Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh bạc tóc sớm xảy ra chủ yếu do nguyên nhân di truyền. Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, không thể loại trừ các nguyên nhân tâm lý, thói quen ăn uống ở trẻ. Phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ để điều trị đạt hiệu quả cao.
1. Định nghĩa bệnh tóc bạc sớm ở trẻ em
Bệnh tóc bạc sớm được định nghĩa là tình trạng xuất hiện các sợi tóc màu trắng trên đầu, xen kẽ các sợi tóc màu đen, xảy ra trước 20 tuổi ở người da trắng, trước 25 tuổi ở người châu Á, và trước 30 tuổi ở người châu Phi.
Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ
Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
2. Nguyên nhân gây tóc bạc sớm ở trẻ em
- Di truyền: Những đứa trẻ sinh ra ở gia đình có bố hoặc mẹ bị tóc bạc sớm có nguy cơ bị tóc bạc sớm cao hơn những gia đình khác. Đột biến gen trội trên nhiễm sắc thể thường gây ra bệnh bạch biến, u xơ củ khiến tóc bạc sớm.
- Bệnh chuyển hóa: Các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, cường/suy tuyến thượng thận, men gan, nồng độ cholesterol cao, v. v đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm. Cụ thể, cường/suy tuyến giáp gây rối loạn sản xuất hormone, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin ở nang tóc, làm tóc bạc sớm.
- Đời sống tinh thần: Tình trạng căng thẳng do học hành, chơi điện tử quá mức, thức khuya, sang chấn tâm lý, mất ngủ, v. v đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ưa thích thức ăn nhanh, gây tăng tiết cholesterol làm yếu chân tóc, làm gián đoạn quá trình phát triển của tóc gây tóc bạc sớm. Thiếu các loại vitamin cùng các vi chất như sắt, đồng, kẽm cũng làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
- Khói thuốc lá: Hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân khiến trẻ có tóc bạc sớm. Trong thành phần thuốc lá có chức chất oxy hóa tế bào, làm giảm khả năng sản xuất melanin, khiến tóc bạc sớm.
- Dầu gội đầu và xà phòng: Một số loại dầu gội và xà phòng có chứa hóa chất độc hại, làm hỏng tóc, khiến tóc khô xơ và nhạt màu hơn. Do đó, bạn nên chọn cho trẻ các loại dầu gội nhẹ, có chiết xuất từ thảo dược tự nhiên có bổ sung thêm các dưỡng chất cho trẻ.
3. Cải thiện tình trạng tóc bạc sớm ở trẻ bằng cách nào?
Điều trị hoàn toàn tóc bạc sớm là rất khó. Thay vào đó, bác sĩ đề nghị cung cấp dinh dưỡng để giảm lượng tóc bạc có trên đầu. Một số dưỡng chất cần bổ sung, bao gồm:
- Vitamin A: Vitamin A giúp da đầu khỏe mạnh và tóc sáng bóng. Loại vitamin này có nhiều trong rau xanh và các loại trái cây có màu vàng.
- Vitamin B: Vitamin B điều hòa khả năng tiết dầu, nhờ đó giúp tóc khỏe mạnh, mềm mại hơn. Vitamin B có nhiều trong sữa chua, rau xanh, cà chua, súp lơ, ngũ cốc, chuối và gan.
- Chất khoáng: Một số chất khoáng như sắt, kẽm, đồng có tác dụng giúp mái tóc chắc khỏe, ngăn chặn quá trình lão hóa. Kẽm có nhiều trong thịt gà, thịt đỏ, rau xanh. Sắt có nhiều trong trứng, thịt đỏ, mơ khô, lúa mì, rau mùi tây, thịt bò, hạt hướng dương. Đồng có nhiều trong ngũ cốc nguyên cám, hải sản, lòng đỏ trứng.
- Protein: Protein có tác dụng làm tăng độ bóng của tóc và cải thiện kết cấu tóc. Bổ sung protein bằng cách bổ sung nhiều các loại ngũ cốc, đậu nành và thịt vào chế độ ăn của trẻ.
Nếu trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa thì nên đưa trẻ đi khám toàn thân, kiểm tra nội tiết, tuyến yên, tuyến giáp. Kiểm tra các dấu hiệu của bạch biến, u xơ củ.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt các loại rau xanh đậm, bắp cải, quả lê, mơ, quả mâm xôi. Không tạo áp lực cho trẻ trong việc học hành, thi cử.
4. Tóc bạc sớm - Dấu hiệu không thể xem thường
Trong nhiều trường hợp, tóc bạc sớm không đơn thuần chỉ là tình trạng tóc bạc, mà là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hơn. Cụ thể, tóc bạc ở trẻ là dấu hiệu nghi ngờ bệnh xơ cứng mô sụn và bạch biến, nguyên nhân gây ra hiện tượng mất sắc tố tóc.
Ngoài ra, tóc bạc sớm ở trẻ còn là dấu hiệu báo trước bệnh co giật, khối u, rối loạn tuyến giáp và các rối loạn nội tiết khác. Do đó, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi làm các xét nghiệm sàng lọc sớm nguy cơ mắc các bệnh lý nêu trên.
5. Một số biện pháp nuôi dưỡng tóc an toàn cho trẻ
5.1 Hỗn hợp dầu dừa - lá cà ri
- Thành phần: Chuẩn bị một nắm lá cà ri và 100ml dầu dừa.
- Quy trình: Cho dầu dừa vào nồi, đun nhỏ lửa. Cho lá cà ri vào nồi dầu đã đun nóng. Chờ hỗn hợp nguội rồi cho vào chai. Thoa dầu lên tóc trẻ mỗi ngày và mát-xa nhẹ nhàng từ 10-15 phút, rồi ủ tóc. Thực hiện trong thời gian 3 tháng để có hiệu quả tốt nhất.
5.2 Hỗn hợp dầu dừa - mướp khô
- Thành phần: Chuẩn bị nửa tách mướp phơi khô, một tách dầu dừa
- Quy trình: Mướp cắt nhỏ, phơi trong bóng mát tới khi khô. Sau đó, ngâm trong dầu dừa từ 3 - 4 ngày. Cho hỗn hợp vào nồi, đun nhỏ lửa cho tới khi dầu chuyển sang màu đen. Lọc bỏ xác mướp, cho hỗn hợp dầu vào chai thủy tinh dùng dần. Dùng hỗn hợp này mat-xa da đầu trẻ 2 lần/tuần.
5.3 Hỗn hợp dầu mè - cà rốt
- Thành phần: Chuẩn bị 1 thìa hạt cỏ cà ri, 1 tách dầu mè, 1 tách nước ép cà rốt.
- Quy trình: Trộn hạt cỏ cà ri, dầu mè và nước cà rốt lại với nhau, cho vào lọ, phơi ngoài nắng từ 21-25 ngày. Sau đó, dùng hỗn hợp này thoa lên da đầu của trẻ, mát-xa nhẹ nhàng trong 3 tháng để đạt kết quả.
5.4 Nước chanh & Dầu hạnh nhân
- Thành phần: 1 tách dầu hạnh nhân, 1⁄4 tách nước chanh
- Quy trình: Trộn dầu hạnh nhân với nước chanh, sau đó mát-xa nhẹ nhàng lên da đầu trẻ. Để qua đêm, sau đó gội đầu bằng dầu gội.
5.5 Trà đen
- Thành phần: Chuẩn bị 1 thia lá trà đen, 1 tách nước.
- Quy trình: Nấu lá trà trong nước nóng và lọc bỏ lá trà. Thoa nước trà đen lên da dầu và ủ tóc trong 1 giờ. Sau đó gội lại với nước lạnh cho trẻ mà không dùng dầu gội.
5.6 Lá ổi nghiền nhuyễn
- Thành phần: Chuẩn bị 1 nắm lá ổi
- Quy trình: Xay lá ổi ra thật nhuyễn. Thoa phần lá đã nghiền lên da đầu trẻ. Ủ tóc trong nửa giờ và rửa lại bằng nước lạnh. Sử dụng cách này 2 lần/tuần.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói khám sức khỏe tổng quát cho bé yêu. Trong gói khám sức khỏe, bé yêu của bạn sẽ được khám toàn diện, từ mắt, răng miệng, huyết áp, cân nặng đến làm các xét nghiệm cần thiết, kết hợp với chẩn đoán bằng hình ảnh và đánh giá các chức năng cơ bản gan thận, đường máu, tình trạng dinh dưỡng và viêm gan virus B. Gói khám giúp bạn kiểm tra tổng thể sức khỏe cho bé, sàng lọc triệu chứng để sớm phát hiện và điều trị nếu cần.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.