Bị dày sừng nang lông chữa bằng laser được không?

Dày sừng nang lông là tình trạng tổn thương da do Keratin bị tắc nghẽn. Bệnh này có xu hướng trở nặng vào mùa lạnh với thời tiết hanh khô. Bệnh có biểu hiện da khô, sần sùi trên bề mặt và gây ngứa rất khó chịu. Nếu được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.

1. Dày sừng nang lông là gì?

Bị dày sừng nang lông là một bệnh lý về da với biểu hiện da bị tổn thương và sần sùi. Bệnh không phân biệt độ tuổi nhưng có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ em và tuổi thiếu niên. Bệnh thường có diễn tiến nặng vào mùa lạnh khi độ ẩm trong không khí xuống thấp. Sừng nang lông thường có biểu hiện bằng sự xuất hiện của các vết sần nhỏ trên da nên hay bị nhầm tưởng với tình trạng nổi da gà khi ớn lạnh hoặc tình trạng mụn da. Tuy nhiên, những nốt sần do dày sừng nang lông tạo ra chính là các tế bào da chết.

Bệnh lý này thường xuất hiện ở hai bên cánh tay phía mặt ngoài, bộ phận da xung quanh đùi và mông hoặc đối với trẻ em thì thường thấy xuất hiện ở hai bên má. Biểu hiện chính của bệnh là sự xuất hiện các nốt sần đỏ hoặc nâu, vùng da bị sừng nang lông trở nên thô ráp, cảm giác ngứa thường xuyên tại vùng da bị bệnh, nổi phát ban và nhọt trên vùng da bị bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lý da dày sừng nang lông. Những lý giải khoa học cho thấy, hiện tượng bệnh lý này xảy ra do sự tích tụ Keratin tạo thành các nốt da sừng làm cho nang chân lông bị tắc dẫn đến tình trạng da khô sần. Keratin là một loại protein có tác dụng bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại gây ra tình trạng nhiễm trùng ở da.

Việc tìm ra nguyên nhân chính làm cho Keratin bị tắc nghẽn vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn Keratin có thể kể đến bao gồm:

  • Do tình trạng hen suyễn gây ra
  • Da khô cũng có thể làm tắc nghẽn Keratin
  • Da bị bệnh chàm
  • Tình trạng thừa cân
  • Bị sốt cỏ khô
  • Do quá trình vệ sinh da không đảm bảo
  • Môi trường không khí bị ô nhiễm.

Ngoài ra, thống kê cho thấy nguy cơ mắc chứng tắc Keratin sẽ cao hơn đối với những người có người thân trong gia đình cũng bị sừng nang lông. Lý giả về yếu tố di truyền của bệnh sừng nang lông là do đặc tính di truyền trội trong các nhiễm sắc thể thường. Nếu bố mẹ bị sừng nang lông thì nguy cơ đưa trẻ được sinh ra sẽ bị mắc bệnh này là 50%. Bên cạnh đó, tình trạng dày sừng nang lông cũng có thể xuất hiện do tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư.

2. Dày sừng nang lông có chữa được không?

Câu trả lời là không thể điều trị dứt điểm tình trạng dày sừng nang lông, tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn một số cách để làm dịu tình trạng bệnh lý về da này. Cách chữa bệnh dày sừng nang lông thường được sử dụng là dưỡng ẩm da bằng cách thoa kem lên vùng da cần được dưỡng ẩm 2-3 lần/ngày. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng thì có thể dùng thuốc bôi da để điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có thành phần retinoids nên có thể làm cho da bị khô hơn và tránh dùng thuốc cho đối tượng là phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Loại bỏ tế bào chết và điều trị bằng laser cũng là những phương pháp điều trị phổ biến dành cho người bị dày sừng nang lông.

Dày sừng nang lông là một tình trạng da lành tính và không gây hại đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng da bị ngứa kéo dài sẽ làm cho người bệnh khó chịu và làm ảnh hưởng đến sự tự tin về vẻ bề ngoài của người bệnh.

3. Bị dày sừng nang lông chữa bằng laser được không?

Mặc dù bệnh dày sừng nang lông không thể chữa khỏi hẳn. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn thì bác sĩ da liễu có thể áp dụng phương pháp điều trị bằng laser. Cách chữa bệnh dày sừng nang lông bằng laser thường được áp dụng nếu bệnh nhân đã áp dụng một số phương pháp khác nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Phương pháp này sẽ hiệu quả trong việc làm cho tình trạng da giảm sưng tấy đỏ và làm cho kết cấu da được tốt hơn. Thông thường, bệnh nhân có thể sẽ cần thêm một vài buổi trị liệu da bằng phương pháp mài mòn để cho kết quả khả quan nhất.

4. Cách chăm sóc da khi bị dày sừng nang lông

Ngoài việc điều trị bệnh, người bị da dày sừng nang lông cần thực hiện các bước chăm sóc da như sau để liệu trình điều trị đạt kết quả tốt nhất. Dưới đây là cách chăm sóc da bị dày sừng nang lông:

  • Không dùng nước quá nóng để tắm, vì nước nóng sẽ làm cho tình trạng khô da trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thời gian tắm không nên quá 15 phút, vì tắm lâu có thể rửa trôi lớp dầu tự nhiên có sẵn trên da và làm cho da mất nước nhiều hơn.
  • Nên sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ và cho da nhạy cảm hoặc có thể cân nhắc sử dụng loại xà phòng dành cho da em bé.
  • Duy trì việc tẩy tế bào chết cho da thường xuyên
  • Mặc dù ngứa nhưng không được chà xát mạnh lên vùng da bị bệnh, vì điều đó sẽ làm cho tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đảm bảo độ ẩm trong phòng ngủ thích hợp cho da
  • Dùng kem dưỡng ẩm da hằng ngày
  • Không mặc các loại quần áo quá bít hoặc quá chật để da được thông thoáng và không bị chà xát lên vùng da bị bệnh
  • Vùng da bị bệnh cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời

Da dày sừng nang lông không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Để có hiệu quả tốt, người bệnh cần phải kiên nhẫn với liệu trình của mình. Khi bị dày sừng nang lông, bạn không nên tự điều trị mà nên tìm lời khuyên từ các bác sĩ da liễu để tránh tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe