Tuyến giáp có khả năng hấp thụ gần như tất cả iốt khi được đưa vào trong cơ thể bạn. Do đó, iốt phóng xạ - Radioiodine (RAI, còn được gọi là I-131) có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp. Iốt phóng xạ - Radioiodine thu thập chủ yếu trong các tế bào tuyến giáp, nơi bức xạ có thể phá hủy tuyến giáp và bất kỳ tế bào tuyến giáp nào khác (bao gồm cả tế bào ung thư) chiếm iốt, mà ít ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể bạn. Liều bức xạ được sử dụng ở đây mạnh hơn nhiều so với liều lượng được sử dụng trong quét tia phóng xạ.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp uống iod phóng xạ có thể được sử dụng để cắt bỏ (phá hủy) bất kỳ mô tuyến giáp nào không được loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc để điều trị một số loại ung thư tuyến giáp đã di căn đến các hạch bạch huyết cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
Điều trị iốt phóng xạ ban đầu có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, nhưng thường là 6 tuần đến 6 tháng sau khi phẫu thuật. Lý do của việc trì hoãn có thể là do bác sĩ của bạn muốn xem tình trạng của bạn sau khi phẫu thuật như thế nào trước khi quyết định xem liệu iốt phóng xạ có cần thiết hay không.
Liệu pháp iốt phóng xạ giúp người bệnh sống lâu hơn nếu họ bị ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc thể nang (ung thư tuyến giáp biệt hóa) đã di căn đến cổ hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Nhưng lợi ích của liệu pháp iốt phóng xạ ít rõ ràng hơn đối với những người bị ung thư tuyến giáp nhỏ mà dường như chưa di căn, thường có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Vì vậy, tuỳ thuộc vào tình trạng thực tế của bệnh thì bạn nên thảo luận về rủi ro và lợi ích của liệu pháp iốt phóng xạ với bác sĩ. Mặc khác, liệu pháp iốt phóng xạ không thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (không biệt hóa) và thể tủy vì những loại ung thư này không sử dụng iốt.
2. Đối tượng điều trị liệu pháp iốt phóng xạ
Liệu pháp iốt phóng xạ thường chỉ được xem xét cho những người có giai đoạn 2-4 của ung thư tuyến giáp, đây được coi là có nguy cơ cao hơn. Những người có nguy cơ tái phát thấp thường không cần điều trị với liệu pháp iốt phóng xạ. Điều này bao gồm những bệnh nhân:
- Người chỉ có một nốt ung thư mà không có 'đặc điểm hung hãn'
- Dưới 45 tuổi
- Không có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp
- Bị ung thư tuyến giáp giai đoạn I
3. Chuẩn bị cho liệu pháp iốt phóng xạ
Để liệu pháp iốt phóng xạ đạt hiệu quả cao nhất, bạn phải có một lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH hoặc thyrotropin) cao trong máu. Hormone này là yếu tố làm cho mô tuyến giáp (và tế bào ung thư) hấp thụ iốt phóng xạ. Nếu tuyến giáp của bạn đã bị loại bỏ, thì sẽ có một số cách để tăng mức TSH trước khi được điều trị bằng iốt phóng xạ:
- Một cách là ngừng uống thuốc hormon tuyến giáp trong vài tuần. Điều này khiến lượng hormone tuyến giáp rất thấp (suy giáp), khiến tuyến yên tiết ra nhiều TSH hơn. Suy giáp cố ý này sẽ là trạng thái tạm thời, nhưng nó thường gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm, tăng cân, táo bón, đau cơ và giảm khả năng tập trung.
- Một cách khác là tiêm (chích) thyrotropin (Thyrogen), có thể làm cho việc giữ lại hormone tuyến giáp trong một thời gian dài. Thuốc này được dùng hàng ngày trong vòng 2 ngày, tiếp theo là iốt phóng xạ vào ngày thứ 3.
Hầu hết các bác sĩ đều khuyên bạn nên tuân theo chế độ ăn ít iốt trong 1 hoặc 2 tuần trước khi điều trị. Điều này có nghĩa là tránh thực phẩm có chứa muối iốt và thuốc nhuộm đỏ.
Chế độ ăn ít iốt:
- Thực phẩm không hạn chế: Bạn có thể ăn bao nhiêu loại thực phẩm này tùy thích vì hàm lượng iodine trong chúng rất thấp: Trái cây và rau bao gồm khoai tây, thịt, muối ăn thông thường và muối biển, bánh mì tươi, cơm và mì ống khô, các loại thực phẩm không sữa như Vitalite, Pure và không sữa Flora, dầu ô liu, dầu thực vật và dầu hạt, nước, nước ngọt, đồ uống có ga, nước hoa quả và đồ uống có cồn, trà và cà phê không sữa, các sản phẩm thay thế sữa như dừa, gạo, hạnh nhân và sữa đậu nành tránh những loại có chứa thành phần carrageenan (vì chất này có nguồn gốc từ rong biển), sô cô la đen và đơn giản có 70% cacao trở lên, khoai tây chiên giòn
- Thực phẩm hạn chế: Bạn có thể ăn một lượng nhỏ các loại thực phẩm này vì chúng có một lượng iốt hiện đại hóa:sữa khoảng 5 - 7 muỗng cà phê một ngày (25ml), bơ một thìa cà phê (5g) mỗi ngày, phô mai 25 g (1 ounce) mỗi tuần, các sản phẩm từ sữa như sữa chua và kem sữa 1 lần mỗi tuần, 1 quả trứng mỗi tuần, các sản phẩm có chứa trứng như mayonnaise, sữa trứng, mì ống trứng tươi, cơm chiên trứng, bánh pudding Yorkshire, bánh kếp
- Thực phẩm cần tránh: Lý do bạn không nên ăn những thực phẩm này vì chúng có hàm lượng iốt cao: cá, hải sản, rong biển, tảo bẹ và bánh mì laverbread, rau xanh sống như rau bina và bông cải xanh, bánh ngọt và bánh quy làm từ trứng hoặc bơ, sôcôla sữa và socola trắng, thức ăn nhanh và thức ăn nhà hàng vì thành phần của chúng không được biết rõ và có thể chứa iốt, muối iốt và muối hồng Himalaya đến từ bên ngoài Vương quốc Anh, bổ sung vitamin và khoáng chất, bổ sung dinh dưỡng và hỗn hợp trị ho (trừ khi được đội ngũ y tế kê đơn, ví dụ như vitamin D)
3. Rủi ro và tác dụng phụ liệu pháp iốt phóng xạ
Cơ thể của bạn sẽ phóng xạ một thời gian sau khi bạn được trị liệu iốt phóng xạ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào liều lượng phóng xạ được sử dụng và cơ sở y tế mà bạn đang được điều trị. Nhưng điều nên làm đó là bạn có thể phải ở bệnh viện vài ngày sau khi điều trị, ở trong phòng cách ly đặc biệt để ngăn người khác bị nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể thì sẽ có một số người có thể không cần nhập viện. Khi bạn được phép về nhà sau khi điều trị, bạn sẽ được hướng dẫn cách bảo vệ người khác khỏi bị nhiễm phóng xạ và bạn cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa này trong bao lâu. Các hướng dẫn này có thể thay đổi một chút tùy theo trung tâm điều trị. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu các hướng dẫn trước khi xuất viện.
Các tác dụng phụ ngắn hạn của điều trị ung thư tuyến giáp với liệu pháp iốt phóng xạ:
- Đau và sưng cổ
- Buồn nôn và ói mửa
- Sưng và đau các tuyến nước bọt
- Khô miệng
- Thay đổi hương vị
Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng có thể giúp điều trị các vấn đề về tuyến nước bọt.
Điều trị bằng chất phóng xạ cũng làm giảm sự hình thành nước mắt ở một số người, dẫn đến khô mắt. Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn nên làm gì để cải thiện tình trạng này.
Những người là nam giới được sử dụng tổng liều với lượng bức xạ lớn do tích lũy từ nhiều phương pháp điều trị với iốt phóng xạ có thể có số lượng tinh trùng thấp hơn hoặc có thể là yếu tố nguy cơ gây vô sinh, tuy nhiên trường hợp này khá hiếm. Iốt phóng xạ cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng của phụ nữ và một số phụ nữ có thể có kinh nguyệt không đều trong tối đa một năm sau khi điều trị với hợp chất này. Nhiều bác sĩ khuyến cáo phụ nữ tránh mang thai từ 6 tháng đến một năm sau khi điều trị. Ngoài ra, không có ảnh hưởng xấu nào được ghi nhận ở những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ đã nhận được iốt phóng xạ để điều trị bệnh ung thư tuyến giáp trong quá khứ.
Cả nam giới và nữ giới đã điều trị iốt phóng xạ đều có thể tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu, ung thư dạ dày và ung thư tuyến nước bọt trong tương lai. Các bác sĩ không đồng nhất quan điểm về mức độ chính xác của nguy cơ này tăng lên, nhưng hầu hết các nghiên cứu lớn nhất đã phát hiện ra rằng đây là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp.
Bạn hãy nói chuyện với nhóm nhân viên y tế nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về những rủi ro có thể có và lợi ích của việc điều trị này.
Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.org