Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Tưởng Thị Vân Thùy - Trưởng nhóm Nguồn mẫu sinh học - Ngân hàng sinh học, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Khả năng sinh tinh của tinh hoàn được biết đến có thể duy trì từ lúc dậy thì cho đến cuối đời của mỗi người nam giới bình thường. Điều này được hiểu là người nam giới sẽ có khả năng sinh sản “trọn đời“, khác với người phụ nữ chỉ duy trì khả năng sinh sản được đến năm 40-50 tuổi. Đây phải chăng là lý do sâu xa khiến nam giới đang ngày càng trì hoãn việc có con.
Theo một báo cáo tạp chí nổi tiếng Human Reproductive, Hoa Kỳ, độ tuổi trung bình để trở thành người cha sinh học của nam giới toàn cầu đã tăng lên khoảng 3,5 tuổi (1). Các lý do chính được thống kê như xu thế kết hôn muộn, tuổi thọ ngày càng tăng, theo đuổi sự nghiệp, trình độ học vấn cao, các biện pháp tránh thai có nhiều cải thiện/thuận tiện, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển,...
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học và thực tế lâm sàng đang chứng minh khả năng sinh sản của nam giới cũng “lão hóa” theo độ tuổi. Bao gồm:
1. Ảnh hưởng của tuổi tác lên cơ quan sinh dục
Thể tích tinh hoàn giảm dần sau 60 tuổi, điều này đã được chứng minh do sự suy giảm số lượng các tế bào dòng tinh sản xuất ra tinh trùng, suy giảm chức năng các tế bào tiết hormone nam giới và suy giảm cả những tế bào thực hiện chức năng bảo vệ.
2. Ảnh hưởng của tuổi tác lên các chỉ số tinh dịch đồ
Phân tích các chỉ số tinh dịch đồ của nam giới khỏe mạnh trong độ tuổi từ 16.5 – 72.3 tuổi, tác giả Stone B.A và cộng sự đã chỉ ra các mốc tuổi suy giảm đáng kể các chỉ số tinh dịch. Cụ thể: tổng số lượng tinh dịch và tổng số tinh trùng di động nhanh là sau 34 tuổi; mật độ tinh trùng và tinh trùng hình thái bình thường là sau 40 tuổi, tinh trùng di động nhanh tiến tới là sau 43 tuổi, thể tích tinh dịch là sau 45 tuổi. Như vậy, tác giả đề xuất rằng độ tuổi có con tự nhiên ở nam giới nên trước 34 tuổi (2).
3. Ảnh hưởng của tuổi tác lên hệ thống nội tiết
Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra sự suy giảm nồng độ hormone nam giới testosterone theo độ tuổi, bao gồm cả nồng độ testosterone toàn phần và testosterone tự do. Suy giảm này thay đổi theo từng nghiên cứu, dao động trong khoảng 0.4% - 1.3%/năm.
4. Ảnh hưởng của tuổi tác lên tính “toàn vẹn” của tinh trùng
Tính “toàn vẹn” của tinh trùng được hiểu là sự toàn vẹn vật chất di truyền của tinh trùng. Vấn đề này đang được đặc biệt quan tâm ở nam giới nói chung và nhất là ở nam giới lớn tuổi. Điều này được đặt ra khi các nhà lâm sàng, nhà nghiên cứu quan sát thấy nam giới có các chỉ số tinh dịch đồ nằm trong giới hạn bình thường nhưng vẫn vô sinh. Nguyên nhân đã được tìm ra liên quan tới sự phân mảnh DNA gia tăng ở những nam giới lớn tuổi. Cơ chế được vẫn chưa được làm rõ nhưng sự sai hỏng trong sửa sai và điều hoà phân chia tế bào được xem là cơ chế chính gây phân mảnh DNA khi nam giới lớn tuổi.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị tổn thương tích luỹ từ nhiễm trùng, sử dụng thức uống có cồn, thuốc lá và các chất độc khác cũng tăng lên theo độ tuổi. Khả năng chống oxy hóa giảm theo tuổi dẫn đến stress oxy hóa làm sai hỏng DNA và gia tăng quá trình tự chết trong tinh hoàn [8]. Bên cạnh tính toàn vẹn DNA, những sai sót trong bộ nhiễm sức thể của tinh trùng cũng được đánh giá ở những người nam lớn tuổi. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo rằng nam giới càng cao tuổi càng làm tăng tỉ lệ tinh trùng và phôi lệch bội ở nam giới. Một số bất thường phổ biến được tìm thấy trên tinh trùng của nam giới lớn tuổi bao gồm bất thường trên nhiễm sắc thể 21, 22 và nhiễm sắc thể giới tính X/Y
5. Ảnh hưởng của tuổi tác lên kết quả hỗ trợ sinh sản
Kết quả điều trị vô sinh ở nam giới được công bố trên nhiều nghiên cứu cho thấy tuổi tác của nam giới tỉ lệ nghịch với các tỷ lệ điều trị vô sinh. Nguyên nhân được xác định là do tăng phân mảnh DNA tinh trùng, tăng nguy cơ sảy thai. Ở những bệnh nhân thực hiện IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), tỷ lệ thụ thai cũng được chứng minh phụ thuộc vào tuổi tác nam giới.
Trong kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ISCI), các số liệu báo cáo cho thấy tỷ lệ thụ tinh giảm 0,3% khi tuổi của cha tăng lên 1 tuổi. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chứng minh được rằng tuổi cao có mối tương quan nghịch với tỉ lệ thai, tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ sinh sống nhưng lại có mối tương quan thuận với tỉ lệ sảy thai.
6. Ảnh hưởng của tuổi tác lên sức khoẻ của em bé sinh ra
Một vấn đề cũng được quan tâm hàng đầu là sức khoẻ của trẻ sinh ra từ người bố lớn tuổi. Tuổi người bố lớn tuổi có liên quan tới tình trạng trẻ sinh nhẹ cân, hoặc sinh non. Một nghiên cứu 2015 đã chỉ ra nguy cơ tăng 26% các dị tật bẩm sinh cơ xương ở những trẻ có cha trên 50 tuổi so với những trẻ có cha trong độ tuổi 25-34 tuổi.
Một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng đã báo cáo các dị tật liên quan tới hô hấp, thần kinh vận động, dị tật sinh dục gia tăng ở trẻ có cha trên 35 tuổi. Một phân tích tổng hợp của 13 nghiên cứu cho thấy nguy cơ sứt môi hở hàm ếch ở con của những ông bố trên 40 tuổi tăng 58% so với những ông bố từ 20–39 tuổi.
Tuổi cao không chỉ ảnh hưởng đến nữa giới mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nam giới. Theo đó, tuổi càng cao sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng, từ đó có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới, khả năng thụ thai tự nhiên, khả năng thụ thai hỗ trợ sinh sản cũng như sức khoẻ của trẻ sinh ra. Mặc dù, vẫn còn nhiều ý kiến về các phương pháp tối ưu, nhưng khuyến nghị được đưa ra để bảo tồn khả năng sinh sản của nam giới muốn trì hoãn lập gia đình và có con là trữ lạnh tinh trùng khi còn trẻ.
Nắm bắt được xu thế chung của y học hiện đại, Ngân hàng Mô Vinmec triển khai song song cả 2 mô hình ngân hàng tinh trùng “tư nhân” và “công cộng”, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ tinh trùng theo yêu cầu (giống như một loại hình bảo hiểm sinh sản cho nam giới) và lưu trữ tinh trùng hiến tặng (nhằm cung cấp nguồn tinh trùng chất lượng cao).
Chi tiết xin vui lòng liên hệ:
- Ngân hàng Mô - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
- 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Hotline: 0899.550.189
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Y.S. Khandwala, C.A. Zhang, Y. Lu, M.L. Eisenberg, The age of fathers in the USA is rising: an analysis of 168 867 480 births from 1972 to 2015., Hum. Reprod. 32 (2017) 2110–2116.
- Stone B.A., Alex A., Werlin L.B., Marrs R.P. Age thresholds for changes in semen parameters in men. Fertil Steril. 2013;100:952–958.
- D. Durairajanayagam, Lifestyle causes of male infertility, Arab J. Urol. 16 (2018) 10–20.
- S. Gunes, G.N.T. Hekim, M.A. Arslan, R. Asci, Effects of aging on the male reproductive system., J. Assist. Reprod. Genet. 33 (2016) 441–454.
- S.K. Urhoj, P.K. Andersen, L.H. Mortensen, G. Davey Smith, A.-M. Nybo Andersen, Advanced paternal age and stillbirth rate: a nationwide register-based cohort study of 944,031 pregnancies in Denmark, Eur. J. Epidemiol. 32 (2017) 227–234.