Laser điều trị u và sẹo hẹp khí phế quản qua nội soi

Laser điều trị u và sẹo hẹp khí phế quản là phương pháp phẫu thuật mới có độ chính xác cao. Nội dung chính của phương pháp là dùng laser để đốt và loại bỏ khối u/vị trí hẹp trong lòng khí phế quản. Hiện nay, laser điều trị u và sẹo hẹp khí phế quản là một loại phẫu thuật ít để lại các biến chứng sau phẫu thuật nhất.

1. Đại cương về phương pháp Laser điều trị u khí phế quản qua nội soi

a.Laser điều trị u khí phế quản qua nội soi là gì?

Laser là một từ viết tắt với cụm từ đầy đủ là Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation, nghĩa là một loại ánh sáng khuếch đại bằng các bức xạ kích thích. Nói cách khác, Laser là một loại tia năng lượng có đặc tính giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt khi chiếu vào một vật thể.

Hiện nay, người ta đã và đang áp dụng tia laser trong nhiều lĩnh vực như hàn, cắt, ... các cấu trúc. Tác dụng cụ thể của tia laser thường phụ thuộc vào môi trường cũng như chiều dài bước sóng. Dựa trên các đặc tính ưu việt này của tia laser, Y học hiện đại đã bắt đầu ứng dụng loại tia năng lượng này trong việc điều trị nhiều bệnh lý.

Đối với khí quản/phế quản, một số vấn đề như u khí quản, u phế quản, hẹp khí phế quản, hẹp phế quản, các bác sĩ hiện đã áp dụng kĩ thuật cắt khối u trong lòng khí phế quản bằng tia laser thông qua nội soi ống cứng hoặc nội soi ống mềm. Có thể nói, kỹ thuật này mang lại nhiều hiệu quả trong việc loại bỏ khối u trong các đường dẫn khí lớn của cơ thể.


Hình ảnh tia laser
Hình ảnh tia laser

b.Các loại tia laser phổ biến trong điều trị nội soi khí phế quản

Trong điều trị nội soi khí phế quản, có 3 loại tia laser phổ biến:

  • Laser Yag: bước sóng 1060 nm.
  • Laser CO2: bước sóng 10600nm.
  • Laser YAP: bước sóng 1340 nm.

Trong đó, tia laser YAP có tính hấp thụ cao hơn so với laser YAG, vì vậy cực kì phù hợp trong việc điều trị tổn thương chảy máu.

c.Ưu điểm vượt trội của phương pháp điều trị u/hẹp khí phế quản bằng laser qua nội soi

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là có độ chính xác rất cao. Vì vậy, quá trình phẫu thuật cắt khối u sẽ gây tổn thương tối thiểu đến các cơ quan khỏe mạnh xung quanh.

Sau khi thực hiện phẫu thuật bằng laser, bệnh nhân sẽ có tốc độ hồi phục nhanh hơn, ít đau, giảm thiểu nguy cơ chảy máu cũng như hạn chế các vết sẹo. Đồng thời, nguy cơ nhiễm trùng của vết thương cũng rất hiếm.

2. Phương pháp cắt u khí phế quản bằng laser qua nội soi được thực hiện khi nào?


Ung thư phổi nguyên phát
Ung thư phổi nguyên phát

Hiện nay, phương pháp laser điều trị u khí phế quản được chỉ định trong 2 trường hợp sau.

a.U khí quản/U phế quản

Bao gồm các loại khối u sau:

  • Ung thư phổi nguyên phát: phương pháp laser cắt khối u đã và đang trở thành một loại điều trị bổ trợ.
  • U có mức độ ác tính thấp như u carcinoid, viêm giả u, ung thư kén- tuyến, ... cũng có thể sử dụng laser để loại bỏ khối u.
  • U lành tính: đây là trường hợp mà phương pháp cắt đốt laser có tính hiệu quả cao nhất. Một số loại u lành tính có thể sử dụng phương pháp này là u tuyến, u mỡ, u sụn, ...

b.Vấn đề về hẹp khí quản/hẹp phế quản

  • Hẹp khí quản sau khi đặt ống nội khí quản hoặc sau khi mở khi quản: đây là loại hẹp có thể điều trị hoàn toàn bằng cách đốt laser. Tuy nhiên, đối với trường hợp hẹp khí quản do sẹo niêm mạc hay do co kéo sẽ không phù hợp với phương pháp.
  • Hẹp phế quản: thường do nhiễm trùng, sau khi xạ trị hoặc sau khi phẫu thuật. Các tổn thương ở dạng màng có thể sử dụng cắt đốt laser để khắc phục. Tuy nhiên, đối với các tổn thương lớn hơn, cần phải phối hợp điều trị bằng laser và đặt stent.
  • Một số bệnh hiếm ở khí phế quản như tổn thương amyloidosis.
  • Nhuyễn khí quản/phế quản,...

3. Những trường hợp nào không thể thực hiện cắt u khí phế quản bằng laser?

Phương pháp laser nội soi khí quản cũng có những đối tượng chống chỉ định đáng lưu ý gồm:

  • Bệnh nhân có khối u bên ngoài khí phế quản và gây đè ép khí phế quản.
  • Bệnh nhân có khối u ác tính dưới dạng thâm nhiễm vào niêm mạc. Đối với loại khối u này, nếu dùng laser để cắt khối u sẽ dễ gây ra tình trạng thủng khí phế quản vô cùng nguy hiểm.

Ngoài ra, một số bệnh nhân không thể nội soi phế quản ống cứng như bệnh nhân bị rối loạn tim mạch, suy hô hấp, suy gan, suy thận, suy tim, rối loạn đông máu... cũng không được khuyến nghị thực hiện kĩ thuật này trong phẫu thuật.

4. Kỹ thuật laser điều trị u khí phế quản/hẹp khí phế quản có thể gây ra nguy hiểm gì?


Ho ra máu
Ho ra máu

Cũng như nhiều phương pháp ngoại khoa khác, tuy có tính hiện đại và chính xác cao, nhưng việc sử dụng laser để loại bỏ khối u cũng có thể gây ra một số rủi ro:

  • Gây cháy lòng khí phế quản nếu bác sĩ tiếp tục cung cấp Oxy cho người bệnh trong quá trình cắt khối u.
  • Có thể gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất... do thủng khí phế quản.
  • Tình trạng co thắt phế quản sau phẫu thuật: thường được khắc phục bằng thuốc giãn phế quản hoặc thuốc corticoid.
  • Bệnh nhân có thể ho máu: các bác sĩ sẽ tiêm hoặc cho bệnh nhân uống transamin tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Đặc biệt, đối với tình trạng ho máu nặng, bác sĩ có thể sử dụng morphine.

Có thể nói, laser điều trị khí phế quản qua nội soi là giải pháp tân tiến trong Y học hiện đại. Hiệu quả của phương pháp đạt được cao hơn nhiều so với những phương thức phẫu thuật khác, đồng thời đảm bảo thời gian hồi phục của bệnh nhân là ngắn nhất.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe