Lần tắm đầu tiên của bé: Những điều cha mẹ mới phải biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mặc dù tắm cho bé tưởng chừng như là một việc khá đơn giản, tuy nhiên cách tắm cho trẻ sơ sinh lần đầu tiên sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối. Do đó, hầu như các cặp đôi lần đầu làm cha mẹ đều quan đến hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách.

1. Lau mình cho trẻ sơ sinh

1.1. Chuẩn bị

Vì lý do an toàn cho trẻ sơ sinh, lần tắm đầu tiên của bé thực tế là quá trình được vệ sinh thân thể bằng khăn lau thấm nước. Phụ huynh nên thực hiện thao tác này trong không gian đủ độ ấm với bề mặt phẳng được lót một lớp khăn dày, có thể là ở phòng tắm hoặc trên kệ bếp, bàn thay tã hoặc giường ngủ. Nếu sử dụng điều hòa hoặc ở những nơi có thời tiết lạnh, cần đảm bảo nhiệt độ phòng tối thiểu là 26 độ C trở lên vì trẻ sơ sinh rất dễ bị lạnh.

Chuẩn bị sẵn trước tất cả vật dụng cần thiết để vệ sinh cơ thể cho bé, bao gồm:

  • Khăn mềm thấm nước;
  • Khăn tắm sạch và khô, hoặc áo choàng tắm cho trẻ;
  • Một cái tã mới;
  • Quần áo sạch;
  • Vaseline và gạc (đối với bé trai đã cắt bao quy đầu);
  • Nước ấm;

1.2. Hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh bằng khăn

Lau cơ thể bé nhẹ nhàng bằng khăn là việc làm cần thiết trong vài tuần đầu tiên sau sinh, cho đến khi cuống rốn rụng và/hoặc da quy đầu bị cắt đã lành hoàn toàn. Cách tắm cho trẻ sơ sinh những tuần đầu như sau:

  • Đầu tiên, cởi quần áo cho bé và đỡ lấy phần đầu bằng một tay. Giữ lại tã vì đây là khu vực sẽ vệ sinh sau cùng. Quấn bé trong một chiếc khăn, chỉ để lộ những bộ phận cần được lau rửa.
  • Sử dụng khăn em bé để làm sạch từng vị trí một, từ trên xuống dưới và trước ra sau. Bắt đầu ở sau tai, sau đó di chuyển đến cổ, khuỷu tay, đầu gối, giữa các ngón tay và ngón chân. Chú ý đến các ngấn kẽ dưới cánh tay, sau tai và xung quanh cổ.
  • Sau khi làm sạch các vùng trên mới chuyển đến phần đầu tóc nhằm tránh làm bé bị lạnh trong thời gian dài. Bởi vì trẻ sơ sinh thường không có nhiều tóc nên bố mẹ không cần dùng dầu gội mà chỉ cần sử dụng nước. Để tránh làm ướt mắt trẻ, cần nghiêng nhẹ đầu bé ra phía sau.
  • Tiếp theo đó mới là lúc cởi bỏ chiếc tã để vệ sinh bụng và bộ phận sinh dục của bé.
  • Đối với bé gái thì phải lau nhẹ nhàng từ trước ra sau. Nếu có một chút dịch tiết âm đạo thì cũng không cần thiết phải lau sạch tất cả một cách quá kỹ lưỡng. Còn ở bé trai không cắt bao quy đầu chỉ cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài. Nếu bé đã cắt bao quy đầu thì tuyệt đối không rửa đầu dương vật cho đến khi phần da đã lành hẳn.
  • Cuối cùng là làm khô toàn bộ cơ thể bé bằng cách thấm nước bằng khăn mềm, tránh chà xát gây kích ứng làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh.

Sau khi đã hoàn thành các công đoạn trên, phụ huynh có thể thay một chiếc tã mới và mặc vào một bộ quần áo sạch cho bé.


Cần chuẩn bị sẵn trước tất cả vật dụng cần thiết để vệ sinh cơ thể cho bé
Cần chuẩn bị sẵn trước tất cả vật dụng cần thiết để vệ sinh cơ thể cho bé

2. Tắm cho bé trong chậu/thau nước

2.1. Chuẩn bị

Trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu thử tắm thực sự trong chậu/thau nước khi cuống rốn đã rụng, rốn và bao quy đầu đã lành lặn hoàn toàn. Không ít trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc trong lần tắm nước đầu tiên này. Do đó nếu rơi vào trường hợp trên, bố mẹ có thể tiếp tục vệ sinh thân thể cho bé bằng khăn lau trong khoảng 1 tuần trước khi thử tắm trở lại. Cách tắm cho trẻ sơ sinh lần đầu là một quá trình đòi hỏi thái độ hợp tác bé và sự kiên nhẫn đến từ bố mẹ.

Trẻ sơ sinh không cần tắm mỗi ngày mà thay vào đó, tần suất tắm hợp lý là 2 - 3 lần/tuần là hợp lý. Bồn tắm nhỏ vừa với cơ thể trẻ sơ sinh cũng giúp phụ huynh dễ dàng xử lý các tình huống trơn trượt nếu có xảy ra. Để chuẩn bị, phụ huynh có thể tìm mua:

  • Bồn tắm trẻ em làm bằng nhựa dày, có kích thước phù hợp với cơ thể của trẻ. (Bắt buộc)
  • Miếng lót hỗ trợ giữ đầu và cả cơ thể bé an toàn trong nước.
  • Thảm chống trơn trượt, cố định thau/chậu tắm.

Không nên mua và sử dụng những phụ kiện không cần thiết và không thích hợp với trẻ sơ sinh, ví dụ như phao tắm, đồ chơi phòng tắm, v.v.

2.2. Cách tắm cho trẻ sơ sinh trong chậu nước

  • Đổ vào chậu tắm khoảng 2 - 3 cm mực nước ấm. Dùng một tay để đỡ phần đầu của bé, sau đó từ từ hạ xuống.
  • Sử dụng khăn mặt cho trẻ em để lau mặt và tóc. Khi trong khi làm vệ sinh, dùng tay che lên trán bé để bảo vệ, tránh để nước vào mắt.
  • Làm vệ sinh các phần còn lại trên cơ thể trẻ bằng nước và một lượng nhỏ xà phòng.
  • Chỉ sử dụng sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh.
  • Đối với những bé có mái tóc dày, có thể dầu gội nhẹ nhàng cho bé bằng cách đặt bàn tay bố mẹ dưới nước ấm rồi xoa lên đầu bé. Cho một lượng nhỏ dầu gội trẻ em lên tóc của bé. Nhẹ nhàng mát xa theo chuyển động tròn, sau đó dùng cốc nhựa hoặc tay để xả sạch dầu gội. Giữ đầu em bé nghiêng về phía sau để dầu gội không chảy vào mắt.
  • Thường xuyên dùng bàn tay tưới một ít nước qua vùng ngực của bé để giữ ấm bé trong khi tắm.
  • Sau đó nhẹ nhàng thấm nước lau khô bé, có thể thoa một lớp kem dưỡng da giữ ẩm được bác sĩ chỉ định khi da bé bị khô.
  • Cuối cùng là thay một chiếc tã mới. Nếu da bé bị kích ứng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc bôi bảo vệ phù hợp.

Sau khi vừa tắm xong, bố mẹ cần lưu ý quấn bé lại trong một chiếc khăn ngay lập tức, đặc biệt là phải chú ý che phần đầu để giữ ấm bé càng sớm càng tốt. Không bao giờ được để trẻ sơ sinh lại một mình khi đang tắm, thậm chí chỉ trong một thời gian rất ngắn. Nếu bố mẹ phải nghe điện thoại, đi tắt bếp hay làm bất cứ hành động nào khác giữa lúc này, luôn phải quấn bé vào một chiếc khăn và mang bé theo cùng.


Tắm cho trẻ
Tắm cho trẻ

3. Lưu ý trong cách tắm cho trẻ sơ sinh

Ngoài nắm rõ và thực hiện theo các bước hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh như trên, bố mẹ cũng nên lưu ý một số điểm sau:

  • Tập hợp tất cả vật dụng cần thiết trước khi bắt đầu tắm để tránh việc phải rời đi giữa chừng, trẻ sơ sinh có thể bị chìm, sặc nước hoặc trơn trượt rất nhanh.
  • Đặt khăn, tã và quần áo của bé gần khu vực tắm để nhanh chóng mặc vào cho trẻ sau khi tắm hoặc làm vệ sinh, hành động này có thể rút ngắn thời gian và hạn chế trẻ bị lạnh.
  • Kiểm tra nhiệt độ nước bằng khuỷu tay, đảm bảo độ ấm thích hợp (khoảng 37 - 38 độ C) trước khi tắm cho bé.
  • Dùng khăn, gạc hoặc bông ướt lau sạch các chất tiết từ mắt và mũi, cũng như khu vực xung quanh miệng thường dính sữa và nước dãi.
  • Chú ý cẩn thận khi nhấc bé ra khỏi thau/chậu tắm, dùng tay đỡ đầu và cổ bé cũng như tìm điểm tựa vững chắc cho bố mẹ.
  • Tắm trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Ngoài ra phụ huynh cũng có thể tắm cho trẻ sơ sinh vào giờ nào cảm thấy thuận tiện, tuy nhiên cần cố định để tạo thành thói quen cho trẻ.

Giống như tất cả những "lần đầu tiên" khác sắp diễn ra trong những năm tháng sắp tới, lần tắm đầu tiên của bé cũng là một sự kiện đặc biệt. Bên cạnh việc nắm được những hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh, phụ huynh nên nựng nịu, hát hoặc trò chuyện với con khi bé đang tắm vì trẻ sẽ cảm thấy gắn kết hơn với bố mẹ. Tuân thủ cách tắm cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn còn mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như giúp xúc giác của bé phát triển mạnh khi nước hoặc bàn tay bố mẹ chạm nhẹ lên khắp cơ thể bé.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Quốc Ánh đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà nẵng. Hiện tại, đang là Bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe