Thuốc Scolanzo là thuốc kê đơn, được sử dụng điều trị triệu chứng của một vài bệnh về đường tiêu hoá như loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Scolanzo, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về liều dùng của thuốc Scolanzo trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Scolanzo là gì?
1.1. Thuốc Scolanzo là thuốc gì?
Thuốc Scolanzo thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang bao tan trong ruột, vỉ 14 viên, hộp 1 vỉ với các thành phần:
- Hoạt chất chính: Lansoprazol hàm lượng 30mg
- Tá dược: Đường hạt (gồm sucrose, tinh bột ngô), megumin, natri laurylsulfat, hypromellose, mannitol, macrogol 6000, bột talc, titan dioxyd, polysorbate 80, methacrylic acid: ethyl acrylate đồng trùng hợp
Thuốc Scolanzo khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Scolanzo có tác dụng gì?
Hoạt chất Lansoprazol là dẫn chất benzimidazol với tác dụng chống tiết acid dạ dày nên thuốc Scolanzo được kê đơn chỉ định trong các trường hợp:
- Điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng
- Điều trị và dự phòng viêm thực quản do trào ngược
- Tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) đồng thời kết hợp với liệu pháp kháng sinh thích hợp để điều trị loét dạ dày tá tràng do H.pylori
- Điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính có liên quan đến thuốc nhóm NSAID ở những bệnh nhân cần tiếp tục điều trị với nhóm thuốc NSAID
- Dự phòng loét dạ dày và tá tràng do NSAID ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao cần tiếp tục điều trị
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng điển hình
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Lansoprazol hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Scolanzo.
- Phụ nữ mang thai trong tam nguyệt cá đầu và phụ nữ đang cho con bú.
- Bệnh nhân suy thận nặng (có chỉ số độ thanh thải creatinin < 30ml/ phút).
- Chống chỉ định tuyệt đối với những bệnh nhân đang sử dụng atazanavir
2. Cách sử dụng của thuốc Scolanzo
2.1. Cách dùng thuốc Scolanzo
- Thuốc Scolanzo dùng đường uống, nên uống thuốc trước khi ăn 30 phút
- Nuốt trọn viên thuốc với nước, không nhai, nghiền nát, hay trộn thuốc với dung dịch hay hỗn hợp nào khác.
- Sử dụng đúng liều chỉ định, không được tự ý tăng giảm liều mà không tham khảo ý kiến chuyên môn.
2.2. Liều dùng của thuốc Scolanzo
Dưới đây là liều dùng khuyến cáo, liều cụ thể với mỗi bệnh nhân và tình trạng bệnh sẽ được quyết định bởi bác sĩ có chuyên môn:
- Điều trị loét hành tá tràng: 30 mg x 1 lần mỗi ngày trong 2 tuần liên tục. Với những bệnh nhân chưa lành hẳn vết loét trong thời gian này, thuốc được dùng tiếp tục với liều lượng tương tự trong hai tuần tiếp theo.
- Điều trị loét dạ dày: 30 mg x 1 lần mỗi ngày trong 4 tuần liên tục. Thông thường vết loét sẽ lành trong vòng 4 tuần, nhưng nếu bệnh nhân chưa lành hẳn vết loét trong thời gian này có thể tiếp tục duy trì dùng thuốc với liều tương tự trong 4 tuần nữa.
- Viêm thực quản do trào ngược: 30 mg x 1 lần mỗi ngày trong 4 tuần liên tục. Với những bệnh nhân còn biểu hiện lâm sàng chưa lành hẳn trong thời gian này, có thể tiếp tục duy trì tiếp tục với liều lượng tương tự trong 4 tuần nữa.
- Dự phòng viêm thực quản do trào ngược: 15 mg x 1 lần mỗi ngày. Nếu cần, có thể tăng liều lên đến 30 mg mỗi ngày.
- Điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính có liên quan đến thuốc nhóm NSAID ở những bệnh nhân cần tiếp tục điều trị với nhóm thuốc NSAID: 30 mg x 1 lần mỗi ngày trong 4 tuần liên tục. Với những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chưa lành hẳn, việc điều trị có thể được tiếp tục duy trì trong bốn tuần nữa. Với những bệnh nhân có nguy cơ hoặc bị vết loét khó lành thì nên sử dụng một đợt điều trị kéo dài hơn và / hoặc liều cao hơn.
- Dự phòng loét dạ dày và tá tràng liên quan đến NSAID ở những bệnh nhân có nguy cơ (như > 65 tuổi hoặc có tiền sử loét dạ dày hay tá tràng) cần điều trị NSAID kéo dài: 15 mg x 1 lần mỗi ngày. Nếu điều trị thất bại, nên sử dụng liều 30mg x 1 lần mỗi ngày.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có triệu chứng: 15 mg hoặc 30 mg mỗi ngày. Nếu các triệu chứng giảm nhanh chóng, việc điều chỉnh liều lượng riêng lẻ nên được xem xét. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 4 tuần với liều hàng ngày 30 mg, thì cần tái khám kiểm tra thêm.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: 60 mg x 1 lần mỗi ngày. Liều uống nên được điều chỉnh riêng với mỗi người và nên tiếp tục điều trị trong thời gian dài nếu cần thiết. Liều hàng ngày có thể lên đến 180 mg đã được sử dụng. Nếu liều uống hàng ngày vượt quá 120 mg, thuốc nên được chia làm hai lần.
Xử lý khi quên liều: Để đảm bảo Scolanzo phát huy được tối đa tác dụng giảm nhanh triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hoá thì người bệnh cần cố gắng không quên uống thuốc. Nếu lỡ quên thì cần uống thuốc ngay khi nhớ ra, nhưng nếu đã quá gần thời gian cho liều tiếp theo thì bỏ qua lần uống đã lỡ và tiếp tục uống liều mới như dự định. Không uống gấp đôi liều Scolanzo cùng lúc.
Xử trí khi quá liều: Triệu chứng có thể xảy ra như hạ thân nhiệt, co giật, giảm tần số hô hấp, an thần. Điều trị hỗ trợ là chủ yếu, phương pháp thẩm tách không loại bỏ được thuốc khỏi cơ thể.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Scolanzo
Lưu ý khi dùng thuốc Scolanzo như sau:
- Không dùng Scolanzo khi đã hết hạn sử dụng, thuốc đổi màu, có biểu hiện của nấm mốc, vỉ thuốc bị hở niêm phong.
- Thận trọng khi dùng Scolanzo cho nhóm đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú, cũng như những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan mức độ vừa và nặng.
- Không khuyến cáo sử dụng đồng thời các chế phẩm có chứa lansoprazole với các chất ức chế protease HIV chẳng hạn như nelfinavir và atazanavir, do làm giảm đáng kể sinh khả dụng của chúng.
- Lansoprazole, cũng giống như các chất ức chế bơm proton (PPI), có thể làm quá phát số lượng vi khuẩn thường có trong đường tiêu hóa. Dẫn đến gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như Campylobacter, Salmonella và Clostridium difficile.
- Những bệnh nhân dự kiến phải điều trị kéo dài hoặc những người dùng kết hợp PPI với digoxin hay các thuốc có thể gây hạ kali máu (ví dụ như thuốc lợi tiểu), bác sĩ sẽ cân nhắc việc cho chỉ định đo nồng độ magie trước khi bắt đầu điều trị với PPI và định kỳ trong quá trình điều trị.
- Các thuốc ức chế bơm proton, đặc biệt những thuốc được sử dụng với liều lượng cao và trong thời gian dài (trên 1 năm) có thể khiến tăng nhẹ nguy cơ gãy xương hông, cột sống và cổ tay, chủ yếu ở người lớn tuổi hoặc người có các yếu tố nguy cơ. Những bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cần được chăm sóc theo các hướng dẫn lâm sàng đang lưu hành và phải được bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi.
4. Tác dụng phụ của thuốc Scolanzo
Rối loạn máu và hệ bạch huyết:
- Giảm tiểu cầu, tăng nhóm bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu.
- Thiếu máu
- Chứng mất bạch cầu hạt, giảm huyết cầu toàn thể.
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng:
- Giảm magie máu
- Rối loạn tâm thần
- Trầm cảm
- Mất ngủ, ảo giác, lẫn lộn
Hệ thần kinh:
- Đau đầu, hoa mắt
- Thao thức, dị cảm, buồn ngủ, rùng mình, chóng mặt.
Mắt: Rối loạn tầm nhìn
Hệ tiêu hóa
- Nôn, buồn nôn, đau dạ dày, đầy hơi, khô miệng và họng, tiêu chảy, táo bón.
- Viêm lưỡi, nhiễm nấm thực quản, rối loạn vị giác, viêm tụy.
- Viêm ruột kết, viêm miệng
Rối loạn gan:
- Tăng enzym gan
- Viêm da, vàng da
Da và mô, cơ dưới da
- Mày đay, phát ban, ngứa
- Đốm xuất huyết, ban xuất huyết, ban đỏ đa dạng, rụng tóc, nhạy cảm ánh sáng
- Hội chứng Steven-Johnson, hoại tử phần thượng bì nhiễm độc
Ngoài những tác dụng phụ trên, trong quá trình sử dụng người bệnh còn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn khác. Vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì người bệnh cần dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ được biết.
5. Tương tác thuốc Scolanzo
- Các chế phẩm có chứa Lansoprazole có thể gây cản trở sự hấp thu của các thuốc khác mà độ pH dạ dày là yếu tố quan trọng quyết định sinh khả dụng khi dùng đường uống.
- Chất ức chế HIV Protease: Như đã nói ở trên không dùng chung các chất này với Scolanzo do làm giảm đáng kể sinh khả dụng của chúng.
- Ketoconazole và itraconazole: Sử dụng Scolanzo có thể dẫn đến nồng độ itraconazole và ketoconazole giảm dưới mức điều trị, bởi vậy nên tránh kết hợp.
- Digoxin: Dùng đồng thời Scolanzo và digoxin có thể dẫn đến sự tăng nồng độ digoxin trong huyết tương. Cần theo dõi nồng độ digoxin trong huyết tương và điều chỉnh liều liều uống digoxin nếu cần khi bắt đầu và kết thúc điều trị bằng Scolanzo.
- Methotrexate: Sử dụng đồng thời Scolanzo với Methotrexate liều cao có thể làm tăng và kéo dài nồng độ methotrexate trong huyết thanh hay chất chuyển hóa của nó, có thể dẫn đến khả năng gây độc tính với methotrexate. Do đó, ở những nơi sử dụng methotrexate liều cao, có thể cần cân nhắc việc ngừng tạm thời Scolanzo.
- Scolanzo có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của các sản phẩm thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A4, thuốc gây ra CYP3A4 và CYP2C19. Cần thận trọng khi kết hợp chế phẩm có chứa lansoprazole với các sản phẩm thuốc được chuyển hóa bởi enzym này và có thời gian điều trị hẹp.
Thuốc Scolanzo có thời gian bảo quản 3 năm từ ngày sản xuất. Bảo quản thuốc ở nơi có nhiệt độ phù hợp dưới 25°C, để thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát, không để trong tủ lạnh hoặc đông lạnh. Tránh xa các nguồn nhiệt và tầm với của trẻ em.
Thuốc Scolanzo là thuốc kê đơn, được sử dụng điều trị triệu chứng của một vài bệnh về đường tiêu hoá như loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.