Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Lấy máu gót chân nằm trong chương trình sàng lọc sơ sinh cho các bé nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Đặc biệt là những bệnh lý nguy hiểm khó phát hiện trên lâm sàng khi trẻ mới sinh.
1. Thời điểm thích hợp để lấy máu gót chân làm xét nghiệm cho trẻ
Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh được thực hiện khi bé sinh ra được khoảng 24 – 72 giờ tuổi. Tốt nhất từ 48 – 72 giờ tuổi hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh..Thời gian lấy máu thích hợp sẽ khác nhau ở các bé phụ thuộc vào việc bé sinh đủ tháng hay không.
Trường hợp trẻ sinh non, thiếu cân sẽ được làm trong vòng 20 ngày sau sinh. Trẻ được truyền máu sau sinh sẽ xét nghiệm sau 3 tháng.
2. Lấy máu gót chân có nguy hiểm không
Việc thực hiện sang lọc sau sinh, lấy máu gót chân không gây nguy hiểm cho trẻ, chi phí không quá tốn kém và mang lại hiệu quả lớn.
3. Những bệnh tật ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện bằng xét nghiệm máu
Hệ thống Vinmec thực hiện xét nghiệm máu tĩnh mạch. Chẩn đoán 3 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có tỷ lệ cao, có thể điều trị sớm, phòng bệnh tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Xét nghiệm được lấy vào lúc trẻ được đủ 72 giờ tuổi trở lên và có thể làm trong suốt thời kỳ sơ sinh.
3.1 Thiếu men GPD
Thiếu men GPD là trường hợp con bạn không tổng hợp được men G6PD (nằm trong tế bào hồng cầu) như những trẻ bình thường khác. Khi thiếu men GPD, tế bào không thể biến đổi các sản phẩm có hại thành sản phẩm không hại, các sản phẩm có hại này sẽ tích tụ trong hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ. Do vậy, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp theo dõi vàng da sơ sinh và giúp trẻ hạn chế bị tán huyết cấp đưa đến thiếu máu, vàng da.
3.2 Suy giáp bẩm sinh
Suy giáp bẩm sinh là bệnh lý tuyến giáp do trẻ không tự sản xuất hoặc sản xuất ít hormon hơn bình thường. Thiếu hormon tuyến giáp sẽ làm não và cơ thể không thể phát triển dẫn tời trẻ bị đần độn, lùn. Do đó, việc làm xét nghiệm để phát hiện sớm và điều trị bổ sung đủ lượng hormon tuyến giáp trong vòng 2 tuần đầu sau sinh sẽ giúp trẻ phát triển bình thường.
3.3 Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh
Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh là một bệnh lý rối loạn tổng hợp nội tiết tuyến thượng thận ở trẻ sơ sinh. Bệnh có những biểu hiện như mất muối gây tử vong và mơ hồ về giới tính ở bé gái. Việc phát hiện bệnh kịp thời sẽ giúp trẻ tránh tử vong, giảm thiểu tình trạng nam hoá cơ quan sinh dục ngoài gây nhầm lẫn giới tính ở trẻ gái.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.